Năm nay, Sacombank sẽ nâng cấp  chi nhánh tại Lào thành ngân hàng con

Năm nay, Sacombank sẽ nâng cấp chi nhánh tại Lào thành ngân hàng con

Bước chân ra thị trường quốc tế: Các ngân hàng nội mới tập đi!

(ĐTCK) Không chỉ mở rộng quy mô hoạt động ở thị trường nội địa, mà tham vọng của nhiều ngân hàng nội còn là “vươn” mình ra thế giới. Tuy nhiên, việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện hay chuyển đổi mô hình từ chi nhánh lên ngân hàng con 100% vốn cũng chỉ mới được xem là bước đi chập chững của các ngân hàng nội trên thị trường quốc tế.

Tham vọng lớn

HĐQT Sacombank cho biết, trong năm nay, Ngân hàng dự định nâng cấp chi nhánh tại Lào thành ngân hàng con 100% vốn (39 triệu USD) trực thuộc Sacombank sau gần 6 năm có mặt hoạt động tại đây. Những năm qua, chi nhánh này liên tục có lãi, dù còn khiêm tốn. Đến cuối năm 2013, chi nhánh tại Lào của Sacombank huy động đạt 47 triệu USD, dư nợ tín dụng đạt 72,7 triệu USD, tăng 14,3 triệu USD so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 2,62 triệu USD, hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao. Không ngoài mục tiêu của một ngân hàng bán lẻ, khách hàng tại Sacombank Chi nhánh Lào chủ yếu là cá nhân và các DNVVN. Tại Lào, trong năm qua, Sacombank đã khai trương thêm 1 phòng giao dịch.

Tại Campuchia, hiện Sacombank đã có ngân hàng con 100% sau khi được nâng cấp lên từ chi nhánh, với vốn là 38 triệu USD. Ngân hàng đã mở được 7 chi nhánh tại thị trường này, trong đó, năm 2013 mở được 2 chi nhánh. Lợi nhuận năm 2013 của Sacombank Campuchia đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu USD. Theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, khi trở thành ngân hàng con thì một số khoản chi phí như marketing sẽ không còn được bao cấp như khi còn là chi nhánh.

Trước đó, một số ngân hàng trong nước như VietinBank cũng đã có mặt tại thị trường Lào, bằng cách lập chi nhánh. VietinBank còn có mặt tại Đức và đang tiến tới mở rộng mạng lưới ra thị trường Canada, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Hoa Kỳ...

Theo VietinBank, tham gia sân chơi toàn cầu buộc Ngân hàng phải minh bạch, hoàn thiện hơn nữa. Mục tiêu của Vietinbank là cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế để khẳng định thương hiệu của một tập đoàn tài chính hàng đầu.

Vietcombank, MB, SHB… cũng đã khai trương văn phòng đại diện và mở chi nhánh tại nước ngoài. Chẳng hạn, MB đã có chi nhánh tại Phnom Penh (Campuchia).

Vươn ra thị trường nước ngoài được xem là dấu hiệu cho thấy sức cạnh tranh của các NHTM Việt Nam đang từng bước được nâng cao, các ngân hàng không chỉ phát triển mạnh mẽ trong nước, mà còn từng bước khẳng định thương hiệu tại thị trường quốc tế. Đầu tư ra nước ngoài giúp các ngân hàng trong nước tăng hiệu quả hoạt động và góp phần nâng cao kinh nghiệm, hình ảnh, vị thế của NHTM Việt Nam trên thị trường quốc tế, vươn lên trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng hiện đại, hiệu quả và chủ lực của nền kinh tế, đặc biệt là các NHTM lớn có vốn của Nhà nước.

Đáng chú ý, thông qua con đường mở rộng hoạt động ra nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán cho các giao dịch ngoại thương giữa nước sở tại, nơi ngân hàng mở rộng mạng lưới, với Việt Nam. Đây cũng là động lực giúp phát triển hệ thống doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình tập đoàn tài chính hiện đại, hoạt động xuyên quốc gia. Việc mở rộng đầu tư của các tổ chức tín dụng Việt Nam ra nước ngoài còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài có thêm cơ hội hợp tác, hỗ trợ về mặt tín dụng, tài chính phù hợp, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giao dịch và thanh toán quốc tế.

