BofA: Mối lo ngại suy thoái đạt mức cao kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo khảo sát mới nhất của nhà quản lý quỹ Bank of America (BofA), sự lạc quan về tăng trưởng toàn cầu đã rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại, với lo ngại suy thoái gia tăng trong cộng đồng đầu tư trên thế giới.
BofA: Mối lo ngại suy thoái đạt mức cao kỷ lục

Theo khảo sát trong tuần đầu tiên của tháng 4 với 292 giám đốc quản lý quỹ với quy mô tài sản quản lý 833 tỷ USD, tỷ lệ các nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế xấu đi đang ở mức cao nhất từ ​​trước đến nay. Các chiến lược gia của BofA cho biết kỳ vọng lạm phát trên toàn cầu sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2008, trong khi rủi ro tiền tệ tăng lên mức cao lịch sử.

Kết quả cho thấy sự u ám đang chi phối tâm lý của các nhà đầu tư như thế nào khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở nên quyết liệt hơn trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng vọt. Chứng khoán toàn cầu đã chịu áp lực bán mạnh trong tháng này sau khi tăng từ mức thấp vào tháng 3 do lợi suất trái phiếu tăng vọt.

Các chiến lược gia của BofA cho rằng, thị trường chứng khoán lao dốc hồi đầu năm chỉ là “món khai vị không phải món chính của năm 2022”.

Các chiến lược gia BofA dẫn đầu bởi Michael Hartnett đã viết trong một ghi chú: “Sự mất kết nối giữa tăng trưởng toàn cầu và phân bổ cổ phiếu vẫn còn đáng kinh ngạc”.

Triển vọng bi quan cũng được lặp lại bởi chiến lược gia Michael Wilson của Morgan Stanley, ông đã lập luận rằng sự sụt giảm từ mức cao kỷ lục đối với chứng khoán Mỹ vẫn chưa định giá được sự suy giảm mạnh của nền kinh tế.

Theo khảo sát hàng tháng của BofA, suy thoái toàn cầu hiện được xem là rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư, làm lu mờ căng thẳng ở Ukraine vốn đã tụt xuống vị trí thứ 4 sau khi là môi lo ngại lớn nhất vào tháng 3. Theo cuộc khảo sát, những lo ngại về căng thẳng địa chính trị đã giúp giảm bớt phần nào xu hướng giảm giá, với việc phân bổ tiền mặt giảm so với mức cao nhất của tháng trước.

Mối lo ngại lớn nhất của thị trường hiện tại

Mối lo ngại lớn nhất của thị trường hiện tại

Ngoài ra, các nhà quản lý quỹ dự kiến ​​Fed sẽ tăng lãi suất 7 lần trong năm nay, tăng từ mức 4 lần trong cuộc khảo sát tháng trước và chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ kết thúc vào tháng 4/2023.

Các nhà đầu tư sẽ ưu tiên nắm giữ tiền mặt, hàng hóa, cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và năng lượng và vật liệu trong khi tránh xa trái phiếu, cổ phiếu thuộc lĩnh vực tiêu dùng xa xỉ và cổ phiếu khu vực đồng euro.

Các nhà đầu tư hiện đang có tỷ trọng lớn nhất từ ​​trước đến nay đối với hàng hóa; vị thế long dầu và hàng hóa là vị thế được nắm giữ nhiều nhất hiện tại, tiếp theo là vị thế short trái phiếu kho bạc Mỹ và vị thế long cổ phiếu công nghệ.

Trong khi đó, địa chính trị được xem là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định của thị trường tài chính, tiếp theo là rủi ro tiền tệ, kế đó là rủi ro chu kỳ kinh doanh.

Tin bài liên quan