Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế của Mỹ sẽ làm sáng tỏ hơn về xu hướng lãi suất trong tương lai trong khi báo cáo lợi nhuận từ các công ty lớn nhất của Mỹ sẽ kiểm tra đà phục hồi của cổ phiếu công nghệ trong năm nay.

Dữ liệu kinh tế Mỹ

Các nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá liệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát hay không sau đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản đang được thị trường đồng thuận tại cuộc họp chính sách tháng 5. Nhiều người kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay để nới lỏng sự kìm kẹp của chi phí đi vay cao hơn đối với nền kinh tế.

Số liệu GDP quý I của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm (27/4) và dữ liệu lạm phát ưa thích của Fed, chỉ số giá PCE lõi sẽ được công bố vào thứ Sáu (28/4) là những dự liệu sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Dữ liệu GDP dự kiến sẽ chỉ ra sự tăng trưởng vững chắc khi chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh. Trong khi chỉ số giá PCE toàn phần dự kiến sẽ giảm, chỉ số PCE lõi được dự báo sẽ vẫn tăng.

Lịch kinh tế cũng có các báo cáo về niềm tin của người tiêu dùng, đơn đặt hàng lâu bền, doanh số bán nhà mới và đang chờ xử lý, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và hoạt động sản xuất trong khu vực.

“Nếu lạm phát cơ bản thực sự đang chạy với tốc độ 4% - 6%, thì ngay cả mức lãi suất cho vay cao nhất là 5,25% cũng hầu như không đủ. Tuy nhiên, các quan chức Fed gần đây chỉ ra một tâm lý được chia sẻ trên FOMC rằng sự kết thúc của chu kỳ thắt chặt hiện tại đã gần kề, với một gợi ý mạnh mẽ về một lần tăng 25 điểm cơ bản cuối cùng tại cuộc họp tháng 5”, chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Mùa báo cáo KQKD

KQKD từ một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ sẽ được công bố vào tuần này, đây sẽ là phép thử quan trọng đối với thị trường khi các nhà đầu tư đang theo dõi xem liệu mức tăng mạnh trong lĩnh vực công nghệ từ đầu năm đến nay có hợp lý hay không.

Các công ty lớn nhất của Mỹ theo giá trị thị trường là Microsoft, Alphabet và Amazon, Meta sẽ công bố KQKD vào tuần này.

Các nhà đầu tư đã hướng tới các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng trong năm nay với suy nghĩ rằng Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất và lĩnh vực này sẽ vẫn kiên cường khi tăng trưởng chậm lại. Điều này đã giúp củng cố thị trường chứng khoán bất chấp những lo ngại về khả năng suy thoái và cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng trước do sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng lớn của châu Âu sẽ báo cáo KQKD trong tuần này, bao gồm UBS, Deutsche Bank, Santander và Barclays.

Báo cáo lợi nhuận được đưa ra sau quý đầu năm vô cùng hỗn loạn đối với các ngân hàng sau sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực của Mỹ vào tháng trước và sự sụp đổ đầy kịch tính của Credit Suisse và sự tiếp quản vội vàng của UBS.

Sự hỗn loạn này đã xóa sạch gần 180 tỷ USD vốn hoá thị trường của các ngân hàng châu Âu tại một thời điểm. Kể từ đó, lĩnh vực này đã phục hồi nhưng vẫn có giá trị thấp hơn 70 tỷ USD so với trước khi SVB sụp đổ vào đầu tháng 3.

GDP khu vực đồng tiền chung châu Âu

Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ công bố dữ liệu GDP quý I vào thứ Sáu (28/4), trong khi báo cáo lạm phát tháng 4 từ các nền kinh tế lớn nhất khu vực Đức, Pháp và Tây Ban Nha sẽ được công bố vào cùng ngày.

Dữ liệu kinh tế gần đây đã chỉ ra rằng mặc dù nền kinh tế của khối vẫn có khả năng phục hồi nhưng lạm phát vẫn dai dẳng bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ chiếm ưu thế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể đồng nghĩa với việc áp lực tiền lương vẫn tăng cao, cản trở nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

ECB dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất lần thứ bảy liên tiếp tại cuộc họp tháng 5 sắp tới, với hầu hết các nhà phân tích mong đợi mức tăng 25 điểm cơ bản, mặc dù mức tăng lớn hơn vẫn chưa được loại trừ.

Thống đốc mới của BOJ

Thống đốc mới của Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda sẽ chủ trì cuộc họp chính sách đầu tiên vào thứ Sáu (28/4) và trong khi các nhà phân tích không mong đợi bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách tiền tệ cực kỳ ôn hòa của ngân hàng trung ương, họ vẫn cảnh giác về bất kỳ động thái bất ngờ tiềm ẩn nào.

Thị trường đang quan tâm chặt chẽ tới ông Ueda về cách ông có thể lèo lái BOJ khỏi chương trình kích thích khổng lồ được áp dụng trong thập kỷ qua mà không gây rủi ro cho sự ổn định của thị trường.

Lạm phát của Nhật Bản đang vượt xa ước tính nhưng những bình luận của ông Ueda trong những tuần gần đây cho thấy ông tin rằng các chương trình kích thích tiền tệ vẫn phù hợp cho đến thời điểm hiện tại.

Tin bài liên quan