Trao đổi tại tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính – Đầu tư tổ chức sáng 23/7, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, sau 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Từ chỗ chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu, đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp với quy mô vốn hóa hàng tỷ USD.
Mặc dù là thị trường non trẻ nhất ASEAN, nhưng quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã tương đương Malaysia, vượt Philippines và chỉ thấp hơn Thái Lan một chút. Đặc biệt, trong tuần qua, thanh khoản của thị trường Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, vượt cả Thái Lan – một thành tựu đáng ghi nhận.
Mục tiêu cuối cùng là nâng tầm thị trường chứng khoán
Liên quan đến tiến trình nâng hạng, ông Hải cho biết, các tiêu chí “cứng” theo yêu cầu đã cơ bản được đáp ứng. Với các tiêu chí “mềm”, điều kiện chủ yếu phụ thuộc vào cảm nhận và trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã duy trì kênh trao đổi thường xuyên với các quỹ và nhà đầu tư quốc tế. Hàng tuần, các cuộc gặp trực tiếp được tổ chức để lắng nghe đánh giá, góp ý nhằm cải thiện chất lượng thị trường. Các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao khung pháp lý, tiềm năng tăng trưởng cũng như tính thanh khoản của thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ hôm 17/7, đại diện FTSE Russell (thuộc Sở Giao dịch chứng khoán London) đã ghi nhận quyết tâm và những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển kinh tế và thị trường vốn. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang được xem xét nâng hạng.
![]() |
Các diễn giả, chuyên gia thảo luận nhiều giải pháp thúc đẩy dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam (Ảnh: Dũng Minh) |
Theo ông Hải, việc nâng hạng, nếu đạt được trong tháng 9 tới, là kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây không phải đích đến, mà là bước đệm cho mục tiêu dài hạn: xây dựng thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và hấp dẫn dòng vốn dài hạn.
“Dù việc nâng hạng có được chính thức công nhận ngay hay chưa, thì những cải cách đã và đang triển khai đều mang lại lợi ích rõ rệt cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường”, ông Hải nhấn mạnh.
Đề án phát triển nhà đầu tư tổ chức có thể được ban hành trong tháng này
Liên quan đến việc phát triển nhà đầu tư tổ chức – yếu tố quan trọng trong quá trình nâng hạng, ông Hải cho biết, Đề án phát triển nhà đầu tư tổ chức do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tham mưu, biên soạn, đến nay gần như hoàn thành và chuẩn bị trình Bộ Tài chính ban hành sớm, có thể ngay trong tháng này.
Tại Đề án, cơ quan quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển ngành quỹ, bao gồm chương trình đào tạo nhà đầu tư để thay đổi ý thức đầu tư, từ "đánh ngắn", "lướt sóng" sang đầu tư dài hạn, có kế hoạch đầu tư tài chính bài bản; trên cơ sở tham khảo nhiều quốc gia có chiến lược quốc gia về đào tạo đầu tư tài chính cho dân cư.
Ngoài ra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trương phải tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm ngành quỹ. Từ thực tế dân số Việt Nam có nhiều độ tuổi với khẩu vị đầu tư khác nhau nhưng sản phẩm ngành quỹ hiện nay còn đơn điệu nên chưa đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư.
"Đồng thời, chúng tôi đề xuất thay đổi quy định pháp lý liên quan đến các loại sản phẩm, chỉ số để hình thành các quỹ, kể cả quỹ chủ động và quỹ thụ động", ông Hải nói thêm.