Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. (Ảnh: vnmu.edu.vn).

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. (Ảnh: vnmu.edu.vn).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Sẽ không tăng hàng ồ ạt

(ĐTCK-online) Bên lề Quốc hội chiều ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi với báo giới về quan điểm của Bộ đối với việc tăng cung cho TTCK và các biện pháp kiềm chế lạm phát. Theo đó, Nhà nước sẽ không đưa nhiều hàng đến mức gây sốc cho thị trường.

Vừa qua, các tổ chức tài chính quốc tế như Merrill Lynch, HSBC có những đánh giá không mấy lạc quan về TTCK VN. Bộ trưởng có nhận xét gì về những ý kiến này?

Đứng trên mỗi một lợi ích, mỗi một khía cạnh, góc độ thì các tập đoàn có thể đưa ra những nhận định này, những nhận định khác. Về phía Chính phủ thì chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là làm sao đảm bảo được cung cầu hàng hoá trên thị trường. Hiện nay, Chính phủ vẫn đang thực hiện chương trình cổ phần hoá để làm sao đưa hàng chất lượng cao ra thị trường, đồng thời có biện pháp điều hòa cung cầu, không gây sốc cho thị trường. Bên cạnh đó, có sự kiểm soát các nguồn vốn đầu tư vào chứng khoán.

Có ý kiến cho rằng, những báo cáo trên đưa ra nhằm tác động lên chính sách vĩ mô về mặt chứng khoán của chúng ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, về nguyên tắc, chúng ta phải tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh và an toàn. Nếu đã gọi là kinh tế thị trường thì Chính phủ không nên can thiệp thô bạo và cũng không nên can thiệp hành chính để làm cho thị trường biến động theo chiều hướng nóng hoặc lạnh.

 

Gần đây, nhà đầu tư rất lo ngại về Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về thắt chặt vốn tín dụng đổ vào chứng khoán, ngoài ra họ còn lo ngại về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất 25% đánh vào kinh doanh chứng khoán. Những nhà tạo lập chính sách có xem xét vấn đề này?

Bất cứ thị trường nào trên thế giới người ta đều phải quản lý chặt chẽ để cho nó phát triển một cách lành mạnh. Còn giải pháp thì phải làm thế nào để tránh sốc cho thị trường, kể cả kiểm soát đầu cơ, kiểm soát thông tin không minh bạch. Quan điểm của Chính phủ là làm sao để nhà đầu tư yên tâm về chính sách. Tôi cho rằng, những chính sách được ban hành, mục tiêu là để phát triển thị trường, ổn định thị trường chứ không phải làm cho thị trường biến động không tốt. Chính sách nào tác động vào thị trường theo hướng không tốt thì chúng ta phải xem xét.

Với thuế thu nhập, tất cả các nước trên thế giới có thị trường chứng khoán người ta đều đánh thuế vào nguồn thu nhập từ đó, đương nhiên đánh như thế nào và đánh vào thời điểm nào thì Chính phủ phải cân nhắc.

 

Ông đánh giá như thế nào về quy định các ngân hàng thương mại không được cho vay quá 3% dư nợ dành cho đầu tư chứng khoán?

Về quan điểm mà nói, nguồn vốn giữa ngân hàng và thị trường chứng khoán phải được kiểm soát bởi vì nó không chỉ tác động vào thị trường mà tác động vào ngay các ngân hàng. Nếu các ngân hàng cho vay lớn quá thì rủi ro cho ngay các ngân hàng đó, còn tỷ lệ bao nhiêu, tôi cho rằng, 3% là hợp lý. Với mức 3% so với thị trường của chúng ta như hiện nay, nếu tính toán sơ bộ nó cũng đã chiếm hơn 10% lượng vốn của ngân hàng tham gia trên thị trường. Chỉ thị không phải là can thiệp hành chính mà là can thiệp mang tính chất lành mạnh về mặt tài chính và thị trường. Lành mạnh không phải cho bản thân thị trường mà lành mạnh ngay cho các tổ chức tín dụng và ngân hàng.

 

Từ nay đến năm 2010 sẽ hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc này có tác động thế nào đến cung hàng trên TTCK?

Việc quan trọng số một là phải tính toán cân đối hàng hoá trên thị trường. Nhà nước đưa hàng ra như thế nào để không gây sốc cho thị trường, không đưa quá nhiều hay quá ít hàng, cho nên sẽ có sự điều phối. Sự điều phối này phải tính trong kế hoạch 5 năm, 3 năm, 1 năm hoặc từng quý.

 

Liên quan đến lạm phát, giá cả đang leo thang ở mức độ chóng mặt, Chính phủ sẽ có biện pháp gì để kiếm soát giá?

Tới đây, Chính phủ sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát để giữ được cân đối giá theo chỉ đạo của Quốc hội, trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp điều hoà về lãi suất, giá, vốn ngoại tệ, phát hành trái phiếu để cân đối cung cầu về tiền tệ, tín dụng.

6 tháng đầu năm, nhập khẩu tương đối lớn, chủ yếu là nguyên vật liệu, nhiên liệu cho sản xuất. 6 tháng cuối năm, chúng ta phải tính toán cân đối làm sao phù hợp, giá hàng nhập ở nước ngoài được điều hành bằng nhiều biện pháp kết hợp với cả thuế trong nước để không bị tăng một cách đột biến. Ví dụ xăng dầu, nếu giá quốc tế tăng cao thì thuế phải hạ xuống để kinh doanh xăng dầu ở thị trường trong nước không biến động mạnh, không tác động vào sản xuất cũng như tiêu dùng.