Đạm Ninh Bình, một trong 12 đại dự án thua lỗ, chưa tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước và quản lý ngành

Đạm Ninh Bình, một trong 12 đại dự án thua lỗ, chưa tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước và quản lý ngành

“Bốc thuốc” hai mô hình quản lý vốn nhà nước

(ĐTCK) Cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp? Mô hình nào sẽ phù hợp nhất cho cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp? Vấn đề đang thu hút sự quan tâm và ý kiến phân tích của giới chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư.

Đề án về việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đưa ra 2 mô hình.

Mô hình 1: cơ quan chuyên trách sẽ là một ủy ban thuộc Chính phủ với hai phương án.

Phương án 1 là thành lập một cơ quan chuyên trách hoàn toàn mới trên cơ sở điều chuyển cán bộ tại các bộ, ngành liên quan, bổ sung một số nhân sự đủ điều kiện từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Phương án 2 là nâng cấp SCIC thành Ủy ban Quản lý doanh nghiệp.

Mô hình 2: cơ quan chuyên trách là một doanh nghiệp. Theo đó sẽ tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC là doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ làm chức năng đại diện chủ sở hữu (tăng địa vị pháp lý, nhân lực).

Bóc tách “siêu” ủy ban

Điểm mạnh lớn nhất của mô hình cơ quan thuộc Chính phủ là vị thế pháp lý và chính trị tương xứng với chức năng của cơ quan chuyên trách, nhất là trong mối quan hệ với các tập đoàn, tổng công ty lớn. Việc thành lập cơ quan thuộc Chính phủ cũng không quá phức tạp, theo Điều 208 (Luật Doanh nghiệp), Chính phủ có cơ quan để thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tuy nhiên, phân tích của giới chuyên gia kinh tế cho thấy,  mô hình này có khá nhiều thách thức cần vượt qua. Chẳng hạn, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định phạm vi đầu tư vốn, các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư vào các tổ chức kinh tế, cổ tức, lợi nhuận được chia, lợi nhuận sau thuế của DNNN là nguồn thu cân đối ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, dự thảo đề án lại cho phép Ủy ban được trích các nguồn thu của ngân sách nhà nước để tạo nguồn kinh phí hoạt động. Như vậy, để thành lập siêu ủy ban, cần phải chờ Quốc hội sửa lại các Luật có liên quan.

Một hạn chế khác được chỉ ra là Ủy ban chuyên trách chỉ thực hiện vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; đối với các DNNN còn lại vẫn phân công: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh (đối với doanh nghiệp công ích thủy nông, công ty nông lâm trường); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh); Ngân hàng Nhà nước (đối với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước) thực hiện vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu. "Vậy thực chất có phải đây vẫn là mô hình phân tán, không đổi mới so với hiện nay?”, một chuyên gia băn khoăn.

Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp trong số 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án chuyển về Ủy ban thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu đều nằm trong diện cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 hoặc đã cổ phần hóa và về tổng thể đến năm 2020, số lượng DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ giảm dần, chỉ còn lại số ít doanh nghiệp hoạt động thuộc 4 lĩnh vực theo quy định tại Điều 10 Luật số 69/2014/QH13.

Do vậy, sự cần thiết, tính lâu dài về hoạt động của Ủy ban sau khi được thành lập gắn với tác động của quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp rất cần được phân tích, đánh giá đúng mức.

Giới chuyên gia cũng mong muốn Đề án phân tích kỹ tính hiệu quả, thông suốt khi Ủy ban đóng vai trò như là một Hội đồng thành viên cho tất cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Làm cách nào để tạo sự khác biệt giữa quản trị của cơ quan hành chính nhà nước với quản trị doanh nghiệp khi thực thi các quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Đó là chưa kể, hoạt động ở lĩnh vực tài chính bậc cao song chế độ viên chức nhà nước cùng với cách thức quản lý trong mô hình cơ quan nhà nước thường không đủ linh hoạt, tự chủ và nhạy bén với thay đổi của thị trường. Bên cạnh đó, chế độ lương thưởng áp theo các quy định của cơ quan nhà nước hiện hành, thiếu cạnh tranh với thị trường, theo đại diện của Indochina, khó có thể khiến các nhân sự giỏi có cơ hội phát huy năng lực và toàn tâm, toàn ý với công việc.

Ông Takahashi Akito, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nói, quản lý vốn nhà nước cần đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, không phải công chức nhà nước và không có tư duy công chức, với ít sự can thiệp chính trị nhất. “Nếu cơ cấu lợi ích của những bên liên quan được chuyển giao nguyên xi sang Ủy ban này, thì coi như không có gì thay đổi”, ông nhấn mạnh.

Doanh nghiệp: quyết liệt trong thực thi

Điểm mạnh nhất của mô hình doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ chính là cơ chế hoạt động, quản lý tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp. Song, địa vị pháp lý của mô hình này đang là điểm yếu khi thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Với bối cảnh hiện nay, sẽ rất khó khăn trong việc chuyển các tập đoàn, tổng công ty lớn về thuộc quyền quản lý của một doanh nghiệp, nhất là về quản lý công tác cán bộ. Temasek của Singapore chẳng hạn, thời kỳ đầu phải do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình doanh nghiệp là sẽ tách bạch rõ ràng chức năng quản lý và chức năng sở hữu. Cơ quan quản vốn nhà nước không phải là cơ quan hành chính, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp mà thông qua hệ thống quản trị doanh nghiệp của cơ quan đó và của các doanh nghiệp có vốn nhà nước để đảm bảo hiệu quả.

Các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ hoạt động theo đúng pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật chuyên ngành (tự chủ động, tự chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các pháp luật liên quan); chịu sự giám sát, kiểm tra theo đúng chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành theo các lĩnh vực phụ trách hay đánh giá, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công đặt hàng, đấu thầu. Trong những trường hợp này, cổ đông Nhà nước rất khó có thể "lạm quyền”. 

Thực tế hoạt động của SCIC sau hơn 10 năm thành lập đã cho thấy, cần quyết tâm và cả sự quyết liệt ở các cấp cao nhất mới có thể đưa mô hình này hiệu quả và hoàn thành tốt sứ mệnh của nó. Chẳng hạn, lấy hình mẫu là Temesek Singapore, nhưng khâu tổ chức thực hiện tại SCIC chưa đúng với yêu cầu của Đề án thành lập đề ra. SCIC chưa đủ điều kiện cần thiết để tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và các DNNN quy mô lớn, DNNN hoạt động trong lĩnh vực công ích.

Cho đến thời điểm này, vẫn còn hơn 200 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao vốn về SCIC, thậm chí cả những doanh nghiệp có sự thống nhất cao giữa SCIC và cơ quan đại diện vốn nhà nước (các bộ, ngành, địa phương), việc chuyển giao vốn vẫn vướng như "gà mắc tóc”.

Rõ ràng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng với các bộ tập trung phân tích ưu nhược điểm của từng mô hình, phương án một cách toàn diện, khách quan, trung thực là rất cần thiết. Giống như chọn đường đi, trước tiên cần lựa chọn đúng mô hình, mới mong có cơ hội đi tới đích.

Tin bài liên quan