Nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ

Nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ

Cần cải thiện môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động thu nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, cách thu hồi nợ mang tính cưỡng đoạt tài sản của giới tài chính - ngân hàng nếu không thay đổi thì trắng sẽ hoá đen, còn chưa chắc đen không phải là trắng.

Thời gian qua, nhiều vụ án hình sự về cưỡng đoạt tài sản phát sinh từ hoạt động thu nợ của các tổ chức tín dụng, theo ông nguyên nhân do đâu?

Đó là hệ luỵ kết hợp giữa nguyên nhân chủ quan từ giới tài chính - ngân hàng và nguyên nhân khách quan từ môi trường pháp lý về xử lý nợ. Những năm qua, giới tài chính - ngân hàng đẩy quá nhanh các mục tiêu tăng trưởng doanh thu tín dụng tiêu dùng, trong khi chưa thực sự đầu tư bài bản cho quy trình nghiệp vụ và công nghệ quản lý rủi ro tín dụng.

Ví dụ, nhiều ngân hàng vẫn duy trì quan điểm cũ cho rằng, cứ tài sản bảo đảm có công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm là mình toàn quyền xử lý. Trong khi đó, pháp luật lại có quy định mới xác định, nếu như trước khi ngân hàng nhận bảo đảm, chủ tài sản chưa thanh toán cho người cầm giữ tài sản thì không ai có quyền lấy tài sản của người cầm giữ cho đến lúc người này được thanh toán xong. Vì thiếu cập nhật vấn đề pháp lý mới này vào quy trình thu nợ mà đã phát sinh một vụ án hình sự về cưỡng đoạt tài sản khi ngân hàng thu xe nằm ở nơi một tổ chức khác đang cầm giữ.

Nhiều quy định pháp lý mới, cũng như rủi ro nghiệp vụ, nhưng thực tế cho thấy, giới tài chính - ngân hàng thiếu sự đầu tư vào quy trình nghiệp vụ thu hồi nợ. Bên cạnh đó, nhiều công ty tài chính thậm chí thiếu cả nguồn lực khi không trang bị đủ số nhân viên đốc nợ theo quy chuẩn, dẫn đến phải thuê nguồn cung ứng từ bên ngoài, dù chưa thực sự bảo đảm về mặt pháp lý. Điều đó dẫn ngành tài chính - ngân hàng tới nhu cầu phải xử lý khối dư nợ xấu lớn trong cho vay tiêu dùng.

Đến khi cần xử lý nợ, thực trạng môi trường pháp lý về xử lý nợ gây nhiều cản trở đối với giới tài chính - ngân hàng trong đốc nợ, xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ. Cuối cùng, các tổ chức tín dụng phải phó thác việc thu nợ từ các dịch vụ bên ngoài để gia tăng sức ép với con nợ, từ đó khó kiểm soát được rủi ro pháp lý, mà những vụ án hình sự vừa qua cho thấy điều đó.

Thực trạng môi trường pháp lý về xử lý nợ mà ông đề cập ở đây cụ thể là gì?

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico

Khi quá hạn trả nợ, khách hàng đành ngậm ngùi chứng kiến cảnh ngân hàng trực tiếp thu nhà, bán xe, nếu khách hàng phản ứng sẽ phạm luật và bị xử lý ngay. Đó là những hình ảnh chỉ có thể thấy qua phim ảnh, chứ dứt khoát không phổ biến ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng của chúng ta. Ngành ngân hàng đứng giữa hai ranh giới pháp lý, một bên là hệ thống pháp luật bảo đảm (bao gồm cả những thoả thuận cam kết từ chủ tài sản bảo đảm) cho phép ngân hàng toàn quyền xử lý tài sản và một bên là hệ thống các quy định chế tài sẵn sàng áp đặt lên ngân hàng nếu tự ý tiến hành xử lý tài sản thu nợ vay.

Thực tế xảy ra, cán bộ ngân hàng đến thu giữ nhà thế chấp hợp pháp dù chỉ áp dụng biện pháp niêm phong, khoá nhà thôi cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Điều này xuất phát từ cùng một vấn đề, đó là tư duy áp dụng luật của các cán bộ tại các cơ quan thẩm quyền không thống nhất. Đúng ra, nên xem xét theo khía cạnh chủ tài sản đã dùng tài sản làm bảo đảm có nghĩa là đã tự hạn chế các quyền liên quan về chỗ ở. Do đó, khi phát sinh các trường hợp bị thu giữ nhà mà anh cam kết trước bên nhận tài sản thì anh đâu còn quyền “la làng” như chủ tài sản thông thường.

