Xuất khẩu là một trong những điểm sáng kinh tế 5 tháng đầu năm.

Xuất khẩu là một trong những điểm sáng kinh tế 5 tháng đầu năm.

Các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong giai đoạn thiếu vắng thông tin từ doanh nghiệp, những tín hiệu lạc quan từ vĩ mô đang trở thành bệ đỡ cho thị trường chứng khoán.

Điểm sáng vĩ mô

Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 5, chỉ số VN-Index đạt 1.292,68 điểm, giảm 5,42% so với tháng 4, tương ứng giảm 13,72% so với cuối năm 2021. Giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên trong tháng lần lượt đạt trên 14.951 tỷ đồng và 540,22 triệu cổ phiếu, giảm 32,40% và 20,98% so với tháng 4.

Sau cú sốc giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, ảnh hưởng bởi động thái mạnh tay chống thao túng giá cổ phiếu và kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, những thông tin vĩ mô khá tích cực đã giúp tâm lý nhà đầu tư phần nào bình tĩnh trở lại, nhất là trong giai đoạn thị trường đi vào vùng trũng thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê (GSO), CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, cùng với giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn cả 2 năm trước dịch là 2018 và 2019. Hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cùng kỳ năm ngoái đã tăng trưởng lần lượt 43% và 20%.

5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD; tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD).

Một tín hiệu hồi phục kinh tế rõ nét hơn là số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua, đạt 13.400 doanh nghiệp; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 98.600 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, các số liệu kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm nay cho thấy nền kinh tế nước ta đang được phục hồi. Bắt đầu từ quý II, tình hình sản xuất và tiêu dùng đã được cải thiện theo từng tháng.

Bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt dần lên nhờ việc tích hợp và cộng hưởng khá hài hoà của các chính sách tài khóa và tiền tệ.

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Trong quỹ đạo hồi phục, nền kinh tế đang chịu áp lực lớn do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư tăng cao nhưng lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. CPI tăng bình quân 2,25% trong 5 tháng, do đó, Chính phủ sẽ không quá khó khăn để hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, cho dù giá xăng dầu có thể sẽ vẫn được neo ở mức cao như hiện nay

“Bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt dần lên nhờ việc tích hợp và cộng hưởng khá hài hoà của các chính sách tài khóa và tiền tệ”, ông Lộc nói.

Ngoài ra, theo ông Lộc, SEAGAME 31 được tổ chức thành công không chỉ là một sự kiện thể thao thuần túy mà là “màn tiếp thị” ấn tượng để quảng bá Việt Nam với thế giới, sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam đã kể cho thế giới câu chuyện về một đất nước có khả năng chống chịu cao, biết “khiêu vũ dưới mưa” để “sống chung với bão” và đang mở cửa an toàn chào đón các nhà đầu tư và bạn bè đến từ khắp 5 châu.

Từ góc nhìn của chuyên gia chứng khoán, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận xét, nhìn một cách bình tĩnh và sâu sắc hơn, rõ ràng môi trường vĩ mô Việt Nam hiện nay tương đối hài hòa. Trong khi đó, lợi nhuận quý I của các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất tăng trưởng rất tốt. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm có tăng nhưng ở thời điểm này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước dịch bệnh năm 2019.

“Chúng ta không có bất ổn vĩ mô và áp lực tăng lãi suất, cho nên góc nhìn của tôi là nên tập trung vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đúng là chúng ta sẽ chọn lọc cẩn thận hơn trong hoạt động đầu tư, nhưng môi trường vĩ mô vẫn sẽ tươi sáng, ổn định, yếu tố vĩ mô đang thấy trong năm nay vẫn ổn định”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Điểm sáng đầu tư

Với những tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, MBS đánh giá có nhiều cơ hội đầu tư rõ ràng nhờ vào sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, định giá cổ phiếu tốt cho việc đầu tư dài hạn. Do đó, các chuyên gia đã đưa ra 5 ngành có triển vọng nên quan sát.

Nhóm bất động sản, sau hai năm bị dịch bệnh, nguồn cung về nhà ở cùng như đất nền giảm đi rất nhiều, các dự án triển khai chậm chạp. Trong quý I, nguồn cung căn hộ tại TP. HCM cũng giảm đi đáng kể nên sẽ nảy sinh cơ hội cho các doanh nghiệp có sẵn dự án để triển khai bán hàng ngay lập tức (HDG, NLG).

Tuy nhiên, chuyên gia MBS cũng nhấn mạnh việc đầu tư lúc này cần có sự chọn lọc doanh nghiệp.

Nhóm cổ phiếu điện, đây là cổ phiếu phòng ngự nhưng với đợt suy giảm vừa qua, các cổ phiếu doanh nghiệp điện đang ở mức giá đầu tư khá hợp lý. Trong năm nay, tiêu thụ điện năng trong sản xuất sẽ ở mức cao sau dịch bệnh, có thể đạt 8,5 - 8,9% trong các quý còn lại.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ được tiếp đà tăng trưởng nhờ các yếu tố vĩ mô thuận lợi. Hoạt động tăng vốn cũng là một trong những điểm nhấn chú ý của ngành trong năm 2022, khi hàng loạt ngân hàng công bố kế hoạch bán vốn cho các cổ đông chiến lược như VPB, OCB, VIB…

Nhóm tiêu dùng, bán lẻ có kết quả kinh doanh quý I ấn tượng. Đặc biệt, tăng trưởng quý III năm nay của các doanh nghiệp sẽ lớn hơn nhiều so với quý III/2021, do năm ngoái nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt trước làn sóng dịch căng thẳng, hai mã điển hình là MWG và PNJ.

Nhóm sản xuất trong nhiều lĩnh vực như dệt may, nhựa, bởi sau thời gian bị gián đoạn sản xuất vì dịch bệnh, các doanh nghiệp này sẽ phục hồi và phát triển theo đà tăng trưởng của kinh tế, có thể kể đến TNG, BMP, TLG…

Tin bài liên quan