BSC nêu 2 kịch bản thị trường tháng 10, VN-Index có thể cần tích lũy sau quá trình giảm điểm

BSC nêu 2 kịch bản thị trường tháng 10, VN-Index có thể cần tích lũy sau quá trình giảm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong kịch bản tích cực, VN-Index cần tích lũy sau quá trình giảm điểm để quay trở lại vùng 1.150 - 1.170 điểm. P/E VN-Index được dự báo vận động trong vùng 14,50 – 14,75x và thanh khoản dao động ở mức 20.000 – 22.000 tỷ đồng/phiên.

Trong báo cáo mới đây, căn cứ vào dự báo vĩ mô và các sự kiện quan trọng BSC đã đưa ra hai kịch bản tháng 10:

Kịch bản 1: Tâm lý ổn định trở lại sau chuỗi giảm điểm kéo dài từ giữa tháng 9 kết hợp cùng lực cầu tham gia tốt khi chỉ số và các nhóm cổ phiếu quay trở lại ở vùng định giá hợp lý hơn.

Khối ngoại đảo ngược sang trạng thái mua ròng bên cạnh các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế tiếp tục cho thấy các tín hiệu tích cực khi tình hình giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục khả quan, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều nhóm ngành có tín hiệu khởi sắc hơn.

Thị trường được dự báo sẽ phân hóa khi các doanh nghiệp bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý III. VN-Index cần tích lũy sau quá trình giảm điểm để quay trở lại vùng 1.150 – 1.170 điểm.

Kịch bản 2: Quan điểm “diều hâu” tiếp tục được các quan chức FED phát đi trước cuộc họp FOMC diễn ra vào cuối tháng 10, điều này đồng nghĩa nhiều khả năng FED sẽ còn 1 lần nâng lãi suất điều hành trong năm và duy trì mặt bằng lãi suất này trong một khoảng thời gian dài.

Trạng thái swap âm VND - USD tiếp tục được duy trì và áp lực tỷ giá giai đoạn quý IV/2023 bắt đầu căng thẳng hơn, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu trên thị trường mở (OMO) và sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn để cân bằng thanh khoản và ổn định các biến số vĩ mô của nền kinh tế.

Tâm lý tiêu cực và bán tháo có thể xuất hiện nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh, VN-Index dự kiến lùi ngưỡng 1.100 ± 20 điểm.

Trong kịch bản tích cực, P/E VN-Index được dự báo vận động trong vùng 14,50 – 14,75x và thanh khoản dự báo dao động ở mức 20.000 – 22.000 tỷ đồng/phiên trong kịch bản VN-Index tích lũy và tăng nhẹ hướng đến vùng 1.150 – 1.160 điểm.

BSC nhấn mạnh rằng, nhiều khả năng FED sẽ còn 1 đợt tăng lãi suất cuối cùng trong 2023 – đỉnh lãi suất đã có thể ở rất gần – tuy nhiên môi trường lãi suất cao sẽ còn kéo dài đến nửa đầu năm 2024 khi lạm phát vẫn còn cách khá xa mục tiêu.

Bên cạnh đó, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu có một số tín hiệu khởi sắc tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức đang ở phía trước. Kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn các rủi ro và yếu tố bất định trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc vào ngày 02/10/2023 sẽ quyết định nhiều vấn đề hệ trọng trong đó có vấn đề quy hoạch cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch 2024... và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10/2023 sẽ xem xét thông qua 9 dự án Luật, các vấn đề kinh tế - xã hội 2023 - 2024, đặc biệt kỳ họp lần này sẽ cho ý kiến về 02 Nghị quyết bổ sung về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Nhóm phân tích cho rằng, đây là giai đoạn quan trọng để nhà điều hành có những điều chỉnh phù hợp trong tình hình hiện tại khi Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại – đặc biệt là hoạt động nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong tháng 09 vừa qua.

Mặt khác, hoạt động phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở có thể sẽ tiếp tục được duy trì nhằm điều tiết, hỗ trợ thị trường và đây chưa phải là hành động mang hàm ý “đảo chiều chính sách”. Lãi suất huy động tiếp tục giảm - ở mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng tín dụng 9/2023 chưa được như kỳ vọng sẽ là cơ sở để giai đoạn cuối năm khởi sắc hơn.

Tỷ giá có thể tiếp tục diễn biến căng thẳng bên cạnh áp lực bán của khối ngoại vẫn hiện hữu sẽ khiến thị trường chịu ảnh hưởng đáng kể tuy nhiên bối cảnh vĩ mô vẫn đang tương đối thuận lợi và các doanh nghiệp sẽ dần phân hóa khi kết quả kinh doanh quý III được công bố trong tháng 10.

Với diễn biến thị trường hiện tại, BSC khuyến nghị một số nhóm ngành có lợi thế trong giai đoạn cuối năm bao gồm: nhóm xuất khẩu; nhóm đầu tư công; nhóm bất động sản khu công nghiệp và nhóm hàng hóa, công nghiệp.

Tin bài liên quan