Nhiều công ty đại chúng rất ngại lên sàn vì áp lực phải minh bạch hóa thông tin

Nhiều công ty đại chúng rất ngại lên sàn vì áp lực phải minh bạch hóa thông tin

Cần chế tài mạnh buộc doanh nghiệp đại chúng lên sàn

(ĐTCK) Thêm một lần nữa, việc các DN đại chúng lần lữa lên sàn được các thành viên TTCK lên tiếng cần chế tài đủ mạnh buộc DN phải thực hiện, chứ không thể chỉ xử phạt hành chính với mức phạt một vài trăm triệu như hiện nay. Lý do là DN ngoài sàn có quá nhiều chuyện không minh bạch, cổ đông, dù sở hữu lớn, cũng là vô nghĩa với ban điều hành.

DN đại chúng phải lên sàn

Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch Tập đoàn APEC cho biết, thực tế, nhiều DN đại chúng, trong đó có những DN mà APEC đang đầu tư, rất ngại đưa cổ phiếu lên sàn. Cổ đông pháp nhân như công ty ông, dù sở hữu 5-7% cũng không có tiếng nói đáng kể gì với lãnh đạo DN.

Trong khi đó, pháp luật cũng đã có những quy định cho phép cổ đông có quyền khởi kiện Ban lãnh đạo DN khi họ không thực hiện đúng cam kết, nhưng với cổ đông nhỏ lẻ, việc tập hợp nhau lại để đi kiện là điều gần như không khả thi. Còn với cổ đông là pháp nhân, việc kiện tụng luôn là điều ngại nhất, vì hệ lụy của việc này rất khó lường.

Khi cổ đông pháp nhân đi kiện DN mà họ đã đầu tư, pháp nhân đó rất sợ mang tiếng với thị trường là chuyên bới móc DN, sẽ khó có thể được các DN khác đón chào, khi muốn tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới trên thị trường.

Với sự cả nể và cả bất lực của cổ đông, việc DN đại chúng thực hiện đúng nghĩa vụ pháp lý của mình với cổ đông (minh bạch thông tin, niêm yết…) hay không, dường như phụ thuộc hoàn toàn vào chế tài được quy định trong văn bản luật. Bà Phạm Thị Thanh Hương, Vụ phó Vụ Thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quy định pháp lý hiện hành đã bổ sung chế tài cho hành vi DN không đưa chứng khoán chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (trừ trường hợp DN không đủ điều kiện). Theo đó, DN sẽ bị phạt từ 100 -150 triệu đồng và buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán hoặc hoàn trả cho NĐT tiền mua chứng khoán, tiền lãi trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của NĐT.

Nhưng với mức phạt này, ông Lăng cho là quá thấp, bởi “một vài trăm triệu là quá nhỏ và lãnh đạo DN sẵn sàng chịu phạt để được yên thân trong một vài năm”. Việc buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, hay hoàn trả tiền cho NĐT khi họ có yêu cầu, trong trường hợp này chỉ áp dụng cho các DN thực hiện phát hành ra công chúng từ năm 2013 đến nay. Còn với các DN đã huy động vốn trước đây, khi văn bản luật trên (Nghị định 108/2013/NĐ-CP) chưa có hiệu lực thi hành, thì không thể áp dụng hồi tố buộc DN thực hiện được.

DN không lên sàn, không chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, nên có những trường hợp cổ đông nhỏ cười ra nước mắt khi DN họ đang là cổ đông, đang hoạt động tốt, bỗng dưng quyết định phát hành riêng lẻ cho một nhóm cổ đông chiến lược với giá chỉ bằng nửa giá trên thị trường.

Sau đấu giá, cần buộc DN đưa cổ phiếu vào giao dịch

Một câu hỏi lớn khác là các DNNN sau cổ phần hóa, có lên sàn hay không. Câu hỏi thiết thực này được nhiều NĐT đặt ra trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, các cuộc đấu giá bán cổ phần của hàng loạt DN lớn diễn ra thường xuyên trên 2 Sở GDCK. Ngoại trừ người lao động và các cổ đông chiến lược (nếu có) tham gia mua cổ phần của DNNN qua đấu giá, thì các đối tượng NĐT đại chúng khác, họ luôn cần được biết thời điểm nào khoản đầu tư có thể chuyển nhượng được. Một nhu cầu rất chính đáng, nhưng câu trả lời lại chưa rõ ràng.

Đại diện CTCK Bảo Việt cho biết, việc hướng các DN sau khi thực hiện đấu giá đưa cổ phiếu lên sàn ngay là điều mà Công ty rất muốn thực hiện. Tuy nhiên, có một điểm khó là, việc lên sàn phải do ĐHCĐ quyết định, nên trong bản công bố thông tin đấu giá của DN, chưa thể đề cập đến nội dung này. Một vấn đề khác là để lên sàn, DN phải đáp ứng các điều kiện tại Sở GDCK, nên với những DN có tình hình kinh doanh thua lỗ, dù muốn, cũng không thể niêm yết ngay sau cuộc đấu giá.

Để giải quyết giữa một bên là nhu cầu giao dịch cổ phiếu sau đấu giá của NĐT, một bên là DN cần một khoảng thời gian để hoàn tất thủ tục chuyển đổi thành công ty cổ phần, Sở GDCK Hà Nội dự kiến sẽ đề xuất UBCK và Bộ Tài chính cơ chế yêu cầu các DNNN sau đấu giá cổ phần sẽ thực hiện lưu ký cổ phiếu ngay và cổ phiếu này có thể tạm đưa vào giao dịch trên thị trường UPCoM, cho đến khi DN đủ điều kiện niêm yết.

Dù việc xây dựng chế tài mạnh hơn để buộc DN đại chúng lên sàn hay khả năng gắn cổ phiếu sau đấu giá vào sàn giao dịch ngay mới chỉ là ý tưởng, nhưng ý tưởng này đang ngày càng nhận được sự đồng thuận của công chúng.

Tin bài liên quan