Giám đốc điều hành British Airways Willie Walsh.

Giám đốc điều hành British Airways Willie Walsh.

British Airways sáp nhập với Iberia:Tránh nguy cơ bị tụt hậu

(ĐTCK-online) British Airways sáp nhập với Iberia sẽ tạo nên một hãng hàng không mạnh hơn về nhiều mặt và nhờ đó, cả BA lẫn Iberia sẽ không còn phải đối đầu với nguy cơ bị tụt hậu so với các hãng hàng không lớn khác.

Cuối tuần qua, British Airways (BA), hãng hàng không lớn nhất Anh và Iberia, hãng hàng không lớn nhất Tây Ban Nha đã đạt được thoả thuận sáp nhập để hình thành ra BA- Iberia, một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu và thế giới. Vụ sáp nhập này có tổng trị giá là 4 tỷ bảng Anh (4,5 triệu euro hay 6,6 tỷ USD). 

Ông Willie Walsh, Giám đốc điều hành (CEO) BA nhận định, việc BA sáp nhập với Iberia sẽ tạo nên một hãng hàng không mạnh hơn về nhiều mặt và nhờ đó, cả BA lẫn Iberia sẽ không còn phải đối đầu với nguy cơ bị tụt hậu so với các hãng hàng không lớn khác.

Sau khi Hãng hàng không Air France (Pháp) sáp nhập thành công với Hãng KLM (Hà Lan) để tạo nên Air France-KLM, hãng hàng không lớn nhất châu Âu (về doanh thu) vào năm 2003, thì Lufthansa (Đức) lại chọn giải pháp mua lại một số hãng hàng không nhỏ để nâng cao vị thế của mình.

Theo tính toán, nhờ sáp nhập, BA - Iberia tiết kiệm được 400 triệu euro chi phí mỗi năm.

Các chuyên gia hàng không nhận xét, BA và Iberia sẽ có điều kiện bổ sung cho nhau một cách khá lý tưởng. BA có thế mạnh ở thị trường Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, trong khi Iberia lại là hãng hàng không châu Âu có nhiều đường bay nhất nối châu Âu với các nước Nam Mỹ. Ghép các đường bay của 2 hai hãng lại với nhau, sự hiện diện của BA - Iberia gần như rộng khắp toàn cầu.

Theo thoả thuận, BA sẽ sở hữu 55% cổ phần của BA - Iberia, trong khi 45% cổ phần còn lại thuộc về Iberia. Vì vậy, ông Willie Walsh sẽ nắm chức CEO BA - Iberia, còn ông Antonio Vazquez, Chủ tịch Iberia sẽ giữ chức Chủ tịch BA - Iberia.

Trên sổ sách, BA - Iberia có tổng cộng 419 máy bay các loại, thực hiện các chuyến bay thường kỳ tới 205 thành phố trên khắp thế giới, chuyên chở 60 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Xét theo giá trị vốn hoá thị trường, BA - Iberia sẽ là hãng hàng không lớn thứ 2 châu Âu, chỉ sau Hãng Lufthansa, còn xét theo doanh thu, BA - Iberia là hãng hàng không lớn thứ 3 châu Âu, sau Air France - KLM và Lufthansa.

Trước mắt, hai hãng hàng không vẫn giữ nguyên thương hiệu độc lập, còn BA - Iberia sẽ có trụ sở chính ở London (Anh) và có cổ phiếu niêm yết tại Sở GDCK London.

Sau khi thông tin sáp nhập trên được loan báo, trong phiên giao dịch ngày 13/11 tại Sở GDCJ London, giá cổ phiếu của BA tăng 7,5%, lên 215 pence/cổ phiếu (2,15 bảng Anh/cổ phiếu), trong khi tại Sở GDCK Madrid (Tây Ban Nha), giá cổ phiếu của Iberia tăng mạnh hơn, tới 11,78%, lên 2,22 euro/cổ phiếu.   

Theo nhiều nhà phân tích, thực ra, lãnh đạo BA và Iberia đã bắt đầu ngồi lại với nhau để bàn về việc sáp nhập từ tháng 7/2008. Tuy nhiên, quá trình thương thảo bị gián đoạn vì nhiều lý do khác nhau. Về cơ bản, vụ sáp nhập này khá thuận về nhiều mặt. Trước khi sáp nhập, BA đã sở hữu 13,15% cổ phần của Iberia, trong khi Iberia nắm giữ gần 10% cổ phần của BA. BA bắt đầu quan tâm tới Iberia từ năm 1999, khi Chính phủ Tây Ban Nha thực hiện tư nhân hoá từng bước Iberia. Ngay ở đợt đầu, BA đã mua được 9% cổ phần của Iberia. Sau đó, BA tham gia vào 1 tổ hợp gồm các quỹ đầu tư dự định mua tới 40% cổ phần của Iberia, nhưng không thành, nên cuối cùng BA phải bằng lòng với mức 13,15% cổ phần. Gần đây, cả hai hãng hàng không này lại cùng chung cảnh ngộ là đều bị lỗ. Trong quý II và III năm nay, Iberia bị lỗ tương ứng 72,8 triệu euro và 16,4 triệu euro, trong khi BA cũng bị lỗ ròng tới 292 triệu bảng Anh (485 triệu USD).

Đương nhiên, việc sáp nhập sẽ tạo ra một số lượng lao động dôi dư không nhỏ và chuyện cắt giảm lực lượng này là chắc chắn. Tuy nhiên, việc cắt giảm lao động này sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của các tổ chức công đoàn và bản thân những người lao động có liên quan.

Lãnh đạo Unite, tổ chức công đoàn lớn nhất Anh đã yêu cầu có cuộc gặp khẩn với ông Willie Walsh, CEO BA để nhận được lời cam kết không cắt giảm việc làm. Nếu không, Unite sẽ tìm mọi cách hợp pháp để cản trở vụ sáp nhập này. CCOO, tổ chức công đoàn của Tây Ban Nha cũng có động thái tương tự với lãnh đạo Iberia.

Nhiều hãng hàng không là đối thủ trực tiếp của BA và Iberia đã lớn tiếng kêu ca và e ngại sẽ mất thêm thị phần bởi vụ sáp nhập này. Hãng hàng không Virgin Atlantic, đối thủ lớn nhất của BA ở thị trường Anh cho rằng, BA - Iberia sẽ chiếm lĩnh quá nhiều chỗ đỗ tại sân bay Heathrow Airport, một trong sân bay nhộn nhịp nhất ở châu Âu.

 Một số hãng hàng không khác cũng đang để ngỏ khả năng khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC) nhằm ép EC trì hoãn hoặc thậm chí không chuẩn y vụ sáp nhập này với lý do... chống độc quyền. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra, bởi tiền lệ đã có khi Air France và KLM không gặp trở ngại lớn nào về pháp lý khi sáp nhập. Mà Air France - KLM còn lớn hơn BA - Iberia.