FPT nuôi tham vọng doanh số từ thị trường Mỹ đạt 1 tỷ USD vào năm 2030

FPT nuôi tham vọng doanh số từ thị trường Mỹ đạt 1 tỷ USD vào năm 2030

Bước tiến mới của doanh nghiệp Việt vào thị trường Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mối quan hệ hợp tác vừa được nâng tầm giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường lớn nhất toàn cầu.

Xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng tốc

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu đạt 62,3 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2023. Trong cán cân thương mại, Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ, ước đạt 53 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này có thể vượt mốc 100 tỷ USD, bất chấp những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

Với dân số hơn 300 triệu người, Mỹ được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng của hàng Việt. Da giày, dệt may, đồ gỗ nội thất, thủy sản, nông sản… đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Mỹ đạt 17,8 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt hơn 6 tỷ USD và đang có những dấu hiệu khởi sắc vào cuối năm.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG (mã chứng khoán TNG), 55% tổng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ. Việc thị trường Mỹ phục hồi sức cầu đang đem lại triển vọng kinh doanh sáng hơn cho doanh nghiệp này. TNG cho biết, thời gian tới, có khả năng Công ty sẽ nâng công suất để đáp ứng nhu cầu về đơn hàng.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, xuất khẩu vào Mỹ sẽ tiếp tục khả quan khi quan hệ giữa hai nước được nâng lên tầm cao mới.

Mỹ hiện là thị trường quan trọng hàng đầu của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC). Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ chính thức ban hành kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Theo đó, VHC là một trong hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0 USD/kg.

Đón cơ hội lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu đều tăng tốc mạnh mẽ trong những tháng cuối năm và kỳ vọng ở triển vọng sáng hơn trong tương lai tại thị trường Mỹ.

Doanh nghiệp công nghệ đón cơ hội lớn

Mỹ hiện là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng của Tập đoàn FPT, đóng góp lợi nhuận cao nhất với tốc độ tăng trưởng 50% vào năm 2022. Hiện có gần 1.000 nhân lực của FPT làm việc tại đây.

FPT kỳ vọng, tới đây, Chính phủ sẽ hỗ trợ Đại học FPT trong lĩnh vực đào tạo kỹ sư cả hai ngành: chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, trên tinh thần hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia, Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ mở rộng hơn nữa hợp tác giữa doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam về dịch vụ thương mại, công nghệ cao; hỗ trợ toàn diện đưa Việt Nam trở thành quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn và AI.

Mục tiêu FPT được đặt ra là doanh thu từ thị trường Mỹ sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2030.

Ngoài cơ hội tăng trưởng về xuất khẩu vào thị trường Mỹ, theo TS. Nguyễn Trí Thành, doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt chuỗi cung ứng kết hợp với các chương trình hỗ trợ như nhân lực, nguồn vốn, con người, đổi mới sáng tạo.

Ông Bùi Như Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Long Việt cho rằng, ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ngành kỹ thuật, công nghệ sẽ hưởng lợi tốt trong thời gian tới.

Giới phân tích đánh giá, cơ hội thu hút đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới. Các nhà sản xuất Mỹ chọn Việt Nam bởi khả năng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng, trong đó có khả năng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, giải pháp năng lượng xanh.

Tin bài liên quan