Các ngoại trưởng G7 nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
Tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine, khẳng định sẽ duy trì sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như các nước khác.
Các ngoại trưởng G7 tham dự hội nghị tại Weissenhaus, bang Schleswig-Holstein, Đức ngày 13/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các ngoại trưởng G7 tham dự hội nghị tại Weissenhaus, bang Schleswig-Holstein, Đức ngày 13/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/5, các ngoại trưởng Nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kết thúc hội nghị sau 3 ngày làm việc tại Weissenhaus, bang Schleswig-Holstein của Đức. Tuyên bố chung được đưa ra hội nghị nhấn mạnh vấn đề an ninh lương thực, sự ủng hộ đối với Ukraine cũng như đưa ra lập trường thống nhất đối với Nga liên quan tình hình Ukraine hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine, khẳng định sẽ duy trì sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như các nước khác.

G7 cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và quốc phòng cho Ukraine chừng nào cần thiết. Trong tuyên bố chung, các ngoại trưởng G7 cảnh báo về tác động nghiêm trọng từ cuộc xung đột này đối với an ninh lương thực, nhất là ở châu Phi và Trung Đông, điều có thể dẫn tới mất an ninh lương thực và gây ra nạn suy dinh dưỡng, đặc biệt với những khu vực dễ bị tổn thương nhất.

G7 cảnh báo nguy cơ 43 triệu người rơi vào nạn đói, đồng thời kêu gọi Nga chấm dứt lệnh phong tỏa đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Ngoài ra, theo các ngoại trưởng G7, việc chi phí giá cả đều gia tăng cũng gây khó khăn cho các tổ chức cứu trợ trong nỗ lực giúp đỡ những người đang gặp khó khăn nhất. Xung đột tại Ukraine cũng đang làm xấu đi triển vọng kinh tế toàn cầu với giá thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng tăng vọt.

Phát biểu với báo giới sau khi hội nghị kết thúc, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng ngũ cốc khi tình trạng phong tỏa các cảng ở Ukraine khiến ngũ cốc không thể xuất khẩu.

Trước khi diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng G7, bà Baerbock cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến 25 triệu tấn ngũ cốc bị phong tỏa tại các cảng ở Ukraine, đặc biệt là ở Odessa. Số ngũ cốc này đang rất cần cho các nước châu Phi và Trung Đông.

Ukraine là một trong những nhà cung cấp ngũ cốc quan trọng nhất trên toàn thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), trong năm 2021, Ukraine vẫn là nhà xuất khẩu lúa mạch lớn thứ 3 và nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 thế giới.

Tin bài liên quan