Các vấn đề cần chú ý sau tái cấu trúc của mỗi ngân hàng

Các vấn đề cần chú ý sau tái cấu trúc của mỗi ngân hàng

(ĐTCK) Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam sau một thời gian phát triển và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế quốc gia đã bộc lộ một số vấn đề lớn, đòi hỏi những cải cách, điều chỉnh cho phù hợp, hướng tới việc hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc tái cấu trúc nền kinh tế, từ tháng 10/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã triển khai các biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - 1 trong 3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế, bên cạnh tái cơ cấu DNNN và đầu tư công. Chủ trương này đã góp phần tích cực trong việc nâng cao tính hiệu quả và lành mạnh của hệ thống ngân hàng nói riêng; đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế nói chung.

Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống NHTM, đâu là diện mạo mới, đâu là những khó khăn và thách thức của các ngân hàng sau thời gian tái cơ cấu? Liệu các ngân hàng buộc phải tái cấu trúc đã thật sự vượt qua khủng hoảng và đang trên đà phát triển, hay quá trình tái cấu trúc cần được tiếp tục triển khai trong thời gian sắp tới với những cách thức khác biệt và sâu rộng hơn? Nhìn lại các ngân hàng tái cơ cấu, chúng ta thấy họ đều gặp một số vấn đề chính khi bắt đầu tái cơ cấu.

Thứ nhất, về chất lượng tài sản, dù là ngân hàng tự nguyện tái cấu trúc hay bị NHNN bắt buộc thực hiện tái cấu trúc, đây đều là những ngân hàng có chất lượng tài sản kém: tín dụng tăng trưởng “nóng” trong khi cấu trúc nguồn vốn không bền vững; thậm chí, không ít ngân hàng sử dụng nguồn vốn thị trường 2 để tài trợ cho hoạt động tín dụng; tỷ lệ nợ xấu cao; thanh khoản có vấn đề; danh mục tài sản tiềm ẩn rủi ro do các ngân hàng quá tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh hay một/một vài nhóm khách hàng có liên quan, đặc biệt là nhóm khách hàng có liên quan đến các cổ đông lớn; nhiều khoản cấp tín dụng không được hạch toán đúng bản chất...

Thứ hai, một số ngân hàng phát triển quá “nóng” nên nguồn nhân lực lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh và phát triển. Các vi phạm về nội quy, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong thời gian qua ở nhiều NHTM cho thấy nhân sự là một vấn đề lớn tại các ngân hàng tái cơ cấu.

Thứ ba, tuy các NHTM đều tranh thủ mở rộng mạng lưới nhưng xét trên bình diện hệ thống ngân hàng thì mạng lưới các chi nhánh/điểm giao dịch của ngân hàng Việt Nam chưa được phân bổ hợp lý, dẫn đến lãng phí nguồn lực của xã hội. Ngoài ra, với vai trò là kênh phân phối, mạng lưới của đa số ngân hàng còn mang tính truyền thống, chưa tận dụng được lợi thế mà công nghệ thông tin mang lại cho nghiệp vụ ngân hàng điện tử.

Thứ tư là cơ sở hạ tầng và công nghệ. Những ngân hàng tái cấu trúc chưa có nền tảng công nghệ đủ mạnh để đảm bảo chất lượng, dịch vụ, khiến các ngân hàng ở vào thế bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh các dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phát triển, công nghệ chiếm vai trò chủ chốt trong thành công của dịch vụ tài chính ngân hàng.

Thứ năm là văn hóa doanh nghiệp. Đây là vấn đề đặc trưng của những ngân hàng tái cơ cấu qua hình thức mua lại/sáp nhập, đội ngũ nhân lực từ các ngân hàng khác nhau gặp nhiều khó khăn để phối hợp tác nghiệp trong một tổ chức mới. Việc thiếu một định hướng, tầm nhìn chung của tổ chức cũng khiến sức mạnh gắn kết của cán bộ nhân viên trong quá trình làm việc không cao.

Khi thực hiện quá trình tái cấu trúc, điều quan trọng là nhìn nhận chính xác các vấn đề tồn tại, đưa ra định hướng xử lý và triển khai định hướng đó một cách nhất quán trong suốt thời gian tái cấu trúc. Thực tiễn thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam cho thấy, tuy ở các mức độ khác nhau, nhưng các ngân hàng tái cơ cấu đều đã đạt được những thành quả nhất định trong thời gian vừa qua, đặc biệt là việc ổn định thanh khoản và đảm bảo an toàn hệ thống.

Các vấn đề cần chú ý sau tái cấu trúc của mỗi ngân hàng ảnh 1

 ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc Tài chính Ngân hàng SCB 

Tuy nhiên, xét trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, cũng như đặc thù của hệ thống NHTM thì có thể khẳng định, quá trình tái cơ cấu một NHTM cổ phần Việt Nam không hề đơn giản, phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau: khắc phục những tồn tại và vấn đề cũ; ổn định hoạt động (cải thiện chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực tài chính) và sau đó mới đến giai đoạn phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Nếu mỗi giai đoạn khắc phục - ổn định - phát triển nêu trên trung bình kéo dài từ 3-5 năm, thì phải mất 6-10 năm một ngân hàng tái cơ cấu mới có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng và phát triển. Theo đó, thời gian 2011-2015 vừa qua chỉ là giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc, với mục tiêu chính là các NHTM khắc phục những vấn đề tồn tại, dần dần ổn định hoạt động và tạo đà cho tăng trưởng trong tương lai.

