Cải cách thủ tục hải quan đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của hải quan và các bộ ngành liên quan

Cải cách thủ tục hải quan đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của hải quan và các bộ ngành liên quan

Cải cách thủ tục hải quan vẫn đợi các bộ ngành

(ĐTCK) Mặc dù đã có bước tiến bộ trong việc cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và thông quan thời gian gần đây, song theo đánh giá chung của các DN cũng như các chuyên gia, thủ tục hải quan hiện vẫn còn khá phức tạp và kết quả cải cách chưa đạt so với yêu cầu đã đề ra.

Nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ việc phối hợp thiếu đồng bộ giữa hải quan và các bộ ngành, cũng như từ chính sự ì ạch, thụ động của các bộ trong việc rà soát giảm thiểu các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Đánh giá tổng thể về tiến độ và bước tiến trong cải cách các thủ tục hải quan, tại cuộc tọa đàm mới đây về cải cách năng lực cạnh tranh nhìn từ góc độ hải quan, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vẫn chậm so với chỉ đạo của Chính phủ.

“Tuy cơ quan hải quan đã chủ động tích cực rà soát hơn 300 văn bản, nhưng cho đến nay, mới chỉ rà soát ở mức khởi động. Còn những văn bản phải sửa ngay lập tức như Nghị định 107/CP và các thông tư vẫn còn chậm”, ông Cung thẳng thắn nhận xét.

Theo ông Cung, việc cải cách thủ tục hải quan đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa hải quan và các bộ ngành có liên quan. Nếu có trục trặc, khó khăn ở một bộ, ngành nào đó, thì sự kết nối không thông suốt, dẫn tới không đạt mục tiêu cải cách tổng thể như mong muốn.

Một trường hợp gần đây về việc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa hải quan và các bộ đã gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu được ông Cung nhắc tới, đó là việc dự thảo Thông tư của Bộ Y tế về thủ tục kiểm tra hàng hóa thực phẩm xuất nhập khẩu do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế xây dựng. Dự thảo này, theo ông Nguyễn Văn Thân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, là “đi ngược dòng cải cách, vi phạm Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đặt ra”, gây bức xúc cho DN vì ban hành không đúng thẩm quyền theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, làm kéo dài thời gian thông quan khoảng 2 ngày so với trước.

Về vấn đề này, ông Cung cho rằng, Bộ Y tế không cần phải ra thêm một giấy chứng nhận kiểm tra mà chỉ cần một thông báo. Việc kiểm tra này nên để các trung tâm thực hiện theo xu hướng xã hội hóa dịch vụ công, DN tự trang bị máy móc, thiết bị kiểm tra chất lượng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm xuất, nhập khẩu. Theo ông Cung, dự thảo Thông tư của Bộ Y tế không phải là văn bản cá biệt trong số các văn bản ngược dòng cải cách, nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN vì làm kéo dài ngày thông quan, khiến DN tốn thêm nhiều chi phí.

“Nếu không có tinh thần cải cách, ban hành thêm thông tư, làm phát sinh nhiều thủ tục thì DN không biết thực hiện thế nào là đúng, không lường trước được. Đây là điển hình của quan điểm tư duy trì trệ của các bộ ngành trong quản lý, làm chậm quá trình cải cách, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và cản trở hoạt động của DN”, ông Cung nhấn mạnh.

Đồng tình với nhận định này, ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục hải quan cho rằng: “nếu các bộ chuyên ngành trì trệ trong cải cách thì ngành hải quan cũng không thể thực hiện được”. Theo ông Ngọc Anh, bản thân ngành hải quan thời gian qua đã rất nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động cải cách thủ tục xuất nhập khẩu, nhằm giảm thời gian làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu trung bình từ 21 ngày xuống còn 13 ngày. Song do vẫn tồn tại tình trạng thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa hải quan và các bộ ngành, khiến những cải cách vẫn chưa đạt được mục tiêu tổng thể. Chẳng hạn, hệ thống thông quan điện tử đã được đưa vào vận hành, nhưng sự phối hợp với các bộ, ngành chưa như mong muốn, đặc biệt là việc cấp phép điện tử. Bên cạnh đó, các phần mềm hỗ trợ như: thuế điện tử, quản lý rủi ro thuế, kết nối ngân hàng thương mại… chưa đồng bộ với hệ thống hải quan điện tử cũng là rào cản thông quan hàng hóa.

“Việc thay đổi toàn bộ thủ tục hành chính, chuẩn hoá cần có thời gian, không phải bộ nào cũng làm được sớm, đặc biệt bộ đa ngành như Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế”, ông Ngọc Anh nói.

Theo ông Cung, nếu xét về chỉ số tạo thuận lợi hóa thương mại thì chỉ riêng ngành hải quan tiến bộ thôi chưa đủ, mà cần cả những thủ tục liên quan về quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu. Hiện Nghị quyết 19 lần 2 của Chính phủ đặt mục tiêu cải cách toàn diện theo hướng chuyển mạnh sang hậu kiểm, áp dụng tối đa công nghệ thông tin. Nghị quyết cũng điểm danh rất rõ các văn bản đang gây cản trở hoạt động thông quan để rút ngắn hơn nữa thời gian, thủ tục thông quan. Tuy nhiên, để có thể thực hiện hiệu quả, đòi hỏi phải có sự cải cách đồng bộ, tích cực từ phía các bộ ngành, mà tiên phong là vai trò trực tiếp của các bộ trưởng, chủ tịch UBND địa phương.       

Tin bài liên quan