Các quỹ đầu tư lớn trước cơn bão khủng hoảng tài chính

Các nhà phân tích nhận định rằng, với số vốn lên tới gần 2.000 tỷ USD, các quỹ đầu tư lớn (hedge fund) chắc chắn sẽ phải chịu tác động từ cơn bão tài chính đang hoành hành tại Mỹ.

Hedge fund là quỹ đầu tư lớn với các chiến lược đầu tư tiên tiến, như đầu cơ giá lên, giá xuống... trên thị trường trong nước và quốc tế, với mục đích lớn nhất là tối đa hóa lợi nhuận. Khác với các quỹ đầu tư tương hỗ, các quỹ này có tính đại chúng thấp (chỉ gồm một ít các nhà đầu tư siêu giàu), tính thanh khoản thấp (các nhà đầu tư phải lưu giữ tiền trong quỹ trong thời gian nhất định ít nhất 1 năm) và không bị quản chế quá chặt bởi các quy định. "Hedging" nguyên thủy có nghĩa là giảm rủi ro, nhưng vì sử dụng nhiều chiến lược đầu cơ với mục đích tối đa hóa lợi nhuận, nên các hedge fund ngày nay phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

 

Theo báo Le Monde (Pháp) số ra mới đây, tháng 6/07, cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn subprimes đã mở màn bằng một tin xấu là ngân hàng đầu tư Bear Stearns thông báo hai quỹ đầu tư lớn đã bị mất gần hết vốn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều quỹ đầu tư khác tiếp tục ăn nên làm ra, như RAB Special Situations, một quỹ từng được tạp chí tài chính Barron's trong số ra vào tháng 10/07 đánh giá là quỹ đầu tư tốt nhất thế giới do đã thu được lợi nhuận tới 47% trong ba năm. Nhưng gió đã đổi chiều. Mùa hè năm nay, nhà quản lý của RAB là Philip Richards đã phải từ chức sau khi giá trị cổ phiếu của quỹ này giảm thê thảm. Tờ Thời báo Chủ nhật của Anh đã tiết lộ nhiều khoản đầu tư lớn rủi ro của quỹ, trong đó có thương vụ bỏ tiền vào ngân hàng Northern Rock và mua lại giải đua công thức 1 tại Anh (A1 GP). Cổ phiếu của quỹ niêm yết trên Thị trường Đầu tư Thay thế Luân Đôn đã mất giá tới 70% kể từ đầu năm 2008 đến nay.

 

RAB không phải là trường hợp cá biệt. Công ty quản lý quỹ Mỹ Ospraie Management, nạn nhân của sự thăng trầm trên thị trường nguyên liệu, đầu tháng 9 vừa qua đã tuyên bố đóng cửa một trong những ngôi sao một thời của họ, quỹ đầu tư Ospraie Fund Ltd. Quỹ Atticus mới đây cũng đã phải lên tiếng cải chính tin đồn về việc họ đang tìm cách tẩu tán gấp tài sản. Chuyên gia kinh tế Paul Jorion nói: "Các nhà đầu tư đang giữ các lợi cổ phiếu như của Atticus lo ngại quỹ bán bớt tài sản để cứu vãn phần nào trước khi rớt giá. Tiếp đó, sẽ có các nhà đầu tư khác sẽ đầu cơ giá xuống đối với các loại cổ phiếu này, đặt cược vào khả năng nó sẽ bị rớt giá, do vậy khiến cho tốc độ mất giá cổ phiếu càng diễn ra nhanh hơn".

 

Sau vụ đổ vỡ của Ngân hàng Bear Stearns, vụ phá sản của đối thủ cạnh tranh Lehman Brothers và hãng bảo hiểm AG lâm vào khó khăn, sẽ rất bất ngờ nếu các hedge fund, tác nhân quan trọng kích thích tạo ra bong bóng tài chính, có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay bình an vô sự. Bị kiểm soát rất ít hoặc gần như không bị kiểm soát và điều hành chủ yếu từ Niu Yoóc, Luân Đôn nhưng hai phần ba các hedge fund đặt trụ sở ở các nước khác - chủ yếu là đảo Caiman. Những tác nhân kín đáo này đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến những phát kiến mới trong ngành tài chính những năm gần đây, như kỹ thuật trái phiếu hóa nợ, đầu tư vào các sản phẩm chứng khoán phái sinh mập mờ. Họ cũng tham gia cả vào hệ thống ngân hàng thị trường, song song với hệ thống ngân hàng giữ tiền, vốn chứa đựng tất cả các loại rủi ro. Là tác giả gây nên khủng hoảng nhưng nó đang dần dần biến thành nạn nhân và có thể là tác nhân khuyếch đại khủng hoảng, mặc dù có một số quỹ sẽ gặt hái được lợi nhuận như Quỹ đầu tư mang tên của nhà đầu tư tài ba John Paulson. Quỹ đầu tư này đã thắng lớn từ sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn.

