Nới room gần như là điều kiện quyết định để các ngân hàng hút được dòng vốn ngoại

Nới room gần như là điều kiện quyết định để các ngân hàng hút được dòng vốn ngoại

Bức tranh ngành ngân hàng 2020: Sẽ sáng hơn nếu…

(ĐTCK) TS. Alan Phạm, Kinh tế gia trưởng Tập đoàn VinaCapital cho rằng, với chủ trương đẩy mạnh xử lý nợ xấu, xử lý sở hữu chéo trong hệ thống, bức tranh ngành ngân hàng đến năm 2020 sẽ rõ nét hơn so với hiện nay, với điều kiện những bước đi đã đề ra cần được áp dụng nhất quán trong thực tế. 

Tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam thời gian qua, theo đánh giá của ông, đã và đang diễn ra theo chiều hướng nào?

So với 3 năm trước, hiện nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam tạm ổn do các ngân hàng đã chuyển phần lớn nợ xấu sang Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Tuy nhiên, VAMC cũng chỉ mới là “kho” chứa nợ xấu cho các ngân hàng để làm sạch bảng cân đối kế toán tạm thời.

Nếu sau 5 năm, các khoản nợ xấu đó không được xử lý triệt để, buộc ngân hàng phải nhận lại từ VAMC. Nhưng ít nhất, với khoảng thời gian trên, các ngân hàng đã có cơ hội để xoay xở, thậm chí là trích dự phòng đủ cho khoản nợ đó.

Như vậy, trước mắt, các ngân hàng có thể mở rộng hoạt động cho vay, thay vì phải siết lại do nợ xấu tăng cao, cho dù nợ xấu thực tế vẫn được cất trong kho VAMC.

Chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay cũng khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh vốn cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên, trên cơ sở kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2017 được NHNN đưa ra cũng lên tới 18-19% cho thấy sự khuyến khích này. Tất nhiên, việc xử lý nợ xấu cần được đẩy nhanh giải quyết, nếu để kéo dài quá lâu sẽ gây hệ lụy cho nhiều ngành kinh tế.

Nói vậy nghĩa là mối lo về nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam không còn quá đáng ngại, thưa ông?

Ngành ngân hàng đã tích cực, chủ động cơ cấu lại các tổ chức tài chính (TCTD); giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần phần yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ; lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các TCTD khi đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Quy mô thị trường tài chính, bao gồm thị trường chứng khoán, tiếp tục tăng. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu các NHTM cổ phần yếu kém và hệ thống tài chính chưa đạt được mục tiêu đề ra, cần tiếp tục đẩy mạnh. Tuy nợ xấu của ngành đã có những bước đi quan trọng để xử lý, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD và của toàn ngành.

Chính nợ xấu chưa thể xử lý nhanh nên việc điều hành tín dụng chưa gắn được với tư duy ổn định lãi suất trong trung và dài hạn. Lãi suất tín dụng từ năm 2012 đến nay – dù có xu hướng giảm, song chưa tạo dựng được lòng tin thị trường về sự ổn định trong trung, dài hạn.

Điều này khiến cho doanh nghiệp giảm động lực thực hiện hoạt động đầu tư trung hạn và dài hạn.

 TS. Alan Phạm

Phải nhìn nhận khách quan là trong thời gian qua, sức khỏe các ngân hàng đã dần được cải thiện. Nợ xấu của ngành ngân hàng cũng đã được kiểm soát dưới ngưỡng 3% từ cuối năm qua và từng bước được đưa xuống các mức thấp hơn.

Thế nhưng, chúng ta không thể chủ quan, mà luôn đòi hỏi nỗ lực xử lý từ việc trích lập dự phòng rủi ro bằng nguồn lợi nhuận thu về của ngân hàng.

Mặt khác, việc phát triển tín dụng cần luôn đi kèm với nâng cao chất lượng tín dụng, nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Có như vậy, hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam mới ngày càng lành mạnh và bền vững.

Để tháo gỡ rào cản trong quá trình xử lý nợ xấu, NHNN cho biết đã đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội về việc ban hành một đạo luật riêng trong việc xử lý, phát mãi tài sản đảm bảo. Theo ông, liệu có khả thi?

Việc NHNN trình Chính phủ các văn bản, chính sách về việc tháo gỡ khó khăn trong phát mãi tài sản đảm bảo để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu là điều cần thiết. Nhưng thực tế thì lâu nay, các ngân hàng và khách hàng thường có sự thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, khi khoản vay rơi vào vùng nợ xấu là có thể phát mãi tài sản thu hồi nợ.

Dẫu vậy, các ngân hàng không thể đơn phương xử lý, mà muốn dứt điểm phải ra tòa mất rất nhiều thời gian, chi phí. Trong khi đó, vấn đề cốt tử là làm thế nào để ngân hàng có thể xử lý được tài sản đảm bảo đó khi khoản nợ rơi vào nợ xấu, chứ không phải phụ thuộc vào tòa án như hiện nay.

