Cải tạo luồng sông Sài Gòn trở thành dự án BOT đường thủy đầu tiên

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Dự án Cải tạo luồng sông Sài Gòn sẽ là công trình hạ tầng đường thủy đầu tiên kêu gọi được vốn đầu tư tư nhân thực hiện theo hình thức BOT.

Dòng vốn xã hội hóa sẽ mở ra cơ hội làm sống lại các tuyến, luồng thủy nội địa. Ảnh: Anh Minh

Dòng vốn xã hội hóa sẽ mở ra cơ hội làm sống lại các tuyến, luồng thủy nội địa. Ảnh: Anh Minh

Đó chính là điểm đáng chú ý nhất của Dự án Cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi (TP.HCM) tới cảng Bến Súc (Bình Dương) vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ.

Với những vướng mắc về phương thức thu phí hoàn vốn, tỷ suất nội hoàn tài chính (IRR) thấp… nên việc xã hội hóa đầu tư các dự án hạ tầng đường thủy nội địa  gần như không thể tiến hành, đã khiến toàn bộ gánh nặng duy tu, cải tạo chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Tình hình bi đát tới mức, các dự án luồng đường thủy nội địa thậm chí còn không được hiện diện trong danh mục đầu tư quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ – CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, BT.

“Hiện nhiều tuyến đường thủy huyết mạch ở cả phía Bắc lẫn phía Nam có hiệu suất khai thác không cao do luồng bị khan cạn, hoặc vướng các cầu vượt sông có tĩnh không thấp tạo thành những nút cổ chai khó vượt”, ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam đánh giá.

Tình trạng này đang lặp lại đối với tuyến vận tải thủy sông Sài Gòn nối TP.HCM tới Bình Dương. Theo đó, mặc dù là tuyến đường thủy nội địa huyết mạch, nhưng do chiều cao thông thuyền tại cầu đường sắt Bình Lợi (bắc qua sông Sài Gòn) rất thấp, nên các phương tiện có trọng tải lớn hơn 300 tấn luôn phải neo đậu chờ thủy triều hạ để qua cầu.

“Việc lưu thông như vậy vừa hạn chế năng lực vận tải vừa rất dễ xảy ra đâm va, gây nguy hiểm cho các phương tiện vận tải thủy và hạ tầng đường sắt”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án này sẽ bao gồm hai hạng mục chính: nâng chiều cao thông thuyền tại cầu đường sắt Bình Lợi lên 4,5 m, đảm bảo cho các phương tiện thủy trọng tải lớn hơn 300 tấn lưu thông thuận tiện và cải tạo 62 km luồng sông Sài Gòn đạt luồng chuẩn cấp III.

Ước tính, tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 1.008 tỷ đồng, trong đó phần vốn BOT là 852 tỷ đồng phục vụ cho việc cải tạo cầu Bình Lợi và nạo vét, mở luồng và chỉnh trị đoạn sông Sài Gòn. Phần 156 tỷ đồng còn lại để phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ do ngân sách TP.HCM đảm trách. Công trình dự kiến được khởi công vào quý IV/2014 và hoàn thành vào năm 2015.

Thống kê của Đoạn quản lý đường sông số 10 cho thấy, tại khu vực cầu Bình Lợi mỗi tháng có khoảng 300 tàu có trọng tải từ 301 – 500 tấn qua lại; số tàu có trọng tải từ 500 tấn trở lên là 581 tàu. Như vậy, trong vòng 1 năm, nhà đầu tư có thể thu được phí từ khoảng 6 triệu tấn tàu qua lại khu vực này – con số tương đối ấn tượng đối với lĩnh vực vận tải thủy.

Đó là chưa kể đến dự báo khá lạc quan của tư vấn lập Dự án: tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện thủy qua đoạn tuyến sau khi nâng tĩnh không cầu Bình Lợi vào cải tạo luồng hoàn thành sẽ tăng khoảng 8%/năm trong giai đoạn đến năm 2020 và giảm xuống còn 5,1%/năm giai đoạn từ năm 2020 đến 2030.

Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, nhà đầu tư được phép thu phí luồng, lạch đối với các phương tiện thủy có trọng tải từ 300 tấn trở lên. Cụ thể, mức thu phí áp dụng sẽ vào khoảng 70 đồng/tấn trọng tải toàn phần/km.

Tuy nhiên, do không thể ngăn sông để lập trạm thu phí như trên đường bộ, nên nếu không có phương thức thu hợp lý, chủ đầu tư sẽ phải đối diện với nguy cơ thất khu khi “vác nơm đi úp cá thả”!

Được biết, để giải nút thắt đối với các công trình BOT luồng, tại Dự án này, Bộ GTVT đề xuất với Bộ Tài chính cho phép dùng các cảng vụ đường thủy nội địa quản lý cảng, bến trong khu vực tuyến (từ cầu Bình Lợi đến đập Dầu Tiếng) là cơ quan thu phí. Các cơ quan này sẽ có trách nhiệm thu phí theo hợp đồng với nhà đầu tư và được giữ lại số phí thu được để chi cho công tác thu phí. Số tiền còn lại sẽ được chuyển cho nhà đầu tư để hoàn vốn cho Dự án trong thời gian khoảng 23 năm.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, cho tới thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã nhận được đề nghị tham gia đầu tư Dự án của ít nhất 2 liên danh nhà đầu tư trong nước.

“Nếu Dự án tiên phòng này được triển khai sẽ mở ra cơ hội làm sống lại các tuyến, luồng thủy nội địa nhờ vào dòng vốn xã hội hóa theo hình thức BOT”, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhận định.

Tin bài liên quan