Không nên quá lo ngại trước những rủi ro về tình trạng sở hữu chéo mà bỏ qua một giải pháp rất hữu hiệu trong quá trình tái cơ cấu là tiếp tục tăng vốn của các NHTM.

Trên hết, tái cấu trúc phải được thực hiện một cách kiên trì, nhất quán, theo một chiến lược rõ ràng và được truyền thông một cách hiệu quả cả ở bên trong và bên ngoài TCTD. Việc lựa chọn chiến lược sai lầm có thể khiến TCTD phải trả giá rất đắt vì những thiệt hại to lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước khi tái cấu trúc.

Trong thời gian sắp tới, các vấn đề cần chú ý với những ngân hàng đã trải qua giai đoạn đầu tiên của quá trình tái cấu trúc có thể tập trung vào những vấn đề sau:

Trước hết vẫn là chất lượng tài sản. Những giải pháp xử lý nợ xấu bao gồm cả việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong thời gian vừa qua cần được tiếp tục triển khai quyết liệt hơn, trong đó, quan trọng nhất vẫn là xây dựng được thị trường mua bán nợ với thanh khoản tốt, cơ chế hoạt động linh hoạt để thực sự xử lý được nút thắt nợ xấu. Trong quá trình xử lý nợ xấu, phần quan trọng nhất khi tái cơ cấu ngân hàng, đôi khi NHNN cần tham gia hỗ trợ sâu hơn để xử lý những vấn đề liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau. Đơn cử trường hợp một khoản nợ xấu có thể do vài ngân hàng quản lý, khi giải quyết, mỗi ngân hàng đều cố gắng giành quyền lợi cho mình, dẫn đến phát sinh những chi phí xã hội không đáng có.

Do đó, NHNN cần tham gia vào các trường hợp như vậy với vai trò đơn vị sắp xếp, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và giảm chi phí xã hội phát sinh.

Ngoài ra, việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng để đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài là một xu hướng mạnh mẽ của kinh tế hiện nay. Giải pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu TCTD tái cơ cấu với tỷ lệ chi phối có thể mang lại những lợi ích thiết thực cho chính các TCTD, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời, giúp giải quyết nhiều mục tiêu của quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD như: xử lý tình trạng sở hữu chéo, nâng cao năng lực tài chính của các TCTD, tăng cường sự minh bạch trong hoạt động.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn cần có những quy định, biện pháp và chuẩn mực nghiêm ngặt để loại trừ tác động tiêu cực của mối quan hệ giữa ban điều hành và cổ đông lớn, giữa TCTD và các công ty liên quan của cổ đông…

Các vấn đề cần chú ý sau tái cấu trúc của mỗi ngân hàng ảnh 2
Trên thực tế hiện nay, với những biện pháp kiểm tra tại chỗ, giám sát từ xa cũng như sự am tường nghiệp vụ của các chuyên gia, NHNN hoàn toàn có khả năng kiểm soát tính minh bạch của các luồng tiền khi NHTM tăng vốn. Do đó, không nên quá lo ngại trước những rủi ro về tình trạng sở hữu chéo mà bỏ qua một giải pháp rất hữu hiệu trong quá trình tái cơ cấu là tiếp tục tăng vốn của các NHTM.

Các thách thức còn lại về nhân sự, văn hóa tổ chức, mạng lưới, hạ tầng công nghệ vẫn còn tiếp tục hiện diện sau giai đoạn đầu tiên của quá trình tái cấu trúc. Trong đó, giải pháp cho các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực là rất quan trọng. Các NHTM phải tập trung hơn nữa vào khâu đào tạo một đội ngũ nhân sự, nhất là nhân sự quản lý, đảm bảo nguồn nhân lực thật sự chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực đạo đức trong ngành.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công nghệ, tận dụng sức mạnh của CNTT trong toàn bộ hoạt động ngân hàng (từ tạo sản phẩm, quản lý rủi ro đến quảng bá sản phẩm, quan hệ dịch vụ khách hàng) cũng là một trong những mục tiêu quan trọng và cấp thiết của các ngân hàng tái cấu trúc nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tái cấu trúc từng NHTM riêng lẻ không nằm ngoài bối cảnh kinh tế vĩ mô và bối cảnh của ngành ngân hàng Việt Nam. Do đó, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, với những chính sách quản lý linh hoạt, vừa củng cố vừa mang tính chất định hướng sẽ là những điều kiện quan trọng giúp các NHTM “vượt qua các bãi đá ngầm” của quá trình gian nan này, bước vững chắc từ giai đoạn “khắc phục và ổn định” sang “tăng trưởng và phát triển”.

Để kết luận, tái cấu trúc là một quá trình gồm nhiều giai đoạn mà thời gian 4 năm vừa qua (2011-2015) mới chỉ là giai đoạn đầu tiên, sau giai đoạn này, tuy các ngân hàng tái cấu trúc đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần chú ý để có những gói giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn. Cải thiện chất lượng tài sản, giải quyết về cơ bản nợ xấu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kiện toàn bộ máy kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro…, tất cả đều cần sự tham gia của NHNN và các cơ chế chính sách liên quan.

Chúng ta kỳ vọng trong thời gian 3 - 5 năm nữa, các NHTM tái cấu trúc trong thời gian vừa qua sẽ hoàn thành việc ổn định kinh doanh, giải quyết tận gốc các vấn đề chính của lý do tái cấu trúc, từ đó vững vàng bước vào giai đoạn tăng trưởng và phát triển thực sự.

Ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc Tài chính Ngân hàng SCB

Tin bài liên quan