Một bộ máy chính quyền ưu việt và được quản trị hiệu quả sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của đất nước

Một bộ máy chính quyền ưu việt và được quản trị hiệu quả sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của đất nước

Cải cách thể chế: kinh nghiệm từ Singapore, Malaysia

(ĐTCK) Để tạo được đột phá trong thực tế về cải cách thể chế cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, các quốc gia thường bắt đầu từ giải pháp then chốt đó là năng lực quản trị nhà nước. Đây cũng chính là nguyên nhân tạo nên những thành công nhất định của một số quốc gia trong khu vực như Singapore và Malaysia, mà Việt Nam có thể học hỏi.

Tìm người giỏi nhất làm việc khó khăn nhất

Thành công từ những quốc gia trong khu vực như Singapore và Malaysia trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là những kinh nghiệm tốt.

Theo đó, giải pháp then chốt là nâng cao năng lực quản trị nhà nước - “cách thức chính quyền nắm quyền lực và thực thi thẩm quyền để tạo ra các chính sách công, cũng như cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công” hoặc là “năng lực của chính quyền trong việc vạch ra và thực hiện những chính sách và khung quản lý các tương tác giữa người dân và nhà nước”.

Câu chuyện thành công của Singapore và Malaysia có điểm chung là đều tiếp thu những tinh hoa ở cả Đông lẫn Tây trên tất cả các khía cạnh quản trị, văn hóa, nguồn nhân lực.

Singapore là một đảo quốc có diện tích 660 km2, với dân số xấp xỉ 5 triệu người, nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên và có xuất phát điểm rất thấp, nhưng hiện đang là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ hai châu Á, chỉ sau Nhật Bản và nằm trong hàng ngũ các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới.

Nếu năm 1960, GDP của Singapore là 0,7 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 427 USD/năm thì đến năm 2005, GDP của đảo quốc này là hơn 116 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 26.892 USD/năm. Theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), Singapore là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất trên thế giới. 

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người đã kiến tạo nên đất nước Singapore hiện đại từng phát biểu: “Không có cách nào để vận hành một đất nước tốt hơn là dùng người giỏi nhất cho công việc khó khăn nhất”. Với quan điểm đó, ông đã tập hợp những người giỏi nhất để làm việc trong các cơ quan chính phủ, tạo ra một bộ máy hành chính ưu việt và được quản trị hiệu quả.

Ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nước, Lý Quang Diệu đã áp dụng mô hình của Tập đoàn Shell để đánh giá đội ngũ công chức của chính phủ. Bộ máy công chức được tổ chức theo nguyên tắc kỷ luật, hiệu quả, hợp lý và dựa trên năng lực. Cán bộ công chức được tuyển dụng, đề bạt cất nhắc căn cứ vào khả năng, chuyên môn thực tế, không chỉ dựa vào tiêu chuẩn bằng cấp.

Mọi cán bộ cấp cao đều phải được đào tạo bắt buộc và thường xuyên. Ông cho rằng, sự sống còn của Singapore hoàn toàn dựa vào sự liêm khiết, hiệu suất làm việc của các bộ trưởng và quan chức cao cấp của Chính phủ.

Quan điểm về xây dựng chính sách cạnh tranh của Singapore là đặt các doanh nghiệp tại Singapore (không phân biệt trong nước, nước ngoài, sở hữu) trong môi trường cạnh tranh quốc gia bình đẳng, theo kiểu chọn lọc tự nhiên.

Nhà nước không bảo hộ, nhưng ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp hoạt động trong các ngành quan trọng phát triển bằng cổ phần lớn của nhà nước. Khi các doanh nghiệp này đủ mạnh trong cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường quốc tế, nhà nước bán cổ phiếu cho người dân, như với Công ty Vận tải biển Neptune và Công ty Bus Services - hai tập đoàn lớn tại Singapore.

Chính phủ Singapore rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực với quan điểm: “Mọi cố gắng bằng không khi dân không được giáo dục và đào tạo một cách bài bản, chuẩn mực”. Vì vậy, chính sách của Chính phủ tập trung vào giải quyết vấn đề sử dụng thiết bị, phương tiện một cách có hiệu quả nhất, thay vì ồ ạt đầu tư, hiện đại hóa các phương tiện, thiết bị khi chưa đồng bộ với lực lượng sử dụng nó. 

Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho dịch vụ công

Ngay từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Chính phủ Malaysia đã liên tục tiến hành những cuộc cải cách hành chính. Chương trình cải cách được thực hiện đồng thời trên các lĩnh vực: kế hoạch, ngân sách và hệ thống tài chính; hệ thống dịch vụ công cấp liên bang; cơ cấu tổ chức và quản lý nhân sự, đất đai.

Các quyết định kịp thời về việc tăng lương, giảm bậc lương, cấp các khoản vay nhà đất với lãi suất thấp cho các công chức chính phủ đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ giới công chức và góp phần không nhỏ cho thành công trong cải cách hành chính ở tất cả các cấp.

Từ giữa thập kỷ 70, Malaysia tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống dịch vụ công bằng việc thành lập các cơ quan một cửa với tiêu chí nhanh chóng, lịch sự, trật tự và thuận lợi. Trong thập kỷ 80, việc ông Mahathir nhận chức Thủ tướng đã đánh dấu những cải cách to lớn trong lĩnh vực hành chính và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa đất nước Malaysia.