Hầu hết NHTM Việt Nam mở rộng đầu tư ra nước ngoài cũng kỳ vọng, tỷ lệ vốn vay của doanh nghiệp FDI tại ngân hàng và kiều hối sẽ tăng lên. Theo Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Phạm Huy Hùng, thông qua các chi nhánh nước ngoài, lượng kiều hối sẽ tăng cao. Với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, lệnh chuyển tiền về nước sẽ được thực hiện nhanh chóng với mức chi phí cạnh tranh. Theo thống kê, hiện nay, có trên 4 triệu người Việt Nam ở hải ngoại, trong đó có khoảng 500.000 lao động xuất khẩu đang sinh sống ở 101 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các thị trường Đông Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Đông Âu, Trung Đông có lực lượng xuất khẩu lao động rất lớn. Lượng tiền chuyển về từ lực lượng này đã góp phần đáng kể trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam những năm gần đây. Lượng kiều hối năm 2013 ước đạt trên 11 tỷ USD.

Phải tính kỹ

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các TCTD trong nước “vươn” mình ra thế giới mới chỉ là hoạt động đầu tư ban đầu, bước chập chững như đứa trẻ mới tập đi. Các NHTM Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hiện chủ yếu tập trung phục vụ cho người Việt ở nước ngoài nên không dồn quá nhiều nguồn lực ngay từ đầu. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách vừa ủng hộ, vừa thắt chặt đối với các ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, tránh trường hợp trong nước còn thiếu vốn lại đầu tư lớn ra nước ngoài, hay tình trạng thất thoát vốn do chuyển tiền, rửa tiền.

Đánh giá về việc các ngân hàng trong nước vươn mình ra thế giới, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc phát triển mạng lưới quốc tế thể hiện sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là dấu hiệu đo lường sức khỏe, sức cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam cả trong và ngoài nước. Điều này cho phép các ngân hàng mở rộng lĩnh vực kinh doanh, từ đó có thêm những sân chơi mới, hoạt động và thu nhập mới, kinh nghiệm và vị thế mới…

Tuy nhiên, hoạt động gia nhập thị trường quốc tế có những thách thức lớn như: tính cạnh tranh trong môi trường quốc tế rất cao, đòi hỏi ngân hàng phải chuẩn bị tốt các phương án để đảm bảo hoạt động ổn định, lành mạnh và có hiệu quả. Thêm vào đó, chi phí hoạt động tại nước ngoài rất tốn kém, do đó phải có lực mạnh mới đủ sức để cạnh tranh. Đáng chú ý là cho vay ở nước ngoài chứa đựng nhiều rủi ro hơn so với cho vay trong nước, vì nguồn thông tin ở nước ngoài thường ít hơn, kém tin cậy hơn so với cho vay trong nước. Vì vậy, các ngân hàng có hoạt động tín dụng quốc tế phải có những phương thức phòng chống rủi ro, phải phân tích kỹ cá nhân người vay, đất nước và chính phủ nơi người vay định cư. Đặc biệt là ở những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, đòi hỏi các nhà quản trị ngân hàng Việt Nam phải chú trọng đến trình độ của các nhà quản lý và đội ngũ nhân viên của chi nhánh ở nước ngoài, chú trọng đào tạo cả về trình độ chuyên môn, đạo đức và khả năng am hiểu địa phương.

Theo đánh giá của một lãnh đạo cấp cao trong ngành tài chính, các NHTM Việt Nam cần xây dựng lộ trình phát triển cụ thể, rõ ràng và nên xem việc đầu tư ra nước ngoài là hoạt động đầu tư ban đầu để có lộ trình phát triển cụ thể, từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nên dồn quá nhiều nguồn lực. Trước mắt, các NHTM Việt Nam nên tập trung vào việc nâng cao năng lực tài chính và chất lượng phục vụ để khai thác tối đa thị phần ở thị trường nội địa - nơi ngân hàng có lợi thế sân nhà.

“Hầu hết NHTM trong nước đều đã có mạng lưới rộng khắp thông qua các chi nhánh và sở giao dịch, với hệ thống các khách hàng truyền thống từ nhiều năm, đặc biệt là khối các NHTM có vốn của Nhà nước. Chỉ có các ngân hàng nội địa mới am hiểu tập quán, phong tục, tâm lý người Việt”, vị lãnh đạo trên nói.

Do đó, chỉ những ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh, khả năng quản trị điều hành và quản trị rủi ro tốt, có khả năng ứng phó với các tình huống pháp lý mới nên nghĩ đến việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài, tránh tình trạng đầu tư theo trào lưu.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan