Các nhà bán lẻ có thể kỳ vọng người tiêu dùng Việt mua hàng online thường xuyên hơn

Các nhà bán lẻ có thể kỳ vọng người tiêu dùng Việt mua hàng online thường xuyên hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ vào danh mục sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp và nhà bán lẻ có thể kỳ vọng gia tăng doanh số từ việc người tiêu dùng có thể mua hàng online thường xuyên hơn.

Đây là thông tin được chia sẻ tại diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023: Xu hướng và thị trường bán lẻ" do Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Canh tranh (BCSI) phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức sáng 28/6 tại Hà Nội.

Thống kê từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cung cấp số liệu cho thấy, doanh thu trong lĩnh vực này đã tăng từ 5 tỷ USD năm 2019 lên 16,4 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt mức 32 tỷ USD vào năm 2025.

Chỉ tính riêng quý I/2023, doanh thu tại một số sàn thương mại điện tử như sau: Shopee đạt 24.700 tỷ đồng, với 289,7 triệu sản phẩm; Lazada đạt 7.500 tỷ đồng, với 55,2 triệu sản phẩm; TikTok Shop đạt 6.000 tỷ đồng, với 42,1 triệu sản phẩm;, Tiki đạt 846,5 tỷ đồng, với 2,8 triệu sản phẩm; và Sendo đạt 55 tỷ đồng, với 290.000 sản phẩm.

Trong đó, phân khúc giá 100.000-200.000 đồng và 200.000-500.000 đồng đem lại doanh thu cao nhất ở tất cả sàn thương mại điện tử trong 3 tháng đầu năm; còn phân khúc 10.000-50.000 đồng đem lại sản lượng bán hàng lớn nhất tại cả 5 sàn thương mại điện tử trên.

Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023: Xu hướng và thị trường bán lẻ"

Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023: Xu hướng và thị trường bán lẻ"

Một khảo sát của Q&Me với 307 người thường xuyên mua sắm trực tuyến trong độ tuổi 18 - 39 cho thấy, 40% số này có hành vi mua sắm vài lần/tuần, 25% mua một lần/tuần, 24% mua hàng online một lần trong vòng 2 - 3 tuần và chỉ có 12% mua một lần mỗi tháng.

Theo ông Đỗ Văn Việt – Trưởng phòng Thương mại điện tử tại Ban phát triển nguồn nhân lực Vecom, kết quả trên được ghi nhận là nhờ vào sự lên ngôi của Live Commerce để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như tiktok, facebook…

Để có thể thích ứng với xu thế của kinh tế số, các chủ cửa hàng, đại lý, hộ kinh doanh đã phải đầu tư công nghệ, tuyển dụng các vị trí mới mà trước đây không xuất hiện ở loại hình kinh doanh truyền thống như: Người mẫu livestream, biên tập viên... để xây dựng đội ngũ bán hàng online. Các vị trí này sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các buổi bán hàng online.

Bên cạnh xu hướng mua hàng online, nhu cầu tiêu dùng bền vững của người tiêu dùng gia tăng là một trong ba động lực thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững trong doanh nghiệp.

Dẫn khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bà Trịnh Nguyễn Ngọc Linh - Quản lý cấp cao Dự án Intage Việt Nam cho biết, người tiêu dùng quan tâm và tin tưởng các sản phẩm bền vững sẽ giúp tiết kiệm chi phí về mặt lâu dài mặc dù có thể có chi phí ban đầu cao hơn. Sức khỏe và an toàn của bản thân và gia đình là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng có xu hướng chọn các sản phẩm hữu cơ và tự nhiên để tránh tiếp xúc với hóa chất và độc tố.

"Đặc biệt, có tới gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội. 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường", bà Linh nhấn mạnh.

Với những thay đổi trong hành vi mua sắm, theo Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng của NielsenIQ Việt Nam – bà Đỗ Thu Hà, người tiêu dùng kỳ vọng các doanh nghiệp có sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường.

Khảo sát của NielsenIQ chỉ ra rằng, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng. Tỷ lệ tương tự đánh giá là rất quan trọng. Trong khi đó, chỉ có 3% người tiêu dùng cho rằng điều này không quan trọng.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, xu hướng “xanh”, phát triển bền vững đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.

"Bởi người tiêu dùng chính là chủ thể chính mà thị trường bán lẻ thực phẩm, nông sản, sản phẩm tiêu dùng nhắm đến. Chính vì thế, những đạo luật về cuỗi cung ứng, thuế các bon… được đưa ra nhiều hơn, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng chất lượng hơn và phải đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu", TS Võ Trí Thành chia sẻ.

Ngoài ra, nhờ những mô hình kinh doanh mới mà chuyển đổi số đem lại, có những khía cạnh doanh nghiệp có thể bắt nhịp được, dù trong trung hạn có thể sẽ tốn kém nhưng về mặt dài hạn, chuyển đổi số mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho thị trường bán lẻ.

Tin bài liên quan