Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Nội cần một nguồn vốn khổng lồ để triển khai các dự án hạ tầng. Ảnh: Dũng Minh

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Nội cần một nguồn vốn khổng lồ để triển khai các dự án hạ tầng. Ảnh: Dũng Minh

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BT

(ĐTCK) Một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt là hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) trên toàn quốc hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc vì liên quan đến yêu cầu dừng “trả công” cho chủ đầu tư bằng đất đối ứng.

BT vẫn phù hợp

Giới chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận những đóng góp của các dự án BT vào sự phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thị trường bất động sản và tiến trình đô thị hóa của nước ta trong hàng chục năm qua. Và cho dù trong quá trình triển khai có bộc lộ những hạn chế bất cập, sai phạm thì cũng không nên vì một vài “con sâu” mà đánh đồng cả một hình thức đầu tư xã hội hóa trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp.

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT đối với 5 dự án BT đã có quyết định triển khai. Đầu tháng 8, cơ quan này có văn bản yêu cầu, kể từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định vấn đề này có hiệu lực thi hành.

Điều này gây nhiều băn khoăn cho không chỉ các nhà đầu tư mà ngay cả với các địa phương đang hợp tác triển khai các dự án BT, bởi nếu việc này được triển khai nghiêm túc, thì các dự án đã tiến hành từ đầu năm đến nay sẽ bị dừng bàn giao quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư. Trong khi đó, để triển khai các dự án hạ tầng, nhà đầu tư đã phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để thực hiện các hạng mục như đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công… Trong đó, nhiều hạng mục của dự án thậm chí phải chi tiền triển khai trước khi các hợp đồng được ký kết.  

Sự chậm trễ này cũng gây thiệt hại cho cả Nhà nước lẫn người dân, vì chắc chắc các nhà đầu tư sẽ phải tạm dừng để nghe ngóng trước khi có quyết định mới.

Theo nhận định của giới chuyên gia và lãnh đạo các địa phương, hình thức đầu tư  BT vẫn phù hợp với thực tế hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách các cấp còn hạn hẹp, việc tập trung những giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là hình thức PPP cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị đã và đang được nhiều địa phương ưu tiên.

Ông Phạm Quý Tiên, Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các công trình giao thông là yêu cầu bức thiết của Thành phố. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn khó khăn, việc đầu tư theo hình thức hợp tác công tư đã được Trung ương, Thành phố quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện từ nhiều năm qua.

Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 17/6/2018 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho 5 dự án công trình giao thông để giảm ùn tắc giao thông thực hiện theo hình thức BT.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai, có tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng; giá trị công trình BT là trên 848 tỷ đồng; Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông có tổng mức đầu tư khoảng trên 1.960 tỷ đồng; giá trị công trình BT là trên 1.637 tỷ đồng. Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 có tổng vốn đầu tư khoảng trên 1.620 tỷ đồng, giá trị công trình BT là gần 1.425 tỷ đồng. Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân có tổng vốn đầu tư khoảng 1.412 tỷ đồng, giá trị công trình BT là 1.344 tỷ đồng...

Theo ông Phạm Quý Tiên, đây là các dự án được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 - 2015. Nhà đầu tư đã bố trí vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đã được UBND Thành phố báo cáo các bộ, ngành Trung ương xem xét và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép Thành phố chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.

Kế đến là tỉnh Vĩnh Phúc với các dự án đầu tư theo hình thức BT như khu vực hồ điều hoà Sáu Vó do nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đề xuất gồm 3 dự án theo hình thức hợp đồng BT: Dự án xây dựng tuyến đường trục giao thông và cảnh quan Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc (tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng); Dự án xây dựng tuyến đường trục giao thông Đông - Tây đô thị Vĩnh Phúc (tổng mức đầu tư 979 tỷ đồng); Dự án đầu tư công trình hồ điều hòa Sáu Vó phục vụ tiêu thoát, chống ngập lụt cho đô thị Vĩnh Yên kết hợp dự trữ nước sản xuất nông nghiệp tại các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc (tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng).

