Mô hình Dự án Sân bay Long Thành được dự kiến có thể phục vụ 100 triệu hành khách/năm

Mô hình Dự án Sân bay Long Thành được dự kiến có thể phục vụ 100 triệu hành khách/năm

Cần thêm lý do thuyết phục hơn để đầu tư sân bay Long Thành

Cần bổ sung thêm những chứng lý giàu tính thuyết phục hơn cho Báo cáo đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước khi trình Quốc hội thông qua.

Đây là kết luận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh – Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (LTIA) tại phiên họp thứ hai vừa diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần trước.

“Với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ USD cho giai đoạn I, quy mô xây dựng lên tới 5.000 ha, lại được triển khai trong bối cảnh chúng ta chưa thật dư dả về tiền bạc, công tác chuẩn bị đầu tư TLIA cần được chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng để việc đầu tư có tính khả thi cao”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh yêu cầu đơn vị lập báo cáo đầu tư - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Được biết, Hội đồng thẩm định do Thủ tướng Chính phủ quyết định gồm 16 thành viên, trong đó Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ tịch, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, có chức năng giúp Chính phủ thẩm định Báo cáo đầu tư Dự án, trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Điểm nhấn đáng chú ý tại phiên họp lần thứ hai, chính là sự đồng thuận ở mức cao của các thành viên Hội đồng về sự cần thiết của việc đầu tư LTIA cấp 4F công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm (giai đoạn I có công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng/năm) vừa có khả năng chia sẻ gánh nặng cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, vừa chức năng trung chuyển quốc tế trong khu vực.

Các thành viên Hội đồng cũng thống nhất chọn phương án phát triển LTIA theo quy hoạch được duyệt thay cho phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất hoặc mở rộng, cải tạo căn cứ không quân Biên Hòa.

Trước đó, theo Báo cáo giải trình kết luận của Chủ tịch Hội đồng tại phiên họp thứ nhất, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẳng định, do năm 2016, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt hết công suất là 25 triệu khách/năm, nên việc xây dựng một cảng hàng không mới là cần thiết. Trong khi đó, dự báo lượng hành khách qua lại khu vực TP.HCM vào năm 2020 là 30,3 triệu khách và vào năm 2030 sẽ là 53,4 triệu khách.

Bên cạnh đó, so với phương án mở rộng, cải tạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và mở rộng/cải tạo căn cứ không quân Biên Hòa, việc xây dựng mới LTIA được các thành viên Hội đồng đánh giá là phương án tối ưu.

Cụ thể, chi phí xây dựng mới sân bay tại Long Thành (giai đoạn I) chỉ vào khoảng 7,817 tỷ USD, trong đó đã chi phí thu hồi đất là 730 triệu USD (1.500 hộ dân tái định cư). Trong khi đó, cùng với đề bài như trên, nếu mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cần tới 9,15 tỷ USD chi phí xây dựng cùng 16,1 tỷ USD giải phóng mặt bằng và di dời một lượng dân cư khổng lồ lên tới 150.000 người.

Việc biến Sân bay Biên Hòa thành sân bay dân sự cũng không có tính khả thi, dù có chi phí xây dựng tương đương, nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 4,6 tỷ USD và phải bố trí thêm một căn cứ không quân thay thế. Khu vực Sân bay Biên Hòa cũng đang bị nhiễm độc dioxin cần chi phí rất lớn để tẩy độc. Mặc dù thống nhất về sự cần thiết phải đầu tư sân bay LTIA trong thời gian tới, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Báo cáo đầu tư chưa làm rõ lợi thế cạnh tranh của LTIA với chức năng trung chuyển trong điều kiện các cảng hàng không có cùng tính chất, quy mô trong khu vực đã được đầu tư hiện đại, hoạt động ổn định với chất lượng dịch vụ cạnh tranh và chuyên nghiệp hơn.

“Phải trả lời được câu hỏi, vì sao chúng ta cần LTIA trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế và làm rõ những điều kiện cần để LTIA trở thành sân bay trung chuyển quốc tế”, GS -TSKH Lã Ngọc Khuê, một trong hai chuyên gia phản biện yêu cầu. Liên quan tới quy mô dự án, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương yêu cầu, chủ đầu tư cần phải cập nhật thêm các cơ sở xác định quy mô đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vì quy mô, công suất liên quan đến vốn đầu tư; thuyết minh rõ phân kỳ đầu tư của Dự án, cần tính toán kỹ, đảm bảo hiệu quả đầu tư và bố trí nguồn vốn phù hợp; đồng thời làm rõ phương án kết hợp khai thác giữa Long Thành và Tân Sơn Nhất trong từng giai đoạn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không và tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện tại của Tân Sơn Nhất.

Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng đất do đất đai là tài nguyên hữu hạn, nhất là khi để đầu tư hoàn chỉnh TLIA cần tới hơn 5.000 ha, trong đó có nhiều diện tích đất trồng cây công nghiệp có giá trị.

“Ước tính có khoảng 30.000 dân tỉnh Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng bởi Dự án, nên ngoài việc tiến hành tái định cư, chủ đầu tư phải sớm điều tra, đề xuất phương án chuyển đổi nghề nghiệp đảm bảo đời sống ổn định cho người dân”, TS. Nguyễn Ngọc Long – chuyên gia phản biện đồng thuận.

Về khái toán tổng mức đầu tư và hiệu quả đầu tư, ông Long đề nghị cần cập nhật lại tổng mức đầu tư theo thời giá năm 2013; so sánh với suất đầu tư của các cảng hàng không tương tự trong khu vực và thế giới; phân tích kỹ tính khả thi của việc huy động vốn: khả năng hoàn trả khi sử dụng vốn ODA, phân rõ vai trò của nhà nước và tư nhân trong trường hợp đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Được biết, tại cuối phiên thẩm định thứ hai, các thành viên Hội đồng Thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu kín về việc có đồng ý/chưa đồng ý việc trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án tại kỳ họp gần nhất (tháng 5/2015)

 “Trong khi chờ kết quả bỏ phiếu, chủ đầu tư Dự án có khoảng 15 ngày cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa lại báo cáo đầu tư theo góp ý của Hội đồng thẩm định”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh yêu cầu.

Tin bài liên quan