VNDirect: Đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào kênh chứng khoán

VNDirect: Đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào kênh chứng khoán

(ĐTCK) VNDirect cho rằng định giá thị trường hiện tại đã dần trở nên hấp dẫn hơn sau nhịp điều chỉnh vừa qua. Cơ hội có thể xuất hiện ở một số nhóm như đầu tư công, nhóm xuất khẩu, bán lẻ và bất động sản khu công nghiệp.

Kênh chứng khoán vẫn là lựa chọn hàng đầu

Tính đến ngày 25/9, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh đã giảm về mức 5,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 5,1 - 6,3%/năm với mức trung bình khoảng 5,7%/năm.

Động thái phát hành tín phiếu trên thị trường mở gần đây của NHNN nhằm ổn định tỷ giá có thể khiến lãi suất liên ngân hàng tăng lên sau khi đang ở vùng đáy 2 năm gần đây, từ đó khiến lãi suất huy động của các NHTM khó có thể giảm sâu hơn. Tuy nhiên với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ dần được cải thiện trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023, VNDirect cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào kênh chứng khoán.

Tại thị trường trái phiếu, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước hạn có sự chững lại trong tháng 9 với tổng giá trị được mua lại đạt khoảng 6.458 tỷ đồng. Sang tháng 10, VNDirect ước tính sẽ có khoảng hơn 15.100 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, thấp hơn đáng kể so với giá trị đáo hạn trong 4 tháng vừa qua.

Theo tổng hợp của nhóm phân tích, tính đến ngày 26/9 có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. VNDirect ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 176.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Tại thị trường bất động sản, với các hành động quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, nhiều dự án bất động sản đã và đang được gỡ vướng mắc về hành chính, pháp lý. Đặc biệt, sự phối hợp hiệu quả của tổ công tác Chính phủ cùng các ban ngành và những nỗ lực của UBND TP.HCM và Hà Nội đã bước đầu cho thấy kết quả tích cực, góp phần hồi sinh nhiều dự án và cải thiện tâm lý thị trường bất động sản.

Trong khi đó, các chủ đầu tư vẫn đang tìm các giải pháp để đàm phán gia hạn nợ cũng như sử dụng chính các sản phẩm bất động sản để hoàn thành nghĩa vụ nợ. Đơn cử như trường hợp của Novaland vừa công bố dùng bất động sản để thanh toán các khoản gốc, lãi cho một phần của hai lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, thị trường trái phiếu và bất động sản trầm lắng, VNDirect tin rằng kênh chứng khoán vẫn là lựa chọn hàng đầu hiện nay.

Nắm bắt cơ hội từ nhịp điều chỉnh

VN-Index gặp áp lực điều chỉnh mạnh trong tháng 9, giảm 5,8% kể từ đầu tháng do áp lực từ những rủi ro vĩ mô dần gia tăng. Tuy giảm mạnh trong tháng 9, hiệu suất vượt trội của VN-Index giai đoạn tháng 5 - 7/2023 vẫn giữ cho hiệu suất kể từ đầu năm của thị trường chứng khoán Việt Nam (tăng 14,5% so với đầu năm) vượt qua nhiều thị trường chứng khoán lớn khác như Mỹ 13,0%, Hàn Quốc 11,6% và chỉ xếp sau Nhật Bản đạt 25,2% khi chỉ số này đang ở mức cao nhất trong 33 năm.

Bất động sản là nhóm ngành có hiệu suất đầu tư kém nhất trong tháng 9 khi giảm 13,9%. Việc thị trường phản ứng tiêu cực trước áp lực tỷ giá và xu hướng chính sách tiền tệ của Mỹ đã khiến áp lực bán tháo tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu nhạy với dòng tiền như: bất động sản, dịch vụ tài chính hoặc đã tăng mạnh gần đây như xây dựng và thép.

Ngược lại, nhóm ngành nước, khí đốt và dầu khí tăng trưởng bất chấp yếu tố thị trường nhờ giá dầu tăng cao do lo ngại nguồn cung khan hiếm. Nhóm vận tải cũng đi ngược xu hướng giảm nhờ kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ hồi phục trong cuối năm.

Về mặt định giá, tại ngày 25/9, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 13,7 lần, chiết khấu 12,5% so với P/E trung bình 5 năm và thấp hơn 7,3% so với đỉnh ngắn hạn trước đó. VNDirect cho rằng định giá thị trường hiện tại đã dần trở nên hấp dẫn hơn sau nhịp điều chỉnh vừa qua.

Bên cạnh đó, xu hướng cải thiện về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong 2 quý cuối năm cũng sẽ giúp mặt bằng định giá của thị trường trở nên hấp dẫn hơn. Nhóm phân tích dự báo P/E forward 2023 của chỉ số VN-Index ở mức 12 - 12,5 lần, là mức hấp dẫn trong môi trường lãi suất thấp hiện nay và hoàn toàn đáng cân nhắc để giải ngân cho mục tiêu trung và dài hạn.

Mặt khác, VNDirect nhận thấy chỉ số VN-Index đã giữ được ở trên đường MA200 tuần thành công, qua đó kỳ vọng hình thành vùng cân bằng để tích lũy trở lại. Do đó, các chuyên gia cho rằng, xu hướng vận động tích lũy trong biên độ từ 1.130 – 1.210 có thể sẽ là kịch bản cho thị trường trong tháng 10.

Tuy nhiên, rủi ro của thị trường tập trung bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, áp lực tỷ giá nếu tiếp tục gia tăng sẽ gây sức ép lên chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Thứ hai, rủi ro giảm phát từ phía Trung Quốc và đặc biệt từ nhóm ngành bất động sản có thể làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư về nhóm ngành này. Qua đó, các nhà đầu tư nên lưu ý với nhóm ngành nhạy cảm về lãi suất, hạn chế các vị thế mua rủi ro.

Dù vậy, thị trường vẫn còn tiềm tàng nhiều cơ hội khi bức tranh lợi nhuận trong quý III dự kiến sẽ tích cực hơn cũng như mặt bằng định giá thị trường đã về vùng hấp dẫn hơn.

Nhóm phân tích cho rằng, nhà đầu tư có thể nắm bắt những cơ hội xuất hiện từ các xu hướng về đầu tư công do đây vẫn là mũi nhọn tăng trưởng kinh tế; triển vọng xuất nhập khẩu đang dần phục hồi. Theo sau sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất, bán lẻ sẽ phục hồi nhờ sức mua cải thiện và dòng vốn FDI duy trì tích cực, cải thiện triển vọng nhóm bất động sản khu công nghiệp.

Tin bài liên quan