Bộ trưởng Vương Đình Huệ đang được hy vọng sẽ minh bạch hoá các vấn đề đối với giá xăng

Bộ trưởng Vương Đình Huệ đang được hy vọng sẽ minh bạch hoá các vấn đề đối với giá xăng

Bộ trưởng Huệ: Chưa thể quên giá xăng, điện

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã gây ấn tượng ngay trong những ngày đầu điều hành khi đặt ra vấn đề giá xăng. Cho đến nay, giá xăng, giá điện và vấn đề nợ công là những chuyện chưa bao giờ hết nóng.

 

Căng với giá xăng

 

Một cuộc hội thảo khoa học đã biến thành một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Bộ trưởng Vương Đình Huệ và lãnh đạo Bộ Công thương về giá xăng đã nổ ra. Hàng loạt vấn đề về điều hành giá xăng dầu đã được đưa ra với thông tin trái nhau. Với thế mạnh kinh nghiệm của một người làm kiểm toán và nắm giữ trọng trách mới về tài chính, ông Huệ đã tỏ ra kiên quyết với việc cần minh bạch hơn và tìm mọi cách để giảm giá xăng dầu ngay khi có thể.

 

Quan điểm và hành động đó đã động vào vấn đề lâu nay được đặt ra là thực hư lỗ lãi của kinh doanh xăng dầu, vì sao xăng dầu không giảm giá, cơ chế điều hành và kiểm soát giá của DN... Đó như một lần "gây sốc" thực sự khiến mọi người trông chờ những thay đổi lớn về giá xăng.

 

Trước đó, khi nhậm chức, ông Huệ đã cho biết, giá cả là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất mà ông sẽ quan tâm. Một trong những buổi làm việc đầu tiên của ông trên cương vị mới là ở Cục Quản lý giá, trong đó có câu chuyện xăng dầu. Ông cho biết, hàng ngày, việc đầu tiên là ông xem bảng giá xăng dầu để giảm giá ngay khi có thể và chính ông đã có quyết định giảm giá sớm hơn thường lệ khiến người bên Bộ Công thương nhắc khéo là "bị làm sao".

 

Thậm chí, ngay sau tranh cãi nảy lửa về xăng, những quyết định thành lập đoàn kiểm tra các DN kinh doanh xăng dầu đã được ban hành. Nằm trong một chuỗi liên tục, người dân thực sự kỳ vọng sẽ có những chuyển biến mới về việc này.

 

Dù cho sau đó, việc tranh cãi giữa hai bộ đã được nói lại để hiểu rõ hơn, cơ chế điều hành giá xăng dầu cũng đã được khẳng định tuân thủ các quy định hiện hành để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo quyền lợi các bên trong thị trường.

 

Từ đó cũng rất ít lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu... Tuy nhiên, người dân vẫn đang mong chờ những kết luận từ việc kiểm tra các DN kinh doanh xăng dầu, để có thể đưa ra những thông tin minh bạch hơn về giá xăng dầu. Và từ đó có thể làm cơ sở để có những điều chỉnh và quyết sách mới về giá xăng.

 

Phản biện với giá điện

 

Ngay sau khi nhậm chức, Bộ Tài chính và bản thân ông Huệ đã nhận được thông tin về đòi hỏi tăng giá điện từ EVN. Không ngần ngại, ông đã có một văn bản dài 15 trang gửi Bộ Công thương để tỏ thái độ về việc này.

 

Một mặt, đồng ý việc tăng giá theo lộ trình là cần thiết nhưng việc đòi tăng giá ngay và tăng giá theo từng tháng của EVN đã được yêu cầu hết sức thận trọng và đánh giá đầy đủ các tác động tiêu cực.

 

Đặc biệt, dưới nhãn quan một người có kinh nghiệm kiểm toán, ông nhấn mạnh yêu cầu, vấn đề trước mắt, EVN cần rà soát các khoản chi phí để thực hiện việc tiết giảm hợp lý. Bên cạnh đó, tập đoàn này cần hạch toán minh bạch chi phí giữa các khâu sản xuất và phân phối điện, đồng thời tuyên truyền vận động để người tiêu dùng nâng cao ý thức tiết kiệm điện.

