Các ngân hàng trung ương đối mặt với lựa chọn nan giải giữa kiểm soát lạm phát hay tăng trưởng kinh tế

Các ngân hàng trung ương đối mặt với lựa chọn nan giải giữa kiểm soát lạm phát hay tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương đã giải cứu nền kinh tế thế giới khỏi suy thoái khi đại dịch xảy ra. Bây giờ họ đang phải đối phó với việc quản lý sự phục hồi trong bối cảnh khác biệt quan điểm với các nhà đầu tư.

Sự lạc quan rằng vắc xin Covid-19 và gói kích thích liên tục của chính phủ giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất trong một thế kỷ đã khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt và lo ngại về lạm phát gia tăng ở Mỹ lên mức cao nhất trong một thập kỷ.

Điều đó đang làm thay đổi nền tảng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ, những người hứa hẹn sẽ duy trì chi phí đi vay ở mức thấp nhất và tiền rẻ vào quá trình chính sách tiền tệ mở rộng.

Trong hai tuần tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như các ngân hàng trung ương ở Nhật Bản, Anh và Canada đều có khả năng sẽ nhắc lại những cam kết đó với mong muốn đảm bảo sự phục hồi thị trường việc làm và tránh những sai lầm của cuộc khủng hoảng vừa qua khi một số rút hỗ trợ quá sớm.

Rủi ro bây giờ dường như lệch theo hướng khác

Trong khi các nhà hoạch định chính sách hoan nghênh lợi suất trái phiếu tăng khiêm tốn như một tín hiệu tin tưởng vào triển vọng kinh tế, họ lo ngại một bước nhảy không được kiểm soát của lợi suất trái phiếu sẽ làm giảm sự phục hồi.

Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, bất kỳ sự hồi sinh nào của lạm phát sẽ dựa trên sự điều chỉnh tạm thời từ đợt trượt giá năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp cao, điều này sẽ làm hạn chế áp lực lên giá cả.

Rob Carnell, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ING Bank NV cho biết: “Các ngân hàng trung ương đang đối mặt với một thách thức mới. Làm thế nào để họ tiếp tục biện minh cho chính sách dễ dàng khi sự phục hồi tiếp tục và số liệu lạm phát tăng lên?".

Ngân hàng trung ương Canada, ECB

Ngân hàng trung ương Canada sẽ có cuộc họp vào ngày 10/3 khi các nhà hoạch định chính sách có khả năng cho biết họ có kế hoạch duy trì nhiều biện pháp kích thích để giúp phục hồi kinh tế mạnh mẽ.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ triệu tập các quan chức vào ngày 11/3 khi các dự báo cập nhật sẽ làm nổi bật nền kinh tế khu vực đồng euro đang tụt hậu như thế nào so với Mỹ vì việc triển khai vắc xin chậm và mở rộng các biện pháp hạn chế xã hội. Điều đó khiến EU gặp rủi ro nếu lợi suất toàn cầu cao hơn đổ vào chi phí vay vốn cho các công ty và hộ gia đình.

Áp lực của Chủ tịch Fed

Tại cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 16/3 và 17/3, Chủ tịch Jerome Powell có thể sẽ tái khẳng định sự nới lỏng của mình để có lập trường dài hơn. Ông Powell trước đó liên tục nhấn mạnh rằng Fed còn một chặng đường dài so với các mục tiêu của mình và chưa quay lại chính sách thắt chặt.

Ông cũng cho biết khả năng lạm phát tăng trong năm nay là hạn chế và đặt câu hỏi về cách ứng phó có thể xảy ra đối với sự gia tăng mạnh gần đây của lợi suất.

Mặc dù động thái này đã “thu hút” sự chú ý của Fed nhưng ông cho biết chính sách của Fed hiện là phù hợp, mặc dù Fed có các công cụ để phản ứng nếu có thay đổi quan trọng trong triển vọng.

Theo Bloomberg, với Mỹ, lợi suất trái phiếu tăng phần lớn là sự phản ánh niềm tin vào sức mạnh của sự phục hồi. Nhưng đối với phần lớn phần còn lại của thế giới, sự lan tỏa của chi phí đi vay cao hơn sẽ đến sớm hơn dự kiến. Những ngân hàng trung ương khác cũng có thể phải điều chỉnh điều chỉnh lại chính sách.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản, Trung Quốc

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 18/3 và 19/3, các quan chức dự kiến ​​sẽ tiết lộ chi tiết một cuộc đánh giá chính sách để xem xét cách kiểm soát lợi suất và mua tài sản. Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết BOJ đang tìm cách làm cho khung chính sách của mình hiệu quả hơn bằng cách điều chỉnh thay vì đại tu.

Ông cũng đã báo hiệu rằng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào đối với phạm vi chuyển động xung quanh mục tiêu lợi suất trái phiếu 10 năm. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Masayoshi Amamiya đã thông báo vào thứ Hai (8/3) rằng BOJ có thể tìm cách cho phép nhiều động thái hơn về lợi suất.

Trong khi các ngân hàng trung ương của các quốc gia phát triển có thể sẽ thống nhất trong việc cam kết các biện pháp kích thích liên tục, các quan chức của Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu ngược lại.

Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cho biết vào ngày 2/3 rằng, ông “rất lo lắng” về những rủi ro xuất hiện từ bong bóng trên thị trường tài chính toàn cầu và lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, ông cũng đặt ra kỳ vọng về việc cắt giảm chính sách.

Kế đó, việc chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng thận trọng trên 6% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với những gì các nhà kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ đạt được khi Thủ tướng Lý Khắc Cường khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Bắc Kinh hôm thứ Sáu (5/3).

Sự căng thẳng giữa lạm phát và tiền giá rẻ đã buộc một số ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi phải điều chỉnh chính sách. Ukraine bất ngờ tăng lãi suất để chống lại lạm phát cao nhất trong hơn một năm. Brazil được dự báo sẽ bắt đầu tăng chi phí đi vay vào ngày 17/3 và đã cam kết vào tháng 8 sẽ giữ mức lãi suất 2% cho “tương lai gần”.

Tin bài liên quan