Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các khuyến nghị chính sách đều rất có giá trị

Đánh giá cao chia sẻ của các diễn giả, các chuyên gia trong các phiên thảo luận chuyên đề tại VRDF 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ lắng nghe để xem xét, áp dụng trong giai đoạn phát triển tới của Việt Nam.

Mở đầu phiên toàn thể của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF) chiều nay, với chủ đề Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết quả hai phiên thảo luận chuyên đề của buổi sáng.

Cụ thể, tại phiên thảo luận thứ nhất về “Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các diễn giả đều đã nhất trí rằng xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong hiện tại cũng như trong giai đoạn sắp tới.

Theo Bộ trưởng, một nhận định quan trọng của nhiều diễn giả là so với thông lệ quốc tế và yêu cầu của sự phát triển, các thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam về thực chất còn nhiều khiếm khuyết, dẫn đến kìm hãm sự phát triển.

“Để giải quyết những vấn đề này, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các ý tưởng, giải pháp hết sức giá trị mà Việt Nam cần cân nhắc thực hiện trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Cụ thể, các diễn giả quốc tế đã đề xuất về nhiều vấn đề như hỗ trợ khu vực tư nhân tiếp cận tín dụng, đất đai, đầu vào nhập khẩu, đảm bảo hiệu lực thực thi các hợp đồng và giải quyết tình trạng phá sản, xác định rõ lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, mở cửa các lĩnh vực dịch vụ như tài chính - viễn thông, tăng cường kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, tận dụng dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu, xác định tầm nhìn cho những cải cách ở khu vực tài chính và ngân hàng, xây dựng đội ngũ công chức có năng lực, tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước…

Các diễn giả trong nước, theo Bộ trưởng, cũng đã có những kiến nghị tương đồng với các diễn giả quốc tế như cần xây dựng các thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế, bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sáng tạo. 

Các diễn giả trong nước cũng đề xuất những ý tưởng mạnh mẽ và sáng tạo để thực sự xây dựng một Nhà nước pháp quyền, Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam, bao gồm: thu hút người tài vào trong khu vực công, kiên quyết áp đặt một chế độ thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính nhà nước, tận dụng tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo...

Trong khi đó, ở phiên thảo luận thứ hai, về “Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng cho biết, các diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm rất có giá trị mà ở đây, kinh nghiệm của Indonesia và Hàn Quốc là những ví dụ rất tốt để tham khảo. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những chia sẻ của các chuyên gia về thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đã đạt được các kết quả tích cực, nhưng vẫn cần hơn nữa các dòng vốn đầu tư mạo hiểm. 

Đặc biệt, các diễn giả cũng nhận định rằng, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang có dư địa phát triển rất lớn ở Việt Nam và cần được thúc đẩy phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, các diễn giả cũng đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế công nghệ, Chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân không chỉ trong việc thiết kế chính sách mà cả trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng…

Các diễn giả cũng khuyến nghị sự tham gia đầu tư trực tiếp của Chính phủ để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng cho startup, cũng như cần xây dựng được thị trường đầu tư mạo hiểm đủ lớn mạnh trong nước, xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước…

“Tôi xin khẳng định rằng, các bài trình bày, thảo luận, các ý kiến bình luận, đánh giá làm rõ các vấn đề về thể chế, đổi mới sáng tạo cũng như những đề xuất kiến nghị của các quý vị là rất có giá trị. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao và hết sức lắng nghe để xem xét, áp dụng trong giai đoạn phát triển tới của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh.

Tin bài liên quan