
Bản đồ hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký Quyết định số 583/QĐ-BXD về việc giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường sắt cho một số ban quản lý dự án trực thuộc.
Theo đó, Ban quản lý dự án 2 được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.
Ban quản lý dự án Thăng Long được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Ban quản lý dự án 85 được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Ban quản lý dự án 6 được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt vành đai phía Đông - Hà Nội.
Trong số này có 4 nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từng được Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) giao Ban quản lý dự án đường sắt đảm nhận là: Vũng Áng - Mụ Giạ; TP.HCM - Cần Thơ; Biên Hòa - Vũng Tàu; vành đai phía Đông - Hà Nội.
Kinh phí lập các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nói trên được thanh toán theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm; thời gian thực hiện là từ năm 2025 đến năm 2027.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao giám đốc các Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ, giá thành; rà soát, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
Các Ban quản lý dự án chủ động làm việc với Ban quản lý dự án Đường sắt và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tiếp nhận toàn bộ kết quả nghiên cứu đã thực hiện (nếu có) và tận dụng tối đa trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tránh trùng lặp, lãng phí; kịp thời báo cáo Bộ Xây dựng các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai (nếu có).
Hiện Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có quy mô đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, có tổng chiều dài tuyến khoảng 175,2 km; tổng mức đầu tư khoảng 219.829 tỷ đồng. Dự án này đang trong bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có quy mô đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa; có tổng chiều dài tuyến khoảng 132 km; tổng mức đầu tư khoảng 143.371 tỷ đồng. Dự án đang trong bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ do Liên danh Công ty Petroleum Trading Lao Public Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đề xuất dự án. Dự án có tổng chiều dài khoảng 103 km, gồm 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng. Dự kiến liên danh nhà đầu tư sẽ trình báo cáo nghiên cứu đầu kỳ trong quý I/2025.