Bên cạnh đó, chính những quy định pháp luật nhiều khi cũng gây trở ngại trực tiếp cho hoạt động xử lý nợ của ngân hàng. Ví dụ, Điều 301, Bộ luật Dân sự là một trở ngại khi quy định trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản, thì bên nhận bảo đảm chỉ có thể kiện ra toà án yêu cầu giải quyết. Từ quy định này, các tổ chức không có lựa chọn nào khác, không thể thu giữ, không thể phát mại, mà chỉ có kiện ra toà.

Nói về giới toà án, nhìn từ những vụ án tín dụng của ngân hàng, có những trở ngại phát sinh đối với giới tài chính - ngân hàng khi giải quyết khoản nợ. Có vụ án, quá trình giải quyết kéo dài nhiều năm chỉ vì sau khi thụ lý, toà không thể triệu tập được bị đơn. Có vụ án, các tổ chức tín dụng còn phải đối mặt với nguy cơ hiểu và vận dụng pháp luật của chính tòa án. Chưa tính đến những vấn đề phức tạp của nghiệp vụ ngân hàng, chỉ riêng việc toà hiểu sai những vấn đề pháp lý đơn giản cũng đủ gây khó cho ngân hàng. Rồi cả đến những chi phí không kiểm soát được phát sinh từ hoạt động tố tụng này.

Vậy những vụ án hình sự liên quan đến hoạt động thu nợ đang diễn ra sẽ tác động như thế nào đến các tổ chức tín dụng?

Trước hết, việc này sẽ cảnh tỉnh giới ngân hàng quan tâm nhiều hơn đến rủi ro pháp lý trong hoạt động thu nợ. Năm 2019, tại một hội thảo về tín dụng tiêu dùng do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức, tôi có phát biểu rằng, thị trường đang thiếu một định nghĩa chuẩn xác về tín dụng đen. Từ trước đến nay, nhiều quan điểm vẫn cho rằng, cứ không phải tổ chức tín dụng mà cho vay với lãi suất cao là tín dụng đen. Còn tôi định nghĩa: “Tín dụng đen là hoạt động cho vay mà người cho vay có yếu tố lừa dối, ép buộc người đi vay hoặc có dấu hiệu xâm phạm tính mạng, sức khỏe, chiếm đoạt tài sản của người đi vay”. Với cách thu nợ hiện tại của giới tài chính - ngân hàng, nếu không thay đổi thì trắng hoá đen, còn chưa chắc đen không phải là trắng.

Xét cho cùng, các vụ án hình sự sẽ làm co hẹp hoạt động cho vay tiêu dùng trong thời gian giới tài chính - ngân hàng chưa hoàn thiện được giải pháp. Bởi đây là lĩnh vực cầu nhiều, cung ít, nên bị ảnh hưởng trước tiên sẽ là những người có nhu cầu vay tiêu dùng trong thời gian tới, khi dư nợ cho vay giải ngân hạn hẹp hơn.

Theo ông, các tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng nên có giải pháp gì?

Các vụ án hình sự về lý thuyết có mục tiêu phòng ngừa chung, bên cạnh phòng ngừa riêng. Xét về lĩnh vực ngân hàng, chỉ cần một vài vụ án hình sự đã khiến cả giới ngân hàng cảnh tỉnh nên tôi cho rằng, cần thận trọng với việc mở rộng phạm vi điều tra, xét xử các vụ án tương tự. Chúng ta nên hướng tới một sự hiệu chỉnh để có lợi hơn với thị trường, với người tiêu dùng, hơn là tạo nên một hiệu ứng co cụm nguồn cung tín dụng tới thị trường, tới người tiêu dùng.

Việc cần làm chính là cải thiện môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động thu nợ của giới tài chính - ngân hàng. Trong đó, điều khẩn thiết nhất là cải cách tư pháp trong lĩnh vực toà án để bảo đảm các vụ kiện dân sự về tín dụng được giải quyết nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật, không có tiêu cực.

Tin bài liên quan