Trong khu vực miền Trung, Nghệ An cũng là địa phương đẩy mạnh triển khai đầu tư theo mô hình BT với hàng loạt dự án như: Dự án xây dựng cầu Cửa Tiền II; Dự án đường Lý Thường Kiệt kéo dài đoạn đi qua phường Hưng Bình (TP. Vinh); Dự án xây dựng cầu Hiếu 2 trên địa bàn thị xã Thái Hòa; Dự án Trường Tiểu học Hưng Phúc (TP. Vinh)… Nhiều dự án khác đang được đề xuất như Dự án xây dựng khu hành chính, văn hóa và thể thao phường Thu Thủy (thị xã Cửa Lò), Dự án xây dựng một số tuyến đường nội thị để phát triển hạ tầng giao thông thị trấn Yên Thành (Yên Thành), Dự án xây dựng tuyến đường giao thông liên xã Quỳnh Hậu - Quỳnh Hồng - Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu)…

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế, thì huy động vốn từ hình thức BT sẽ có thêm nhiều công trình thành công, người dân cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, tại một số dự án BT cũng có những điểm thiếu minh bạch, gây dư luận không tốt đối với cả hình thức đầu tư này. Do đó, cần có những sửa đổi, bổ sung để phát huy những mặt mạnh của mô hình BT trong phát triển kinh tế - xã hội.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã có đóng góp rất lớn xóa điểm nghẽn trong phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia. Mặc dù việc thực hiện BT còn gây một số bức xúc trên thực tế do thiếu chuyên nghiệp từ nhiều phía, nhưng hoàn thiện cơ chế BT, nâng cao tính chuyên nghiệp vẫn là giải pháp tốt cho phát triển hạ tầng.

Do đó, theo quan điểm của nhiều địa phương, ban, ngành cũng như các nhà đầu tư, cùng với việc nghiên cứu sửa đổi chính sách, cần tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ công trình, trong đó có việc xử lý dứt điểm công tác đối ứng quyền lợi cho các dự án đã và đang triển khai.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Theo nhận định của giới chuyên gia, do tại nhiều dự án BT không được đấu thầu rộng rãi nên dư luận cho rằng, nhà thầu được hưởng giá gói thầu cao trong khi các khu đất đối ứng được định giá thấp. Từ đây, cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trong việc tháo gỡ khó khăn cho hình thức đầu tư BT.

Chia sẻ với báo chí về quyết định tạm đình chỉ chuyển giao quyền lợi đối ứng cho dự án BT, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, không thể bắt các hoạt động đang cấp tập phải “ngừng lại” chờ đợi. Bởi như vậy sẽ tốn kém tiền bạc, công sức của tất cả các bên: nhà đầu tư, nhà nước và cả người dân. Tiếp đó, khi các hợp đồng BT đã được đề xuất, hình thành, quyết định và ký hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành thì không thể dừng lại.

“Tôi cho rằng, các địa phương cứ thực hiện những dự án BT đang triển khai theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Những vấn đề có liên quan tới đất đai thanh toán cho nhà đầu tư hạ tầng được giải quyết theo các quy định của Luật Đất đai 2013”, ông Võ nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết: “Nếu tạm dừng hình thức đầu tư này không biết đến chừng nào và nhà thầu kiêm nhà đầu tư sẽ bị thiệt. Theo tôi, công trình, dự án được lựa chọn theo đúng quy định của BT giai đoạn trước đây, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nên cho doanh nghiệp tiến hành thực hiện hoạt động xây dựng công trình”.

Liên quan đến hoạt động đầu tư theo hình thức BT, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 5589/BKHĐT-QLĐT gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu gửi báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện các dự án BT về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/8. Đó sẽ là một trong những cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công theo hình thức PPP trình Chính phủ và Quốc hội.

Theo đó, trong báo cáo này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được đề nghị cung cấp kết quả triển khai dự án BT (đánh giá, nhận xét về tác động của việc thực hiện dự án BT đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đối với việc giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước); các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, hình thức thanh toán (tiền hoặc quỹ đất); các khó khăn vướng mắc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nêu quan điểm của mình về việc duy trì loại hợp đồng BT trong hình thức đầu tư PPP để cơ quan soạn thảo tổng hợp, đề xuất định hướng xây dựng Luật trong thời gian tới.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan