Ảnh: Thành Nguyễn.

Ảnh: Thành Nguyễn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sẽ hình thành khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 17/6/2022 tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022: “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh”.

Tại sự kiện, người đứng đầu Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã có những chia sẻ quanh vấn đề phát triển đô thị bền vững.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả tích cực, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như: Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trên nêu trên, nhưng nguyên nhân có tính căn cơ nhất xuất phát từ tư duy, phương pháp luận về quản lý và phát triển đô thị đến nay không còn theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, và đòi hỏi cấp bách cần được nghiên cứu, đổi mới”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Ông Nghị cũng cho biết, với vai trò là bộ chủ quản phụ trách lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như:

Tập trung hình thành Khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa. Trọng tâm là xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý Phát triển đô thị, tạo nền tảng và tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý phát triển đô thị.

Xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an ninh, an sinh, an toàn đô thị, phát triển đô thị bền vững, phù hợp đặc thù vùng miền, văn hóa, phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải… xây dựng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị, sửa đổi quy định phân loại đô thị;

Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng như kết cấu hạ tầng liên vùng, công tác quy hoạch sử dụng đất theo các không gian kinh tế…

Hình thành các chính sách khả thi và hiệu quả hơn để đảm bảo nguồn lực cho các mục tiêu an sinh xã hội, nhà ở xã hội, cải tạo, tái thiết đô thị và cải tạo chỉnh trang đô thị.

Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh vai trò của đô thị và những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể cần được thực hiện. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng lưu ý và đề xuất một số vấn đề để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong thời gian tới, như: nâng cao nhận thức về đô thị, vai trò của đô thị, đặc thù của đô thị, cũng như đặc thù thể hiện trên các chỉ tiêu phát triển đô thị.

Các địa phương xác định chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Trong đó, có thể có chương trình/dự án thuộc trách nhiệm của địa phương và có chương trình/dự án cần phải thực hiện trên quy mô vùng hoặc toàn quốc.

Các địa phương đề xuất chính sách và nguồn lực cần thiết để thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện đã đề xuất, cố gắng lồng ghép chính sách, cơ chế, nguồn lực riêng ở từng địa phương, với các chính sách, cơ chế liên vùng, chính sách quốc gia và nguồn lực từ ngân sách để thực hiện các vấn đề đề xuất.

Ông Nghị cũng cho biết, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ban, ngành nghiên cứu tổng hợp và xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết, ưu tiên vào các chương trình: Đầu tư, thực hiện kế hoạch hình thành các đô thị mới trong giai đoạn đến 2025 - 2030; Đầu tư khắc phục các tiêu chuẩn phân loại đô thị còn thiếu (đối với đô thị loại III trở lên); Đầu tư, phát triển các chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; Đầu tư khắc phục các vấn đề năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, ngập lụt, sạt lở; Đầu tư/cải tạo chỉnh trang đô thị theo các khu vực cụ thể trong đô thị; Đầu tư thực hiện tái thiết đô thị; Đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác: hoàn thiện, phủ kín quy hoạch đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, cải tạo chỉnh trang…

Tin bài liên quan