BOJ sẽ làm gì tiếp theo sau khi thoát khỏi lãi suất âm?

BOJ sẽ làm gì tiếp theo sau khi thoát khỏi lãi suất âm?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, báo trước sự khởi đầu khỏi kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ chưa từng có.

Ý nghĩa lịch sử là gì?

Nhật Bản đã trải qua một thời kỳ kinh tế trì trệ kéo dài sau khi bong bóng tài chính vỡ vào những năm 1990, được gọi là những thập kỷ mất mát. Năm 2013, BOJ bắt đầu chính sách “nới lỏng định lượng và định tính” để kích thích chi tiêu nhiều hơn của các công ty và hộ gia đình. Sau đó BOJ đã bắt đầu áp dụng lãi suất âm vào năm 2016.

Tuy nhiên, các biện pháp kích thích này đã không thể đưa Nhật bản thoát khỏi giảm phát và BOJ vẫn duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng ngay cả khi các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu bắt đầu tăng lãi suất.

Quyết định chấm dứt lãi suất âm được đưa ra trong bối cảnh lạm phát mạnh do đồng yên trượt giá so với đồng đô la và giá cả toàn cầu tăng cao sau xung đột Nga-Ukraine và sự phục hồi hậu Covid.

Sau đó, dấu hiệu của một "chu kỳ lành mạnh" về tăng lương và giá cả, chìa khóa để đạt được mục tiêu lạm phát 2% của BOJ đã xuất hiện trong cuộc đàm phán lương mùa xuân năm nay. Liên đoàn lao động của các công ty lớn đã giành được mức tăng lương cao nhất trong 33 năm, giúp BOJ tự tin bắt đầu nâng lãi suất.

Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Capital Economics cho biết: “Vòng xoáy tiền lương mà BOJ muốn thấy hiện đang phát huy tác dụng…Cơ chế ứng phó với lạm phát cao bằng mức lương cao hơn đã có động lực và sẽ khó có thể dập tắt một lần nữa”.

Masakazu Tokura, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết quyết định này “cuối cùng đã chấm dứt kỷ nguyên của những điều kiện thờ ơ” đối với lĩnh vực kinh doanh của đất nước.

Triển vọng lãi suất trong thời gian tới?

Các nhà đầu tư đang hỏi liệu BOJ có khả năng tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay hay không và nếu có thì tăng bao nhiêu và nhanh như thế nào.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (19/3): “Trong hơn 20 năm, chúng ta đã rơi vào mức lãi suất bằng 0 hoặc lãi suất thấp. Khi lãi suất đột ngột tăng lên, chúng ta không thể loại trừ khả năng xảy ra sự gián đoạn không lường trước được… Ngay cả khi chúng tôi tăng lãi suất, chúng tôi tin rằng việc chúng tôi đã đạt đến điểm có thể tiến hành từ từ là phù hợp”.

Tuyên bố của BOJ không báo hiệu việc thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới, mặc dù các nhà phân tích nói rằng điều đó không có nghĩa là động thái đó không thể thực hiện được nếu chi tiêu tiêu dùng tăng lên. Một số nhà phân tích dự đoán một mức tăng khác của lãi suất sẽ diễn ra vào nửa cuối năm, trong khi những người khác không mong đợi điều này cho đến khoảng năm sau, khi ngân hàng trung ương theo dõi sự thay đổi chính sách diễn ra như thế nào.

Nhà phân tích Marcel Thieliant kỳ vọng rằng lạm phát chậm hơn hiện tại sẽ dẫn đến việc tăng lương yếu hơn trong các cuộc đàm phán tiền lương vào năm tới, điều đó có nghĩa là BOJ khó có thể tăng lãi suất thêm nữa.

Thủ tướng Fumio Kishida cho biết sau quyết định của BOJ: “Chúng tôi tin rằng thật phù hợp khi BOJ quyết định duy trì các điều kiện tiền tệ phù hợp để giúp nền kinh tế xây dựng động lực tích cực”.