Vì vậy, ngay cả khi có luật riêng về xử lý tài sản đảm bảo cũng cần khơi thông được vấn đề này. Có như vậy, tiến trình phát mãi tài sản, xử lý nợ xấu mới được đẩy nhanh hơn.

Để việc xử lý nợ xấu đối với các ngân hàng "0 đồng" cũng như nhà băng yếu kém được đẩy nhanh hơn, theo ông, cần các giải pháp nào?

Sau một thời gian cải tổ, hoạt động của một số ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng đã bước đầu ổn định… Vì vậy, NHNN cần có hướng xử lý, có thể sáp nhập, bán lại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chứ không nên “ôm” mãi những ngân hàng này.

Còn với những nhà băng yếu kém khó có thể cứu vãn, cũng đã có hướng xử lý là có thể cho phá sản. Câu chuyện phá sản ngân hàng từ trước tới nay nhiều người vẫn lo ngại là sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, tác động đến thị trường. Tuy nhiên, nếu có cách xử lý công khai, minh bạch thì không quá đáng lo ngại.

Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng theo phân công của Chính phủ vừa được công khai lấy ý kiến rộng rãi, cũng nêu nhóm giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng là áp dụng biện pháp phá sản đối với TCTD yếu kém, mà việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống TCTD. Điều đó cần tính đến, nhằm tạo sự cạnh tranh, đảm bảo an toàn cho hệ thống…

Theo ông, bức tranh ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2020 sẽ có diện mạo ra sao so với hiện nay?

Nếu tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh và tình hình kinh tế dần hồi phục, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng thực hiện theo đúng lộ trình đặt ra, chắc chắn bức tranh của ngành ngân hàng đến năm 2020 sẽ sáng lên rất nhiều so với hiện nay.

Lợi nhuận của các ngân hàng trong năm qua đã có cải thiện nhất định khi hoạt động tín dụng dần hồi phục, bất động sản ấm lên là cơ hội để các nhà băng đẩy mạnh cho vay…

Cổ phiếu của ngành ngân hàng cũng bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại, tất nhiên trước mắt, chỉ cổ phiếu của những ngân hàng có hoạt động kinh doanh hiệu quả giá mới tăng.

Bên cạnh những thuận lợi bước đầu, thách thức và khó khăn còn chực chờ đối với các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi lộ trình áp chuẩn mực quốc tế theo Hiệp ước Basel II cận kề.

Trong Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng có các mục tiêu cụ thể với ngành ngân hàng như: cắt giảm nợ xấu, giảm số lượng NHTM yếu kém và đảm bảo 70% số NHTM thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020…

Như vậy, áp lực áp dụng chuẩn mực mới đè nặng lên các ngân hàng, nhất là những nhà băng tiềm lực vốn còn hạn chế. Theo ông, để huy động được vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, các ngân hàng sẽ phải làm gì?

Việc tăng vốn điều lệ của nhiều TCTD thời gian qua chưa đạt được mục tiêu trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trong nước hạn chế và nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự sẵn sàng tham gia.

Trong khi đó, tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng chậm, cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng yếu kém thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đạt được kế hoạch.

Để hiện thực hóa được mục tiêu lành mạnh hệ thống ngành ngân hàng, cần đẩy mạnh hơn việc tái cơ cấu ngành, hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế cho các NHTM.

Bởi yêu cầu áp dụng các chuẩn bị quốc tế ngày càng cao, khi không chỉ có 10 NHTM cổ phần (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank, VIB) thí điểm áp dụng từ tháng 2/2016, mà tới đây, các ngân hàng đều phải thực thi mới có thể cạnh tranh được.

Basel II là tiêu chuẩn giúp các ngân hàng chủ động quản lý rủi ro tốt hơn, đồng thời cũng có khả năng ra quyết định kinh doanh trên cơ sở có đầy đủ thông tin về rủi ro và mối liên hệ giữa các rủi ro. Về lâu dài, việc áp dụng các chuẩn mực Basel II sẽ đem lại nhiều giá trị hơn cho cổ đông và không chỉ Basel II, bởi một số nền kinh tế trong khu vực như Thái Lan, Singapore đang tiếp cận một phần Basel III…

Theo tôi, để đáp ứng chuẩn Basel II, không còn cách nào khác là phải nới room trong lĩnh vực này, nhằm giúp các ngân hàng có thể tăng vốn điều lệ, nâng cao lực tài chính, sức cạnh tranh. Room dành cho nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực ngân hàng cần thiết nới lên 40-50%, thậm chí là 100% so với mức tối đa 30% hiện nay, nhằm thu hút được nguồn vốn ngoại.

Có như vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam mới có điều kiện phát triển lành mạnh và ổn định trong những năm tới. Tôi cũng kỳ vọng, đến năm 2020, Việt Nam sẽ xử lý cơ bản các tồn đọng về nợ xấu. Tuy nhiên, để đẩy nhanh được tiến độ này, cần thiết cho phép nhà đầu tư tham gia mua lại nợ xấu của Việt Nam và muốn làm được điều này, cần thiết lập được thị trường mua - bán nợ xấu chuyên nghiệp. 

Tin bài liên quan