Các ngân hàng Mỹ đang bơi trong tiền mặt

Tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ tăng vọt kể từ tháng 1, sau khi chính phủ Mỹ tung tiền cứu trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19, dẫn tới nguy cơ lạm phát.
Các ngân hàng Mỹ có thêm khoảng 2.000 tỷ USD tiền gửi kể từ tháng 1. Ảnh: Fortune.

Các ngân hàng Mỹ có thêm khoảng 2.000 tỷ USD tiền gửi kể từ tháng 1. Ảnh: Fortune.

Theo CNBC, dữ liệu từ Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) mới đây cho biết khoảng 2.000 tỷ USD tiền mặt đã được bơm vào các ngân hàng Mỹ thông qua các khoản tiền gửi kể từ tháng 1, khi dịch virus corona chủng mới bắt đầu xuất hiện và bùng phát trên toàn thế giới.

Đặc biệt, dữ liệu cho thấy chỉ riêng trong tháng 4, tiền gửi ngân hàng đã tăng thêm 865 tỷ USD - nhiều hơn kỷ lục từng được ghi nhận trước đó.

Brian Foran, nhà phân tích đến từ tổ chức nghiên cứu Autonomous Research, cho biết lượng tiền mặt tại các ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng phi thường. “Các ngân hàng Mỹ đang ngập trong tiền mặt, họ giống như vịt Scrooge đang bơi trong bể tiền”, chuyên gia nhận định.

Hệ thống “siêu ngân hàng” tại Mỹ - vốn đã sống sót từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 - chính là đối tượng được hưởng lợi “mặn” từ các khoản tiền gửi siêu lợi nhuận này. Đây cũng là nơi sở hữu lượng khách hàng bán lẻ nhiều nhất nước Mỹ.

Theo FDIC, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại hệ thống siêu ngân hàng đạt mức cao kỷ lục lên tới 33% trong tháng 4. Cùng lúc đó, mức thu nhập cá nhân cũng tăng lên 10,5%.

Thực tế, từ khi chính phủ Mỹ thực hiện đóng cửa nhiều thành phố kể từ tháng 3 nhằm đối phó với dịch Covid-19, một số tập đoàn như Boeing và Ford lập tức đã thu được hàng chục tỷ USD từ tín dụng.

Ban đầu, số tiền trên được gửi vào các ngân hàng cung cấp các khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp. Tình trạng quá tải tiền mặt cũng xảy ra tương tự tại các ngân hàng lớn thông qua gói hỗ trợ tiền lương trị giá 660 tỷ USD của chính phủ.

Trả lời phỏng vấn của CNBC, giám đốc điều hành Bank of America cho biết các tài khoản có số dư dưới 5.000 USD trong tháng trước đã tăng thêm 40% so với trước khi có dịch.

Trong khi sự bùng nổ tiền gửi tại các ngân hàng đang được xem là biện pháp xoa dịu nỗi đau kinh tế từ đại dịch, việc nới lỏng chi tiêu của chính phủ Mỹ có thể gây ra nhiều hậu quả đáng lo ngại.

Nhiều chuyên gia dự báo về viễn cảnh mất giá của đồng bạc xanh và tỷ lệ lạm phát gia tăng, trong khi một số người khác cho rằng đây có thể châm ngòi cho hiện tượng “bong bóng thị trường chứng khoán” xảy ra trong tương lai.

Tin bài liên quan