Bơm vốn ngân hàng cho ngư dân ngay trong tháng 6

Bơm vốn ngân hàng cho ngư dân ngay trong tháng 6

16.000 tỷ đồng từ ngân sách và 10.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại đã được bố trí để hiện thực hóa giấc mơ tàu sắt cho ngư dân. Việc bơm vốn chỉ đợi Chính phủ đang hoàn thiện những khâu cuối cùng, dự kiến có thể tiến hành  trong tháng 6 này.

Đang tiến hành  “chốt”

Đầu tuần này, Quốc hội đã “bấm nút” thông qua gói 16.000 tỷ đồng từ nguồn cân đối ngân sách năm 2013 nhằm hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, do chưa có nghị định hướng dẫn, nên chưa biết trong gói 16.000 tỷ đồng này, tỷ lệ vốn dành cho ngư dân là bao nhiêu. Tuy nhiên, ông Oai cho rằng, ngân sách sẽ dành một phần “thích đáng” để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt.

“Dự kiến, hôm nay (13/6), Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành sẽ họp tại Đà Nẵng để lấy ý kiến các địa phương về Dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Ngay sau khi Nghị định được ban hành, vốn hỗ trợ sẽ lập tức được bơm ra”, ông Oai nói. 

Theo Dự thảo Nghị định, ngư dân muốn vay vốn để đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, thì  sẽ được vay vốn trung và dài hạn, với hạn mức bằng 90% tổng giá trị tàu có vỏ sắt, thép, vật liệu mới, với lãi suất cho vay tối đa là 3%/năm trong thời hạn 10 năm và 1 năm ân hạn.

Nghị định trên có thể sẽ được ban hành ngay trong tháng 6 này. Ngoài vốn từ ngân sách, các ngân hàng TMCP cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn cho ngư dân vay trang bị tàu sắt, mà đi đầu là BIDV. Ngân hàng này đã công bố dành 3.000 tỷ đồng cho ngư dân vay dài hạn đóng tàu vỏ sắt, với lãi suất chỉ 2%/năm.

Ngoài BIDV, Vietcombank và Agribank cũng cam kết sẽ dành vốn để cho ngư dân vay đóng tàu sắt.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, NHNN sẽ cùng các ngân hàng thương mại dành khoảng 10.000 tỷ đồng cho ngư dân vay đóng tàu sắt, với lãi suất khoảng 3%/năm. NHNN cũng đang nghiên cứu các mô hình quản lý tốt để cho ngư dân vay với lãi suất 0%/năm, thời hạn vay kéo dài 10-15 năm. 

“Hiện vốn hỗ trợ cho ngư dân đã sẵn sàng. Khi Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành, có đủ điều kiện pháp lý, thì các ngân hàng sẽ giải ngân ngay lập tức”, ông Bình khẳng định. 

Cho vay vốn lãi suất thấp, ngân hàng vẫn tự tin

Hiện dòng vốn từ các ngân hàng hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân chưa bắt đầu chảy, bởi đang đợi văn bản pháp lý chính thức, song công việc chuẩn bị thì đã sẵn sàng. Tuần qua, BIDV đã ký kết tài trợ tín dụng giai đoạn đầu đóng mới 27 tàu đánh cá công suất lớn tổng giá trị khoảng 150 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và hộ ngư dân tại Bình Định. Ngân hàng này cũng đã ký kết với UBND tỉnh Bình Định về việc hợp tác đóng mới, phát triển đội tàu công suất lớn giai đoạn 2014 -2017 và đang tiến hành các bước tương tự tại Quảng Ngãi.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, BIDV cam kết thủ tục vay vốn đối với khách hàng ngắn gọn, đơn giản, xử lý trong thời gian 4 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ vay vốn. “Sau khi Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành, dự kiến ngay trong tháng 6 này, chúng tôi sẽ ngay lập tức ký hợp đồng cho vay”, ông Hà khẳng định.

Điều khiến người dân băn khoăn là, dù ngân hàng và Chính phủ cam kết sẵn sàng vốn, song việc triển khai liệu có dễ dàng? Thực tế, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thí điểm đóng tàu vỏ thép ở Quảng Ngãi, song gần hai năm trôi qua, mới có vài ba con tàu vỏ thép được hoàn thành. Lý do chính là, ngư dân không có tài sản thế chấp, trong khi số tiền đầu tư đóng mỗi con tàu sắt lên tới 6 - 8 tỷ đồng.

Về phần mình, nhiều ngân hàng cũng ngại không dám giải ngân, một phần vì ngư dân thiếu tài sản thế chấp, một phần vì đã “nếm” thất bại của chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997.

Tuy nhiên, với các quy định mới, nỗi lo của ngư dân và ngân hàng có thể sẽ được giải tỏa. Ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV cho biết, với quy định mới, nỗi lo thiếu tài sản thế chấp của ngư dân sẽ được giải tỏa, vì ngư dân có thể sử dụng ngay chiếc tàu sắt hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp.

Còn về phía ngân hàng, nỗi lo nợ xấu cũng sẽ giảm bớt, bởi theo Dự thảo Nghị định, các ngân hàng được chủ động lựa chọn người vay, dựa trên sự thẩm tra rất kỹ của phía ngân hàng cũng như sự xác nhận của địa phương.

Tin bài liên quan