Cần giải pháp mạnh hơn tiếp sức cho thị trường chứng khoán

Cần giải pháp mạnh hơn tiếp sức cho thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng, cơ quan quản lý cần triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường và nhà đầu tư mạnh mẽ hơn. 

Sau khi kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) miễn, giảm giá dịch vụ giao dịch chứng khoán và được đáp ứng, ông đánh giá như thế nào về mức độ hỗ trợ cho thị trường, công ty chứng khoán, nhà đầu tư của cơ chế này?

Các giải pháp đó đã góp phần hỗ trợ công ty chứng khoán, nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ, nên chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý cần triển khai các cơ chế hỗ trợ thị trường, nhà đầu tư mang tính mạnh mẽ hơn.

Hỗ trợ mạnh hơn theo hướng nào, thưa ông?

ông Nguyễn Thanh Kỳ.

Cần chia các nhóm đối tượng tham gia thị trường để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Ðối với nhà đầu tư, cùng với tăng cường các biện pháp nhằm giúp họ yên tâm đầu tư trên thị trường, điều quan trọng là cần tính toán giải pháp để tiếp sức, giúp giảm sức ép phải bán hết lượng cổ phiếu giao dịch ký quỹ, tương tự như giải pháp hoãn nợ, giảm lãi suất như ngành ngân hàng đang triển khai.

Ðặc biệt, nên áp dụng cơ chế ưu đãi về thuế để khuyến khích nhà đầu tư ở lại, thậm chí gia tăng tham gia thị trường trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trong đó, xem xét miễn, giảm thuế giao dịch chứng khoán, thuế nhận cổ tức bằng tiền mặt đối với nhà đầu tư cá nhân.

Ðối với các doanh nghiệp trên sàn, cần rà soát kỹ lưỡng các loại phí mà doanh nghiệp đang phải nộp, để trên cơ sở đó áp dụng cơ chế miễn toàn bộ các loại phí tham gia thị trường chứng khoán cho họ.

Còn đối với công ty chứng khoán, bên cạnh giải pháp hỗ trợ về miễn, giảm giá dịch vụ chứng khoán mà Bộ Tài chính, UBCK đã triển khai, nhà quản lý cần tính toán để gia tăng liều lượng hỗ trợ, giúp họ tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức trung gian góp phần duy trì sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Ðó là các giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn.

Vậy trong dài hạn, cơ quan quản lý cần triển khai những giải pháp nào để tiếp sức cho thị trường chứng khoán?

Về lâu dài, để hỗ trợ thị trường chứng khoán vượt qua khó khăn, đặc biệt là đón bắt cơ hội phát triển mới sau khi dịch Covid-19 qua đi, điều quan trọng là cơ quan quản lý cần thực hiện các giải pháp “làm lớn” quy mô thị trường chứng khoán thông qua cơ chế ưu đãi về thuế, phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia thị trường, để thu hút mạnh mẽ hơn các dòng vốn tham gia thị trường chứng khoán, qua đó giảm mạnh hơn nữa gánh nặng ngành ngân hàng tài trợ vốn cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp.

Các chính sách này sẽ tiếp sức cho sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán trong thể hiện vai trò rõ nét là kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng, cũng như hoạt động của doanh nghiệp.

Mới đây, UBCK thông báo tới các thành viên thị trường về việc chứng khoán là ngành thiết yếu nên phải tổ chức hoạt động ổn định, thông suốt trong mọi tình huống. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, trong trường hợp thị trường chứng khoán suy giảm với biên độ lớn kéo dài, để bảo vệ thị trường, nhà đầu tư, giải pháp ngừng giao dịch cần được tính đến. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Nên tính đến tạm ngừng giao dịch nếu tình thế bất lợi nghiêm trọng cho các bên tham gia thị trường. Trước mắt chưa nên vội vàng áp dụng giải pháp này, nhưng nếu thời gian tới, thị trường sụt giảm sâu và kéo dài, thì để bảo vệ thị trường, nhà đầu tư, UBCK nên dự liệu dần phương án tạm ngừng giao dịch.

5 giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia

Ðể hỗ trợ thị trường chứng khoán, không thể bơm tiền vào thị trường tương tự như cách làm năm 2008, vì điều đó là can thiệp vào sự vận hành theo quy luật của thị trường. Do đó, cần triển khai hệ thống giải pháp mang tính thị trường, tôn trọng quy luật vận hành của thị trường.

Theo đó, đầu tiên là tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn. Ðiều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh. Khi đó, thị trường chứng khoán sẽ được tiếp sức để phục hồi trở lại.

Thứ hai là sự liên thông của thị trường chứng khoán Việt Nam với thế giới ngày càng chặt chẽ, nên công tác điều hành cần bám sát diễn biến thị trường chứng khoán quốc tế để có giải pháp quản lý, chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả.

Thứ ba, cần triển khai nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ về đảm bảo an sinh xã hội, gói chính sách tài khóa. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao tính hiệu quả của gói chính sách tiền tệ đang được triển khai.

Thứ tư, Bộ Tài chính, UBCK đã triển khai cơ chế miễn, giảm giá dịch vụ chứng khoán, nhưng hỗ trợ thị trường còn ở mức vừa phải, nên một mặt cần triển khai hiệu quả hơn, mặt khác cần xem xét gia tăng liều lượng hỗ trợ.

Cuối cùng là thị trường chứng khoán tồn tại bằng niềm tin, nên để duy trì niềm tin trong nhà đầu tư, cơ quan quản lý cần tăng cường cung cấp thông tin chính thống, chuẩn mực để nhà đầu tư tránh bị ảnh hưởng bởi những tin đồn, từ đó ổn định tâm lý tham gia thị trường.

Nhà đầu tư trông đợi miễn, giảm thuế giao dịch chứng khoán

Nhà đầu tư Nguyễn Tiến Dũng

Những lúc thị trường khó khăn như thế này cũng hé mở không ít cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, để giúp nhà đầu tư biến những cơ hội đó thành hiện thực, rất mong cơ quan quản lý, tổ chức thị trường triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ.

Theo đó, lý tưởng nhất là miễn thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động giao dịch chứng khoán đang thu với mức 0,1%/giá trị giao dịch. Mức thuế như quy định hiện hành là cao, trong khi bất luận đầu tư lãi hay lỗ vẫn phải nộp thuế. Trong bối cảnh thị trường cần sức cầu như hiện nay, giải pháp miễn, giảm thuế cho nhà đầu tư càng có ý nghĩa thiết thực.

Gần đây, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết đăng ký mua cổ phiếu. Ðây là thông tin tích cực đối với thị trường, nhưng UBCK, các sở giao dịch chứng khoán cần có giải pháp giám sát chặt chẽ hoạt động mua cổ phiếu của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Cần có cơ chế để đảm bảo họ nói đi đôi với làm, tránh tình trạng công bố rộng rãi ra thị trường là đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu, nhưng trên thực tế lại không giao dịch. Nếu không kiểm soát tốt việc này sẽ khiến nhà đầu tư có cảm giác bị... lừa, niềm tin vốn dĩ đang mong manh càng dễ bị tác động tiêu cực khi thị trường biến động mạnh.

Tin bài liên quan