Điều gì sẽ tác động đến đồng yên?

Tỷ giá đồng yên so với đồng đô la

Tỷ giá đồng yên so với đồng đô la

Đồng yên đã suy yếu và vượt qua mức 150 so với đồng đô la Mỹ vào thứ Ba (19/3), bất chấp sự thay đổi chính sách của BOJ, trong đó việc đồng yên giảm giá được hỗ trợ bởi cam kết của ngân hàng trung ương về lập trường chính sách phù hợp.

Trước mắt, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tập trung sự chú ý vào cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Các nhà đầu tư rất muốn biết liệu các nhà hoạch định chính sách ở đó có thay đổi kế hoạch cắt giảm lãi suất trong năm nay từ ba lần xuống còn hai lần hay không.

Công ty Chứng khoán SMBC Nikko ở Tokyo cho biết rằng, kịch bản chính của họ trong tương lai vẫn là "lập trường ôn hòa của BOJ sẽ tiếp tục ngay cả sau khi dỡ bỏ lãi suất âm", đây là một dấu hiệu tốt cho các công ty Nhật Bản, vì nó sẽ không có khả năng dẫn đến "sự tăng giá quá mức của đồng yên". Đồng yên yếu là một trong những động lực chính thúc đẩy lợi nhuận của các công ty Nhật Bản.

Ngoài ra, họ kỳ vọng đồng yên sẽ bắt đầu mạnh lên so với đồng đô la Mỹ trong hoặc muộn hơn giữa năm 2024 và sự tập trung của các nhà đầu tư sẽ chuyển nhiều hơn sang các công ty kinh doanh trong nước.

Những rủi ro còn lại là gì?

Với động thái vừa phải của BOJ, các nhà kinh tế không kỳ vọng việc điều chỉnh chính sách sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế. Tuy nhiên, một số người đang cảnh báo rủi ro về việc tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.

Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết, quyết định của BOJ "không có nghĩa là giảm phát đã kết thúc" và chính phủ phải "đánh giá toàn diện các chỉ số khác nhau".

Keiji Kanda, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Daiwa cho biết: “Nếu lãi suất tăng nhanh hơn dự kiến thì đó sẽ là vấn đề”, đồng thời rủi ro như vậy là tương đối thấp.

“Chính sách của BOJ về cơ bản là để lại lãi suất dài hạn cho thị trường, giúp lãi suất tăng dễ dàng hơn. Ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ và giải quyết tình trạng lãi suất tăng nhanh thông qua các hoạt động lãi suất cố định và các biện pháp khác. Tuy nhiên, nếu lãi suất tăng chậm nhưng liên tục thì đó lại là một câu chuyện khác”, ông cho biết.

Lãi suất cao hơn có thể sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay do các ngân hàng tư nhân quy định, ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các công ty vừa và nhỏ. Theo báo cáo tháng 2 của Tokyo Shoko Research, khoảng 70% trong số 3.955 công ty có vốn ban đầu dưới 100 triệu yên (670.000 USD) đang kỳ vọng lãi suất vay sẽ tăng so với tháng 1/2023.

Nếu đồng yên tăng giá do lãi suất dài hạn tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng.

Một yếu tố rủi ro khác là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay vào tháng 11. Cựu Tổng thống Donald Trump đã công khai tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ áp đặt thuế quan bổ sung đối với hàng hóa từ Trung Quốc, có thể ở mức 60% hoặc cao hơn.

“Nếu điều đó gây ra lạm phát ở Mỹ, Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất trở lại. Điều đó cũng sẽ có một số tác động đến nền kinh tế Nhật Bản”, nhà kinh tế Keiji Kanda cho biết.

Yoshitaka Shindo, Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế của Nhật Bản cho biết: “Chúng ta phải tạo ra một giai đoạn kinh tế mới với tăng trưởng tự chủ do nhu cầu tư nhân dẫn dắt để đảm bảo giảm phát chấm dứt và ngăn chặn nó quay trở lại”.

Tin bài liên quan