Thị trường bất động sản vẫn còn chênh lệch lớn giữa các phân khúc. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thị trường bất động sản vẫn còn chênh lệch lớn giữa các phân khúc. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Thị trường bất động sản có những dấu hiệu chưa ổn định

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát biểu được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra trong Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra sáng nay (14/7) tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã dần thích ứng và có một số điểm đáng lưu ý.

Năm 2021, cả nước có 172 dự án hoàn thành với quy mô 24.027 căn; bằng khoảng 42% số lượng so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành vẫn hạn chế với khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Về nguồn cung nhà ở xã hội, 6 tháng đầu năm 2022, cả nước chỉ hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng. Riêng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 1 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 400 căn hộ, với tổng diện tích 21.500 m2.

Về thanh khoản, xét toàn thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 50.000 giao dịch, đất nền khoảng 200.000 giao dịch tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tính đến 20/06/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD.

Về diễn biến giá, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, thời điểm cuối quý I, đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, "sốt giá" đất nền tại một số địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I/2022, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, thị trường bất động sản hiện vẫn còn bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Trong đó, có một số vấn đề nổi cộm như: Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi (hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; về xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng; về thời hạn, chế độ sử dụng đất đối với các loại bất động sản mới, bất động sản hỗn hợp, đa chức năng...).

Hay việc lập và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở còn chậm và chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định. Cùng với đó, nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương, nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất.

Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm bất động sản còn bất hợp lý: phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề xuất các giải pháp tháo gỡ tồn tại, tập trung vào các nội dung chính như: Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản; Theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời thực hiện giải pháp làm lành mạnh thị trường khi cần thiết; Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định. Thúc đẩy cải tạo chung cư cũ; Kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường…

Tin bài liên quan