Theo đó, Chính phủ Malaysia bắt đầu áp dụng chính sách tư nhân hoá từ năm 1983. Chính sách này là một dạng chiến lược thực hành phát triển; trong đó, nhiều hoạt động trước đây dựa vào khu vực công được chuyển sang cho khu vực tư nhân.

Trong thời kỳ này, khoảng 20 dự án chủ chốt của nhà nước được tư nhân hoá dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có những phương thức như: bán cổ phần; bán tài sản; cho thuê tài sản; hợp đồng quản lý; hợp đồng xây dựng - hoạt động - chuyển giao (BOT) và xây dựng - sở hữu - hoạt động (BOO); thuê quản lý.

Việc tư nhân hoá đã có những đóng góp nhất định trong việc đạt được mục tiêu giảm bớt gánh nặng hành chính và tài chính của Chính phủ, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc. Kết quả, Malaysia được xem là một mẫu hình cho nhiều quốc gia khác. Do đó, mặc dù có nhiều lời chỉ trích trong những năm sau này, nhưng việc tư nhân hoá có thể xem là một cải cách mạnh mẽ và thành công, đem lại cho Malaysia những thành tựu kinh tế rực rỡ, giúp dần hiện thực hóa mục tiêu Malaysia trở thành quốc gia phát triển vào năm 2020.

Cùng với tiến trình tư nhân hoá, Chính phủ Malaysia thực thi hai chính sách trong cùng thập niên này đã mang lại những thành công mới trong việc quản trị đất nước.

Thứ nhất là chính sách "hướng Đông" bắt đầu áp dụng vào đầu thập niên 1980. Với chính sách này, người Malaysia trong khi học hỏi những cái hay từ phương Tây được khuyến khích hướng về phía Đông để học hỏi tiếp thu những tinh hoa về đạo đức và văn hoá làm việc, đặc biệt là từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Malaysia còn gửi quan chức cấp cao sang học hỏi hai quốc gia này.

Thứ hai là chính sách phát triển các tập đoàn (được đưa ra từ cuối thập kỷ 1980). Chính sách này dựa trên cơ sở cho rằng, sự phát triển thành công của quốc gia đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác giữa hai khu vực kinh tế công – tư và việc kiên trì nhận thức rằng đất nước cũng tương tự như một tập đoàn hoặc một doanh nghiệp cùng sở hữu bởi hai khu vực kinh tế.

Chính sách này được áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau như thông qua các uỷ ban hiệp thương nhằm trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết giữa hai khu vực, hoặc thông qua các chương trình đạo tạo tại Viện Hành chính công quốc gia (INTAN), các cơ sở đào tạo và chính quyền các bang. Chính phủ còn tích cực hỗ trợ kinh tế tư nhân trong giao lưu thương mại quốc tế. Mối quan hệ độc đáo giữa hai khu vực này đã phát huy được hiệu quả rất tốt trong quá trình tư nhân hoá.

Trong thập niên 1990, Thủ tướng Malaysia tuyên bố về tầm nhìn năm 2020 nhằm đưa nước này trở thành một quốc gia phát triển. Thời kỳ này bắt đầu với việc Chính phủ tuyên bố ngày 31/10 là Ngày chất lượng (Hari Q) với mục tiêu là củng cố giá trị của nền văn hoá chất lượng trong tổ chức.

Ngày chất lượng được tổ chức hàng năm với sự tham gia của ngày càng lớn các công sở ở mọi cấp. Nhiều cuộc nói chuyện cởi mở về chất lượng cùng hoạt động khác liên quan đến năng suất, hiệu quả và chất lượng công việc trong tổ chức được tiến hành.

Năm 1995, Chính phủ Malaysia đã quyết định áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000 trong dịch vụ công. Chính phủ tin rằng, tiêu chuẩn ISO 9000 sẽ góp phần đáng kể vào việc cải tiến chất lượng và phát triển văn hóa làm việc hoàn hảo trong lĩnh vực hành chính công.

Theo Luật Tổ chức của Malaysia, một trong các chức năng cơ bản của dịch vụ công là tạo điều kiện cho sự phát triển của lĩnh vực tư nhân, vì vậy, Chính phủ đặt mục tiêu là tất cả các cơ quan công quyền đều được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo mô hình ISO 9000 dần chuyển đổi sang áp dụng ISO 9001:2000.

Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ Malaysia đã đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào công việc qua việc hình thành siêu hành lang đa phương tiện MSC và thành phố ảo Cybercity nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ công ngang tầm với các quốc gia phát triển trên thế giới.

Để đạt mục tiêu năm 2020, từ năm 2009, Malaysia đã đặt ra các chương trình chuyển đổi trong đó trọng tâm của chương trình này là “chuyển đổi chính phủ” - GTP. Mục tiêu của GTP là thay đổi cách thức làm việc của chính phủ, giải quyết những vấn đề thực tế bằng các  giải pháp cụ thể, từ đó hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Câu chuyện thành công của Singapore và Malaysia có điểm chung là đều tiếp thu những tinh hoa ở cả Đông lẫn Tây trên tất cả các khía cạnh quản trị, văn hóa, nguồn nhân lực.

Tin bài liên quan