Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; sản xuất - kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm…, sẽ tạo áp lực lên điều hành kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo lắng khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo lắng khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những mặt được, và đặc biệt là những thách thức, khó khăn của nền kinh tế.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát

Theo Bộ trưởng, quý I/2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm đã được Đảng, Quốc hội thông qua.

Cụ thể, lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức phù hợp; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần, tháng 1 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý I tăng 4,18%.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023
Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023

“Với sự nỗ lực, phấn đấu, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm có thể đạt được; tuy nhiên, cần tiếp tục lưu ý chỉ số lạm phát cơ bản quý I”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, trong quý I/2023, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước quý I ước đạt 30,3% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 30,9% dự toán (tăng 5,4% so với cùng kỳ). Nền kinh tế ước xuất siêu 4,07 tỷ USD, trong khi cùng kỳ xuất siêu 1,9 tỷ USD.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản quý I tăng 2,52% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực, giá trị tăng thêm quý I tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 95,9% tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý I tăng 13,9%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,7 triệu lượt khách, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước…

Theo Bộ trưởng, trong quý I/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, các dự án, ngân hàng yếu kém, nhà máy nhiệt điện…

Đồng thời, triển khai các giải pháp trung và dài hạn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế…

Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng

Cùng với các mặt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, diễn biến ngày càng bất lợi, khó lường của thế giới đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (kịch bản là 5,6%). Trong khi khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ cơ bản ổn định, phục hồi khá, tương ứng tăng 2,52% và 6,79% so với cùng kỳ, thì khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, ảnh hưởng trực tiếp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đã nhắc đến một loạt chỉ số kinh tế vĩ mô, như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… để nhấn mạnh những khó khăn của nền kinh tế.

Không chỉ sản xuất công nghiệp giảm, mà theo Bộ trưởng, tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, khoảng 40% doanh nghiệp chế biến, chế tạo có khối lượng sản xuất, đơn hàng quý I giảm so với quý trước.

“Qua nắm bắt tình hình doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, trong quý I, giá trị xuất khẩu thủy sản giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, đơn hàng dệt may giảm 15-20%... Các doanh nghiệp xây dựng chưa đạt được 10% kế hoạch năm. Khó khăn có thể kéo dài hết quý II năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nhắc tới con số tăng trưởng tín dụng đến ngày 28/3 chỉ tăng 2,06%, Bộ trưởng cho rằng, điều này cho thấy tình hình sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.

Thực tế, có thể chứng minh điều này qua con số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động quý I chỉ đạt gần 57 nghìn doanh nghiệp (giảm 5,4% so với cùng kỳ), thấp hơn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (trên 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa quý I đều giảm, lần lượt là 13,3%, 11,9% và 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm.

Chẳng hạn, xuất sang Mỹ giảm 21,1%, sang EU giảm 8,1%, sang Hàn Quốc giảm 3,3%, sang ASEAN giảm 1,7%… Cùng với đó, xuất khẩu sang Trung Quốc quý I giảm 12,6%, đảo chiều so với xu hướng 2 tháng đầu năm (tăng 4,2%). Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu tiêu dùng hàng Việt Nam từ Trung Quốc có dấu hiệu giảm.

“Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; sản xuất - kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm…, khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước ngay trong quý II và cả năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo lắng.

Cũng theo Bộ trưởng, ngay cả điều hành chính sách tiền tệ cũng có thể khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU sẽ phức tạp, khó dự báo hơn, vừa phải nhất quán với định hướng thắt chặt để kiểm soát lạm phát, vừa phải xử lý các rủi ro của hệ thống ngân hàng, bảo đảm thanh khoản, cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.

“Thương mại, xuất nhập khẩu gặp nhiều thách thức khi hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu. Thu hút FDI khó khăn hơn, khi dòng vốn FDI toàn cầu bị thu hẹp, lợi thế cạnh tranh về ưu đãi thuế của Việt Nam giảm dần do tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”, Bộ trưởng nói và cho rằng, điều hành giá cũng chịu áp lực do năm 2023, dự kiến điều chỉnh giá điện, y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, và tăng lương.

“Những khó khăn, áp lực điều hành nêu trên yêu cầu cần có chính sách kịp thời hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư để cải thiện nguồn cung trong nước, tạo động lực tăng trưởng, tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần giảm bớt áp lực lạm phát cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Đồng thời, cần phát huy các dư địa tài khóa đã được Quốc hội quyết nghị, xây dựng, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ, nhất là thuế, phí cho doanh nghiệp, sản xuất - kinh doanh.

Tin bài liên quan