Cần một siêu ứng dụng chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Việc thống nhất dùng chung ứng dụng (app) phòng chống Covid-19 đang cấp thiết đặt ra trong bối cảnh có quá nhiều app, mà dữ liệu không liên thông, không thuận tiện, khiến người dân lúng túng khi sử dụng
Cần một siêu ứng dụng chống dịch Covid-19

Ma trận app chống dịch

Hiện tại, cả nước đang sử dụng hơn 20 app cho công tác phòng chống dịch của các bộ, ngành, địa phương. Trong từng giai đoạn khác nhau, tùy từng hạng mục chống dịch, các app công nghệ đã góp công lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh, từ quản lý xuất nhập cảnh, thực hiện khai báo y tế điện tử, truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, quản lý cách ly, đánh giá nguy cơ dịch bệnh..., tới quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm, di biến động dân cư.

Tuy nhiên, do mỗi app được ra đầu bài khác nhau, doanh nghiệp phát triển ứng dụng khác nhau, nên chưa được được kết nối liên thông, khiến người dân gặp khó khăn, lúng túng khi buộc phải sử dụng nhiều app phòng chống dịch khác nhau.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc NextPay cho rằng, app phòng chống dịch mới chỉ tập trung thu thập khai báo y tế là chính. Lúc xây dựng app, chưa có “đầu bài” và quy định cụ thể, sản phẩm “đứng tên” tập đoàn lớn, nhưng có khi lại do team nhỏ làm, nên chưa hiểu rõ hết các nhu cầu quản trị và chống dịch.

“Thực chất, người dân chỉ cần một trạng thái y tế thống nhất trên toàn quốc để đảm bảo hoạt động đi lại và truy vết, chống dịch trên toàn quốc. Trạng thái này sẽ được đưa lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia, được xác định dựa trên 3 thông tin: tiêm chủng, xét nghiệm Covid-19, dịch tễ (F0, F1, F2). Các trạng thái này thay đổi theo thời gian và dữ liệu được đồng bộ. Mỗi người dân được xác định bằng định danh bằng căn cước công dân, hộ chiếu. Do vậy, nếu mỗi tỉnh cài một app thì quá rườm rà, khó hiểu, chưa kể tốn công sức để đào tạo và hướng dẫn sử dụng. Vì thế, các tỉnh, thành phố nên dừng lại các ý định mở thêm app, trừ khi để cung cấp các dịch vụ an sinh hay gì đó rất riêng biệt”, ông Tuất khuyến nghị.

Theo ông Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Đại học Quốc gia TP.HCM), việc liên thông, thống nhất cơ sở dữ liệu trong ứng dụng chống dịch là vô cùng quan trọng, bởi nó đem lại một dữ liệu chính xác nhất. Đây mới là cơ sở để đưa ra các chính sách, quyết định về quản lý và chống dịch sát thực tế, phục vụ những quyết định mang tính chính sách, ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cũng cho rằng, ở góc độ công nghệ, thời gian để tạo ra một app công nghệ theo yêu cầu của đối tác là 7-10 ngày, nên app còn chưa hoàn thiện các chức năng, yêu cầu, trong khi năng lực của một số đơn vị xây dựng app còn hạn chế. Cùng với đó là tâm lý ngại học hỏi, thiếu tính liên kết giữa các địa phương, ban, ngành.

“Lý tưởng nhất là có một siêu ứng dụng chống dịch”, ông Bình nói.

Gấp rút làm siêu app

Liên quan đến siêu app, ông Tuất cho rằng, khi mã QR code của công dân đưa lên app dùng chung, để bảo vệ thông tin cá nhân, chỉ nên hiện trạng thái y tế, chứ không nên bắt buộc khai báo toàn bộ thông tin cá nhân.

“QR code này chỉ nên chứa duy nhất mã QR ID đã được mã hóa của cá nhân, không nên chứa bất kỳ thông tin nào khác, vì thông tin sẽ phải ghi lại thời gian hoạt động trên Hệ thống dữ liệu căn cước công dân quốc gia. Với người dân không có smartphone, có thể in QR code ra giấy…”, ông Tuất đề nghị.

Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty Công nghệ DTT cho rằng, cá nhân ông ủng hộ công nghệ mở và không độc quyền. Chúng ta đã có tầm nhìn rất xa, ngay từ khi làm căn cước công dân điện tử đã yêu cầu gắn QR code. Việc này đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận công nghệ công bằng. QR code này có thể cầm tay, mang nhiều hàm lượng thông tin mà bất kỳ người dân nào cũng có thể sử dụng dễ dàng.

“QR code là trụ cột quan trọng của quốc gia, trong đó có những người không có smartphone. App chỉ là công cụ, việc khó hơn nhiều là trung tâm công nghệ phần mềm liên thông được với nhau. QR code là vấn đề bắt buộc phải dùng. Sau này, không chỉ chống dịch, mà để bất kỳ ai cũng có thể tham gia”, ông Trung cho hay.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Bkav cho biết, hiện có quá nhiều app, mỗi app kết nối đến cơ sở dữ liệu riêng. “Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ đã quyết định chính thức thống nhất một ứng dụng mới phòng, chống dịch Covid-19 dùng chung, kế thừa tất cả những giá trị của các ứng dụng trước đó. Các bộ, ngành và trung tâm đang làm việc khẩn trương, gấp rút. Nguyên vật liệu đã có, giờ chỉ cần thống nhất và triển khai”, ông Nguyễn Tử Quảng nói.

QR code là trụ cột quan trọng của quốc gia, trong đó có những người không có smartphone. App chỉ là công cụ, việc khó hơn nhiều là trung tâm công nghệ phần mềm liên thông được với nhau. QR code là vấn đề bắt buộc phải dùng. Sau này, không chỉ chống dịch, mà để bất kỳ ai cũng có thể tham gia.

Tin bài liên quan