Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?

Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp đang cảm nhận rõ những vướng mắc về mặt pháp lý, thể chế khiến một số hoạt động kinh doanh không thể triển khai. Do đó, Nhà nước nên giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập đang ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh suy giảm

Ngày 5/6, Quốc hội khoá XV bắt đầu bước vào tuần làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 5. Qua các tuần làm việc, đặc biệt là các buổi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, một trong những tâm điểm được quan tâm là những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nền kinh tế đã được các đại biểu đề cập sâu.

Tại chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư tổ chức với chủ đề Doanh nghiệp đón chờ quyết sách nhanh, đủ mạnh từ nghị trường ngày 5/6, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam nêu thực trạng, trong những tháng đầu năm, ngành da giầy sụt giảm khoảng 30%, tình hình thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp đang là thách thức rất lớn.

Ngành da giầy có 2 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU, trong đó mức sụt giảm cao nhất ở thị trường Mỹ hơn 30%, tiếp đến là thị trường EU hơn 20%. Hai thị trường này chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu của ngành da giầy.

Tuy nhiên, bà Xuân nhận thấy tín hiệu tích cực đến từ việc tăng trưởng xuất khẩu thị trường châu Á với 10%. Dù vậy, thị trường châu Á chỉ chiếm phần nhỏ nên không thể bù đắp được mức sụt giảm chung của toàn ngành.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này đến từ 4 yếu tố chính.

Thứ nhất, tình hình kinh tế toàn suy giảm, sức mua suy giảm nên lượng hàng tồn kho toàn ngành ở mức khá cao và các nhãn hàng giảm bớt các đơn hàng.

Thứ hai, hiện nay các quốc gia sản xuất có sự cạnh tranh nhau trong việc thu hút đơn hàng và một số nhà đầu tư có tâm lý chia rủi ro nên đầu tư ở nhiều nước khác nhau. Ví dụ, các nhà đầu tư đã đến mở nhà máy ở các nước như Ấn Độ, Bangladesh qua đợt Covid-19 nên rủi ro được phân tán, nhưng lại là thách thức lớn cho Việt Nam thu hút đơn hàng.

Thứ ba, lực lượng lao động và chất lượng nguồn nhân lực cũng là một trong những điểm hấp dẫn thu hút các đơn hàng.

Thứ tư, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ xu thế phát triển bền vững, trong đó tập trung vào những công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn để áp dụng vào hoạt động sản xuất.

Bà Xuân dự báo, tình hình khó khăn này sẽ còn kéo dài đến hết quý II, và phải từ quý III – quý IV sự phục hồi có thể quay lại. Tuy nhiên mức độ tăng trưởng cũng chỉ tốt hơn so với quý I và quý II, còn so với các năm trước thì khả năng là không thể đạt được kế hoạch như các năm trước đề ra.

“Mức độ suy giảm với ngành da giày ở sẽ dưới 10% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm”, bà Xuân nói.

Đối thoại đầu tuần với chủ đề Doanh nghiệp đón chờ quyết sách nhanh, đủ mạnh từ nghị trường.

Đối thoại đầu tuần với chủ đề Doanh nghiệp đón chờ quyết sách nhanh, đủ mạnh từ nghị trường.

Giải pháp cải tạo môi trường kinh doanh

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề: “Trên hội trường, có rất nhiều vấn đề được làm rõ hơn, đồng thời cũng đưa ra rất nhiều kiến nghị giải pháp. Nhưng thách thức nhất là là nếu lựa chọn một số giải pháp đưa ra thì đó là giải pháp gì?”.

Với những khó khăn hiện nay, ông Hiếu mong muốn Chính phủ suy nghĩ về những giải pháp hỗ trợ về chi phí, dòng tiền để doanh nghiệp có thể tiếp tục cầm cự và chờ cơ hội thị trường trở lại để phục hồi. Đồng thời, san sẻ gánh nặng với doanh nghiệp bằng những giải pháp về thuế VAT, trợ cấp trực tiếp cho người lao động,…

Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, bản thân doanh nghiệp đang cảm nhận rõ những vướng mắc về mặt pháp lý, thể chế khiến một số hoạt động kinh doanh không thể triển khai. Có rất nhiều vấn đề đã được phát hiện nhưng chưa giải quyết kịp thời như đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy. Do đó, nhà nước nên giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Hiếu nói thêm, sự xuất hiện các thể chế mới có thể được ban hành sẽ tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Đơn cử là việc 14 hiệp hội mới đây đã ký chung một đơn lo ngại về dự thảo quy định định mức chi phí tái chế để tính toán kinh phí doanh nghiệp phải nộp vào quỹ bảo vệ môi trường. Do đó, đối với việc ban hành các quy định mới có nguy cơ gia tăng chi phí cho doanh nghiệp thì Chính phủ nên tập trung kiểm soát tốt.

“Theo cá nhân tôi, trong thời gian tới, Chính phủ không nên ban hành thêm quy định làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, ít nhất là trong vòng 2 năm tới. Còn trong trường hợp phải ban hành vì yêu cầu của luật, hay cam kết quốc tế thì Chính phủ nên suy nghĩ cơ chế để hỗ trợ kinh phí và chi phí cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định đó”, ông Hiếu đề xuất.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn đang gặp rất nhiều thách thức từ việc tuân thủ chính sách bên ngoài như thuế carbon. Chính phủ nên tập trung cả việc hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ những quy định mới, tìm kiếm thị trường cạnh tranh để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, tăng trưởng khi thời cơ đến.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Đánh giá về mặt hành động, ông Hiếu nhận thấy cả Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành đều đang hành động quyết liệt, mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, từ cảm nhận của doanh nghiệp có thể thấy dường như kết quả không được cải thiện mà còn giảm đi.

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, các doanh nghiệp cảm nhận kết quả môi trường kinh doanh đang có sự giảm xuống. Ngoài ra, trong báo cáo về sự cảm nhận khó khăn về thị trường, Ban IV của Thủ tướng Chính phủ đang rất lo lắng về rào cản thể chế và hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự. Đây là điểm rất đáng lưu ý.

“Chúng ta đang làm, nhưng cách làm của chúng ta liệu đã phù hợp chưa và quan trọng nhất thước đo kết quả là cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, hơn lúc nào hết, ngoài chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp, tôi cho rằng nó còn phụ thuộc vào nguồn lực các cân đối vĩ mô khác và nếu chúng ta tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh thì đó là vô hạn.

Nếu chúng ta có một không gian rất rộng để làm, mà không phải chỉ là làm tốt, mà tốt hơn sự mong đợi của doanh nghiệp, tôi nghĩ có lẽ chúng ta phải có cả một chương trình”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Theo ông Hiếu, đây là chương trình hành động cụ thể để thực hiện các yêu cầu trong những nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã ban hành. Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ nên có những chỉ đạo kịp thời, có thể bằng các công lệnh, chỉ thị và các nghị quyết nên tập trung vào kiểm soát những quy định đang tạo thêm gánh nặng về mặt chi phí cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan