Cần lắng nghe nhu cầu của nhà đầu tư để đưa ra các chính sách phù hợp cho ngành dược

Cần lắng nghe nhu cầu của nhà đầu tư để đưa ra các chính sách phù hợp cho ngành dược

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi tham vấn chính sách nên lưu ý để có thể cung cấp chính sách mà nhà đầu tư muốn chứ không phải chỉ chúng ta muốn. 

Đó là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại Hội thảo “Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 20/7.

Chia sẻ về các thay đổi trong chính sách, ông Phan Đức Hiếu cho biết, với việc tiếp cận chính sách thể chế, chúng ta cần xác định xem phát triển đến mức độ nào. Bên cạnh thể chế, tiếp cận theo ngành, cũng cần phối hợp chính sách, cách tiếp cận tổng thể hơn cho mỗi ngành.

"Theo Nghị quyết 19, Bộ Công thương đang nỗ lực xây dựng Luật Phát triển công nghiệp (mũi nhọn, trọng điểm), khác với các chính sách ngành thông thường. Có thể thấy đây là liều lượng chính sách mạnh mẽ, kết hợp với Luật Dược sẽ tạo nên hệ thống chính sách khá đầy đủ. Vậy chúng ta cần hành động sớm, sự phối hợp 2 luật rất quan trọng, cần soạn thảo song song, kết hợp, bổ trợ lẫn nhau", ông Hiếu nêu ý kiến.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Dũng Minh.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Dũng Minh.

"Chúng ta hay nhắc chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi tài chính, nhưng nhà đầu tư cần mấy thứ sau:

Thứ nhất, đầu tư vào ngành dược cần chi phí rất lớn, vậy tài chính không phải vấn đề, mà nhà đầu tư cần sự an toàn, có thể tiên liệu trước, có môi trường ổn định, yên tâm đầu tư."

"Vậy nên khi tham vấn chính sách nên lưu ý khía cạnh này để từ đó có thể cung cấp chính sách mà nhà đầu tư muốn chứ không phải chỉ chúng ta muốn", ông Hiếu nhấn mạnh.

"Thứ hai, áp lực cạnh tranh quốc tế là rất lớn nên chính sách của Việt Nam cần có sự cạnh tranh để tạo lợi thế hơn, với liều lượng chính sách và cách nghĩ phải thật sự khác biệt mới thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thứ ba, cơ chế phối hợp giữa các bên, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng rất quan trọng và cần thúc đẩy hợp tác giữa các bên. Chính phủ cũng cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng cần thúc đẩy sự tham gia gắn kết của các doanh nghiệp trong nước."

Nói về những thuận lợi và thách thức đối với ngành dược bên lề Hội thảo, “Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 20/7, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, việc tham gia vào ngành dược phẩm có rất khó.

Ngành dược phẩm có tính đặc trưng rất lớn là có tính độc quyền tự nhiên, đó là bởi chi phí đầu tư rất lớn và hàm lượng tri thức rất cao. Do đó, rất khó để gia nhập và phát triển ngành dược phẩm ở một nước đang phát triển. Ngay tại với các nước đã phát triển cũng rất khó để tạo ra sản phẩm dược phẩm mang tính toàn cầu.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Dũng Minh.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Dũng Minh.

Tuy nhiên, ngoài những khó khăn kể trên, ông Tú Anh cho biết, Việt Nam cũng có những lợi thế.

"Lợi thế lớn nhất của chúng ta là quy mô thị trường lớn với 100 triệu dân. Tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển với nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao. Quy mô thị trường dược phẩm hiện nay của Việt Nam đạt 7 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng 11%/năm, ngành dược phẩm dự báo sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Quy mô thị trường tăng trưởng nhanh khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường này.

Lợi thế thứ hai, theo ông Tú Anh là trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp trong nước đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Trong giai đoạn 2001-2011, thuốc trong nước chỉ chiếm 17%, nhưng cho đến nay chiếm 46% thị trường trong nước. Tốc độ tăng trưởng này chứng tỏ doanh nghiệp trong nước có năng lực nắm bắt và khai thác thị trường dược phẩm trong nước chưa có hàng rào về độc quyền, sở hữu trí tuệ và sản phẩm cao cấp khác.

Ngoài ra, Việt Nam là nơi có nguồn dược liệu phong phú và là một thị trường mở được các nhà đầu tư đánh giá cao. Với những lợi thế này, ông Tú Anh tin rằng, Việt Nam có thể làm được, tuy nhiên để phát triển ngành dược phẩm cần đầu tư rất lớn và sự kiên trì.

Còn theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, dược là lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, đầu tiên phải là an toàn, hiệu quả. Ông Hùng cho biết, dự kiến sẽ sửa Luật Dược vào năm 2024, trong đó có 5 chính sách sửa đổi, bao gồm 2 chính sách về công nghiệp dược, ưu tiên chú trọng thuốc phát minh ở mức ưu đãi cao nhất và nghiên cứu sửa đổi quy định về phân phối, sắp xếp lại hệ thống phân phối để đảm bảo hiệu lực hiệu quả.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Ảnh: Dũng Minh.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Ảnh: Dũng Minh.

"Ngành dược đã có những phát triển tốt từ chỗ chỉ có đơn vị sản xuất nhà nước, thì hiện tại đã tư nhân hoá. Số lượng các nhà máy tương đối nhiều và phát triển nhanh trong thời gian vừa qua", ông Hùng cho biết.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Eunice Cho, Giám đốc Quốc gia, Viatris Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, Viatris hiện đang sở hữu danh mục thuốc biệt dược gốc và thuốc generic đa dạng, phong phú trải rộng trên nhiều lĩnh vực điều trị nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân gồm tim mạch, giảm đau, tâm thần kinh, sức khỏe nam giới, ung thư, da liễu, sức khỏe nữ giới và Covid-19.

Bà Eunice Cho, Giám đốc Quốc gia, Viatris Việt Nam.

Bà Eunice Cho, Giám đốc Quốc gia, Viatris Việt Nam.

Vào ngày 7 tháng 12 năm 2022, Viatris đã công bố mở rộng hợp tác chiến lược với đối tác Medochemie, nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP (tiêu chuẩn Liên minh Châu Âu – Thực hành tốt Sản xuất thuốc) để kết nối mọi người hơn nữa với các sản phẩm chất lượng của chúng tôi tại Việt Nam. Thông qua sự hợp tác này, Viatris sẽ thực hiện chuyển giao công nghệ cho Medochemie và cấp phép sản xuất các thuốc NCD điển hình của mình tại các cơ sở của đối tác tại Việt Nam.

Được thành lập vào tháng 11 năm 2020, Viatris tập hợp chuyên môn khoa học, sản xuất và phân phối cùng với năng lực quản lý, y tế và thương mại đã được kiểm chứng nhằm cung cấp các loại thuốc chất lượng cao cho bệnh nhân tại hơn 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Danh mục sản phẩm của Viatris trên toàn cầu gồm hơn 1.400 hoạt chất đã được phê duyệt trong nhiều lĩnh vực trị liệu, trong đó bao gồm các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm, với các thuốc biệt dược gốc nổi tiếng toàn cầu, thuốc gốc generic tiên tiến chất lượng cao và các thuốc OTC không kê đơn.

Tin bài liên quan