Tìm điểm nghẽn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dược

Tìm điểm nghẽn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dược

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành y tế nói chung và sản xuất dược phẩm nói riêng đang đặt trước những cơ hội mới để huy động và khai thác những nguồn lực lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào ngành dược chưa được như kỳ vọng.

Tại Hội thảo “Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 20/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: “Mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm, tuy nhiên cần thẳng thắn thừa nhận rằng kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn. Hai kỳ vọng mà chúng tôi mong muốn: thứ nhất, muốn phát triển ngành dược theo hướng phát triển sản phẩm dược mới, thuốc biệt dược và thuốc phát minh. Thứ hai, mong muốn nhận được chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất dược”.

Bà Ngọc cho biết thêm, gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp cận một số tập đoàn dược lớn ở Việt Nam và thấy rằng họ đang có mong muốn để phát triển một khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành dược và một số tập đoàn đang manh nha có các ý tưởng đầu tư dự án tương tự.

“Chúng tôi cho rằng đây là một ý tưởng rất tốt, nếu chúng ta hình thành được các cụm, khu công nghiệp tập trung sản xuất dược phẩm thì đây sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam và tiến tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm của khu vực về sản xuất dược phẩm. Trên tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp về tính khả thi của các dự án này và kiến nghị những cơ chế, chính sách để hiện thực hóa ý tưởng này”, bà Ngọc nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự phát triển của ngành dược tập trung vào đổi mới sáng tạo và hàm lượng công nghệ cao sẽ có giá trị lan tỏa rộng khắp sang các ngành nghề khác và mang lại các lợi ích kinh tế và xã hội thông qua việc tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty kiểm toán KPMG về “Đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam”, dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP năm 2021, cùng với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 10% trong thời gian tới.

Con số này bao gồm 350 triệu USD giá trị được tạo ra trực tiếp, cộng thêm 410 triệu USD đóng góp gián tiếp thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau, như chi tiêu cho nguyên liệu thô, hoạt động hậu cần, bán hàng và tiếp thị. Khoảng 400 triệu USD còn lại được ghi nhận thông qua các chi tiêu của người lao động trong ngành này.

Từ cách tiếp cận của Nghị quyết 29 và với những xu hướng đầu tư, công nghệ trên toàn cầu hiện nay, ngành y tế nói chung và sản xuất dược phẩm nói riêng đang được đặt trước những cơ hội mới để huy động và khai thác những nguồn lực lớn trong và ngoài nước.

Từ phía Bộ Y tế, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế chia sẻ, dược là lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, đầu tiên phải là an toàn, hiệu quả. Dự kiến sẽ sửa Luật Dược vào năm 2024, trong đó có 5 chính sách sửa đổi, mà 2 chính sách quan trọng là công nghiệp dược, ưu tiên chú trọng thuốc phát minh ở mức ưu đãi cao nhất và nghiên cứu sửa đổi quy định về phân phối, sắp xếp lại hệ thống phân phối để đảm bảo hiệu lực hiệu quả.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết, trong khoảng hơn 1 năm nay, vắng bóng các doanh nghiệp đầu tư vào ngành dược trong nước. Qua trao đổi với các đầu mối thì các công ty dược lớn đều là tập đoàn đa quốc gia, là đối tượng của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

“Các doanh nghiệp lớn đang cân nhắc xem xét phản ứng chính sách của các quốc gia trước khi có quyết định đầu tư”, ông Sử cho biết.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài

Một số điểm nghẽn khác xuất phát từ các cơ chế đặc thù của ngành dược, bao gồm khó khăn từ đấu thầu, kiểm soát dược phẩm, công bố sản phẩm, kiểm nghiệm… Cùng với đó, sự phát triển của ngành dược cũng gắn liền với quá trình từ nhà nước nắm 100% cho tới cổ phần hoá và cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia.

“Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tiếp cận, muốn trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với doanh nghiệp có vốn nhà nước thì quy trình rất phức tạp, với doanh nghiệp tư nhân thì yếu tố quản trị doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn theo lối quản trị gia đình, thiếu sự minh bạch, chịu ảnh hưởng từ các ý kiến của người thân trong gia đình”, ông Sử cho biết thêm.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội chia sẻ: “Theo tôi, việc thu hút đầu tư vào ngành dược còn điểm nghẽn vì chúng ta hiểu rõ đây là lĩnh vực yêu cầu trình độ rất cao và rất rủi ro. Chúng ta có nhiều chính sách rồi nhưng chưa đủ. Chẳng hạn, từ lúc lập dự án tới khi đầu tư có khi phải mất 5 năm, 1 thời gian rất dài, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ muốn cơ chế thông thoáng hơn. Hoặc chưa có chương trình cho vay ưu đãi để đầu tư vào công nghệ cao trong lĩnh vực dược phẩm…"

Tin bài liên quan