 

Tiền đầu tư vào các hedge fund không dễ lấy ra, vì mỗi quỹ quy định một khoảng thời gian đầu từ nhất định. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể khẳng định, thường vào cuối tháng 9, họ sẽ rút khỏi quỹ vào cuối năm hay không. Chuyên gia Paul Jorion cho rằng, nguy cơ lớn nhất đối với các quỹ là phải bán bớt cổ phần trong các công ty đang làm ăn thịnh vượng để huy động tiền mặt. Trong một báo cáo đưa ra ngày 16/9, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Société Générale (Pháp), Claudia Panseri và Guy Stear, cho rằng việc các nhà đầu tư rút tiền mặt ồ ạt ra khỏi các quỹ đầu tư sẽ đẩy nhanh hiện tượng "buộc phải bán" như vậy. Hai chuyên gia này cho biết các quỹ đầu tư hiện nay đang trong trạng thái bị rút bớt vốn và đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng này, kể từ khi mô hình này phát triển thành thị trường phổ biến trong thập kỷ 1990 đến nay.

 

Theo cuộc điều tra do tạp chí chuyên ngành Absolute Return tiến hành đối với các quỹ có giá trị tài sản trên 1 tỷ USD và tương đối vững chắc, cổ phiếu của các quỹ đầu cơ chỉ tăng 4,3% trong quý I/08, so với 10% trong quý II/07 và 23% trong quý I/07. Tài sản của 35% số hedge funds đã bị giảm bớt do kết quả kinh doanh hạn chế và cổ đông rút bớt vốn. Một số chuyên gia nghi ngờ số liệu liên quan đến lợi nhuận do các quỹ công bố chưa chắc đã chính xác do tính chất không rõ ràng của họ. Tuy vậy, cũng có thể thấy rằng kết quả kinh doanh trong mùa hè này đã giảm sút rõ rệt.

 

Mô hình quản lý của các quỹ đầu tư - gần như không liên quan gì đến các chỉ số tài chính - cũng là điều cần xem xét. "Đối với hoạt động đầu tư giữa phiên cũng như quản lý vốn, các hedge fund sử dụng cơ chế bù trừ nguồn thu từ các sản phẩm tài chính khác nhau. Thế nhưng cơ chế này không hoạt động trơn tru, vì cơ sở dữ liệu không đáng tin cậy", ông Jorion giải thích. "Về nguyên tắc, tất cả các sản phẩm không tương quan chỉ số với nhau, nhưng trên thực tế, chúng vẫn bù trừ được cho nhau vì chúng đều giảm".

 

Phải đối mặt với sự thờ ơ của các nhà đầu tư và nguy cơ thua lỗ, các hedge fund đã cắt giảm phạm vi đầu tư. Họ cũng bị tác động bởi tình hình hiện nay của các hãng môi giới hàng đầu , các ngân hàng đầu tư. Ông Xavier Lépine, Chủ tịch tập đoàn quản trị UFG và chi nhánh UFG Alteram, cho biết các ngân hàng hạn chế cho các quỹ đầu cơ vay tiền và tăng chi phí bên lề (như bảo lãnh cho các hoạt động kỳ hạn), vì thế vay tiền ngày càng khó khăn hơn. Viễn cảnh sẽ tái diễn vụ sụp đổ của quỹ LTCM hồi năm 1998 - quỹ này đã vay số tiền lớn gấp 25 lần khả năng tài chính của họ với hy vọng tạo ra một cú nhảy vọt lớn trên thị trường tài chính-, vẫn luẩn quẩn đâu đó trong suy nghĩ của nhiều người. Bởi tác động từ cuộc khủng hoảng sẽ rất lớn. Ông Lespine giải thích: "Người ta vẫn cho rằng có nhiều cổ phiếu đã bị định giá quá cao hoặc quá thấp nhưng không ai muốn mạo hiểm lao vào những rủi ro mới nữa".