Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bảo hộ một cách chính đáng ngành sản xuất ôtô trong nước

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bảo hộ một cách chính đáng ngành sản xuất ôtô trong nước

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành để thể chế hoá các chính sách, đưa ra những tính toán cân đối chung, đảm bảo yêu cầu hài hoà nền kinh tế, bảo hộ một cách chính đáng ngành sản xuất ôtô trong nước.     
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng vấn đề bảo hộ trong nước làm sao phải hợp lý, hợp pháp. Phải mở cửa để tối đa hóa lợi ích dân tộc, quốc gia. Trong cuộc hội nhập này phải làm sao để tăng năng lực cạnh tranh. Làm sao mà chúng ta lại đi nhập cả rau, quả, tăm... của các nước. Chúng ta phải xử lý vấn đề tiểu ngạch như thế nào?
"Vấn đề thứ hai là khi chúng ta nói bảo hộ, muốn phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh sản xuất trong nước để có nền kinh tế tự chủ và vững mạnh thì chúng ta phải hi sinh ngân sách. Liệu khuyến khích nhập khẩu có phải để thu thuế dễ hơn không? Chúng ta phải xác định nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước như nuôi một cái cây, để lớn và hái quả thì lâu hơn nhưng bền vững. Nếu mở cửa hội nhập như thế thì dễ bị chệch hướng, Việt Nam dễ trở thành nơi chứa những công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp không có cơ hội phát triển, người lao động mất việc làm... Làm gì để bảo hộ hợp pháp cho doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng Việt Nam trở thành thị trường béo bở của các nước khác, hàng hóa giá rẻ, kém chất lượng?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bảo hộ một cách chính đáng ngành sản xuất ôtô trong nước ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Bảo hộ một cách chính đáng ngành sản xuất ôtô trong nước. 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về phát triển công nghiệp ôtô trước hội nhập, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết,  trong chiến lược phát triển công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành để thể chế hoá các chính sách, đưa ra những tính toán cân đối chung, đảm bảo yêu cầu hài hoà nền kinh tế, bảo hộ một cách chính đáng ngành sản xuất ôtô trong nước.

Trả lời câu hỏi của ông Đặng Ngọc Nghĩa về xuất khẩu nông sản, ông Trần Tuấn Anh cho hay, Việt Nam phải mở cửa thị trường với các nước đã ký cam kết hội nhập và ngược lại. Cho dù đó là gà, thịt lợn, ngô.... hoặc các sản phẩm khác thì tuân theo cam kết vẫn phải mở cửa thị trường và tiếp tục điều chỉnh thuế suất với các sản phẩm này. Tất nhiên bên cạnh đó vẫn có những hàng rào kỹ thuật để đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Quan điểm thị trường không cho phép chúng ta tiếp tục bảo hộ sản phẩm trong khuôn khổ cam kết hội nhập", ông Trần Tuấn Anh nói và thừa nhận, có những ngành như mía đường do tiếp tục bảo hộ, nay đã bộc lộ khó khăn và lĩnh vực đại biểu nêu (nông sản) không phải là lĩnh vực Việt Nam đóng cửa, bảo hộ nhập khẩu....

Sau phần phát biểu này, Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa xin tranh luận và bày tỏ băn khoăn khi Việt Nam lại không bảo hộ sản xuất của người nông dân. Ông cũng cảm thấy chưa thuyết phục với phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương về công nghiệp cơ khí, sản xuất máy nông nghiệp.

"Làm thế nào phải kích cầu sản xuất trong nước, bảo hộ mặt hàng chúng ta sản xuất được, mà lại nhập khẩu mặt hàng chúng ta sản xuất được là không hợp lý", đại biểu Ngọc Nghĩa nói.

"Về quan điểm phát triển của ngành công nghiệp cơ khí, Bộ mong muốn có chính sách thuế đảm bảo cho ngành này phát triển, nhất là sắc thuế nhập khẩu với các linh kiện mà trong nước không sản xuất được. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu và phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra những sắc thuế phù hợp hơn", Bộ trưởng Tuấn Anh giải trình thêm.

Tin bài liên quan