Các công ty của Trung Quốc chọn kiểm toán Mỹ và Singapore để tránh nguy cơ hủy niêm yết

Các công ty của Trung Quốc chọn kiểm toán Mỹ và Singapore để tránh nguy cơ hủy niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng chục công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã chuyển sang sử dụng các hãng kiểm toán ở Mỹ và Singapore thay vì các hãng tại Trung Quốc kể từ năm 2022 nhằm giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi các sàn giao dịch của Mỹ.

Theo luật năm 2020 có tên là Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài (HFCAA), các công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết nếu hãng kiểm toán họ không tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán của Mỹ. Những yêu cầu đó bao gồm việc cho phép kiểm tra dịch vụ kiểm toán của Ủy ban giám sát kế toán công ty đại chúng (PCAOB).

Trung Quốc đã trì hoãn thực hiện các biện pháp kiểm toán của Mỹ trong nhiều năm. Đến năm 2022, họ mới bắt đầu cho phép kiểm tra các kiểm toán viên Trung Quốc. Hôm 10/5, PCAOB đã công bố kết quả đầu tiên từ các cuộc điều tra của họ ở Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).

Khi đạo luật HFCAA đang được triển khai và củng cố bằng luật bổ sung, một số doanh nghiệp của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã tránh mối đe dọa bị hủy niêm yết bằng cách chuyển sang sử dụng dịch vụ kiểm toán của các công ty ở Mỹ và Singapore vốn luôn tuân thủ các quy định của PCAOB.

Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ đã xác định 174 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cần phải được thẩm tra bộ phận kiểm toán. Trong số này, theo phân tích hồ sơ doanh nghiệp của Nikkei Asia, 24 công ty đã thay đổi hãng kiểm toán kể từ năm 2022, với 15 công ty chuyển từ công ty ở Trung Quốc hoặc Hồng Kông (Trung Quốc) sang công ty ở Mỹ hoặc Singapore.

Kết quả là 16 trong số 24 công ty đã được các hãng ở Mỹ và Singapore kiểm toán, so với hai ở châu Mỹ trước đó. Con số được kiểm toán ở Trung Quốc hoặc Hồng Kông (Trung Quốc) đã giảm từ 22 xuống còn 8.

Legend Biotech, nhà phát triển thuộc công nghệ sinh học ở giai đoạn thương mại cho biết, những lo ngại về đạo luật HFCAA đã khiến họ chuyển công việc kiểm toán từ Ernst & Young Hua Ming ở Thượng Hải sang văn phòng E&Y ở New Jersey trong năm 2022.

Theo Tina Carter, người đứng đầu bộ phận truyền thông doanh nghiệp tại Legend Biotech: Khi luật giải trình có hiệu lực, chúng tôi bắt đầu chuyển đổi từ một hãng kế toán có trụ sở tại Trung Quốc sang một hãng kế toán đã đăng ký với PCAOB có trụ sở tại Mỹ. Quá trình này hiện đã hoàn tất.

ACM Research đã chuyển công việc kế toán sang Armanino ở San Ramon, California, từ BDO China Shu Lun Pan ở Thâm Quyến vốn phục vụ hãng cung cấp vật liệu chip từ năm 2015. ACM nói đã thực hiện động thái này để không còn phải tuân theo hướng dẫn hủy niêm yết liên quan của luật HFCAA.

Trong báo cáo thường niên, hãng môi giới bất động sản trực tuyến Fangdd Network niêm yết trên Nasdaq cho biết, từ tháng 7/2022 họ đã chuyển sang Audit Alliance of Singapore từ KPMG Huazhen – một trong những công ty bị PCAOB chỉ trích vào tuần trước. Báo cáo của Fangdd không đưa ra lý do cho sự thay đổi.

Melco Resorts & Entertainment và Studio City International Holdings, chi nhánh được niêm yết của tài phiệt sòng bạc Lawrence Ho ở Macao đã chuyển từ văn phòng E&Y ở Hồng Kông (Trung Quốc) sang một văn phòng ở Singapore. Trong báo cáo hàng năm, cả hai công ty đều lưu ý rằng, E&Y Singapore không phải là công ty được PCAOB xác định.

Mercurity Fintech Holdings cho biết, họ đã chuyển từ công ty kiểm toán Shanghai Perfect sang Onestop Assurance PAC của Singapore, đồng thời lưu ý rằng công ty này đã đăng ký với PCAOB và đã được PCAOB kiểm tra một cách thường xuyên.

Gần đây, PCAOB đã công bố kết quả kiểm tra đối với KPMG Huazhen và PwC Hong Kong và thông báo đã tìm thấy sai sót không thể chấp nhận được trong 7 cuộc kiểm toán với hai công ty này.

KPMG Huazhen cho biết rằng họ thừa nhận những phát hiện của PCAOB sau khi kiểm tra. Còn PwC cho biết họ đang làm việc với PCAOB để giải quyết các vấn đề.

KPMG Huazhen và PwC Hồng Kông đã kiểm toán 40% cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ theo vốn hóa thị trường. Chủ tịch Erica Williams của PCAOB nói rằng, các cuộc thanh tra của cơ quan này đang trên đà đạt 99% tổng thị phần vào cuối năm nay.

Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phạt Deloitte và đình chỉ văn phòng tại Bắc Kinh trong ba tháng, với lý do thiếu sót kiểm toán nghiêm trọng trong công việc với China Huarong Asset Management, một trong những công ty quản lý nợ xấu lớn nhất ở Trung Quốc.

Nana Li, người đứng đầu bộ phận quản lý và phát triển bền vững châu Á – Thái Bình Dương tại Impax Asset Management, nhận định rằng: Hiện giờ các hãng kiểm toán Big Four (gồm Deloitte, E&Y, KPMG và PwC) sẽ rất khó khăn trong việc giữ chân nhiều khách hàng ở đại lục mặc dù họ đã có quá trình hợp tác lâu dài ở thị trường này.

Tin bài liên quan