 

Theo đó, chưa có phương án tăng giá nào được quyết định và nhiều lần sau đó ông Huệ vẫn khẳng định cần thận trọng khi tăng giá và chưa có sự đồng ý về bất cứ một phương án nào.

 

Dù không "sốc" như giá xăng, nhưng những phản biện về giá điện của ông Huệ đang được lật lại khi những con số về lỗ, lương và các ý định tăng giá của EVN được công bố.

 

Đi cùng với giá điện, dù những tháng qua, việc tăng giá trên thị trường đã tạm lắng nhưng điều hành giá cả vẫn được theo sát và thực hiện. Hàng loạt biện pháp để bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, các mặt hàng tiêu dùng có tác động trực tiếp đến nền kinh tế và đời sống người dân tiếp tục được theo dõi và điều hành sát... Cử tri và các đại biểu Quốc hội tiếp tục hy vọng lời hứa về "quan tâm lĩnh vực giá cả" sẽ tiếp tục được Bộ trưởng thực hiện.

 

Nợ công đầy âu lo

 

Nhậm chức chưa lâu, ông Huệ đã phải xử lý một vấn đề không hề mong muốn khi một DN vay vốn nước ngoài theo bảo lãnh của Chính phủ không trả được nợ, buộc Bộ Tài chính phải tìm cách trả nợ tạm thời, chờ ngày DN có tiền bù lại.

 

Câu chuyện vỡ ra khiến người ta không khỏi lo ngại và chính ông Huệ cũng cho biết đó không phải là trường hợp duy nhất mà có nhiều DN đã rơi vào trường hợp đó và Bộ Tài chính đang trả nợ hộ.

 

Việc này một lần nữa đặt ra vấn đề về quản lý nợ của quốc gia, mà nhất là lo lắng về nợ công đang tăng nhanh. Vấn đề này càng trở nên căng thẳng vì chuyện cắt giảm và nâng cao hiệu quả đầu tư đã được đặt ra khi có hàng loạt vấn đề trong đầu tư đã bộc lộ kém hiệu quả.

 

Con số nợ công quanh mức 50% đang được cho là trong ngưỡng an toàn. Nhưng điều đó không có nghĩa mọi việc chưa phải đáng lo mà ngay từ bây giờ, dù được cam kết tài trợ ODA lớn nhưng Việt Nam đã phải chuyển dần sang mô hình vay thương mại nhiều hơn khi đã bước vào ngưỡng một nước thu nhập trung bình. Hơn thế, việc đầu tư ngày càng mở rộng đòi hỏi nguồn vốn lớn nên chuyện vay nợ sẽ khó tránh khỏi.

 

Câu chuyện quản lý nợ quốc giá dù không mới nhưng vẫn lại đặt ra trọng trách đối với Bộ trưởng Huệ trong giai đoạn mới. Hiệu quả đồng vốn là điều quyết định và người kiểm soát nó phải hết sức tỉnh táo và nhạy cảm.

 

Khởi động tái cơ cấu DNNN

 

Bộ trưởng Huệ và ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo Tái cơ cấu DNNN, sau đó một ban thực thi và chuẩn bị đề án cũng đã ra đời để đẩy mạnh việc này.

 

Tái có cấu DN nhà nước, một trọng trách và yêu cầu lớn được đặt ra trong tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế. Những những câu chuyện không vui như: Vinashin trước đây, rồi đến EVN hiện nay và cả nhiều ngân hàng, tập đoàn và DNNN lớn đang trong tình trạng kém hiệu quả, thua lỗ thì việc tái cơ cấu càng trở nên cấp bạch.

 

Với góc độ người quản lý vốn các DNNN, Bộ Tài chính với sự lãnh đạo của ông Huệ hiểu rõ và  được trông đợi sẽ thực hiện tốt điều này khi mà quá trình CPH đang chậm lại. Nhất là khi cổ phần hóa đến các DN và tập đoàn lớn của nhà nước.

 

Tái cơ cấu hoàn toàn không phải là mới nếu nhìn nhận nó dưới góc độ sắp xếp và đổi mới DNNN đã được thực hiện trong nhiều năm qua mà Bộ Tài chính là có vai trò quan trọng. Hy vọng lãnh đạo mới, đòi hỏi mới sẽ đẩy nhanh quá trình này.