Cảnh giác với mô hình huy động vốn Ponzi biến tướng trong đầu tư nhà trọ

Cảnh giác với mô hình huy động vốn Ponzi biến tướng trong đầu tư nhà trọ

(ĐTCK) Không chỉ Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, thị trường bất động sản hiện nay còn tồn tại nhiều công ty kinh doanh theo hình thức đa cấp bất chính khác, khiến nhiều người ôm trái đắng.

Cam kết lợi nhuận cao - "mồi câu" hấp dẫn

Mô hình Ponzi là mô hình không còn xa lạ trên thế giới và tại Việt Nam, là phương thức vay tiền của người sau để trả nợ người trước. Dù có được nâng cấp thế nào, thì tôn chỉ duy nhất khiến Ponzi thành công trong hơn 100 năm qua chính là: Nhà đầu tư được hứa hẹn một mức lợi nhuận siêu cao trong một thời gian vô cùng ngắn và đặc biệt, không đi kèm hoặc đi kèm rất, rất ít rủi ro.

Người huy động vốn quảng cáo về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây, khiến nhà đầu tư bị hấp dẫn với giấc mơ làm giàu nhanh. Để có hoa hồng lớn, thu nhập cao hơn, nhà đầu tư sẽ giới thiệu, rủ rê những người khác. Bằng hình thức này, người vay ngày càng thu hút được nhiều tiền hơn.

Bằng cách lấy tiền từ những nhà đầu tư mới, người huy động vốn sẽ có đủ khả năng tài chính để chi trả cho những nhà đầu tư đến sớm và thuyết phục họ tái đầu tư kèm theo việc kêu gọi theo nhiều người khác tham gia. Đương nhiên, mô hình kinh doanh này rõ ràng là không bền vững và đến một lúc nào đó cũng sẽ bị gãy. Khi hệ thống đã phát triển, người khởi xướng bắt buộc phải tìm kiếm thêm các nhà đầu tư mới gia nhập mô hình để có thể duy trì được khả năng trả lãi đã hứa.

Cuối cùng, khi hệ thống đạt tới mức không thể duy trì được nữa, người khởi xướng hoặc sẽ bị bắt hoặc sẽ biến mất cùng với số tiền thu được từ các nhà đầu tư. Hiện nay, tại Việt Nam, các cách huy động vốn tiền thật dựa trên mô hình Ponzi phát triển biến tướng không ngừng, thậm chí với những mô hình tinh vi hơn.

Chẳng hạn, gần đây trên thị trường xuất hiện những mô hình kinh doanh nhà trọ với lời mời chào hấp dẫn như sau: Đầu tư chỉ với 40 triệu đồng/phòng trọ; Không giới hạn phòng trọ; Lợi nhuận cho thuê 36%/năm; Thu về hàng tháng 1,2 triệu đồng; Không phải vận hành quản lý; Cam kết mua lại với lợi nhuận 25% so với giá gốc.

Đối với rất nhiều người, mức đầu tư chỉ 40 triệu đồng xem chừng khá nhỏ so với nhiều vụ huy động vốn đa cấp khác, nhưng nhỏ mới rủi ro, vì đây là số tiền dưới mức phải suy nghĩ, hay đắn đo và phù hợp với rầt nhiều người, kể cả sinh viên, người lao động, hay các bạn trẻ muốn làm giàu nhanh. Chính vì thế, nó càng dễ khiến cho mọi người lao vào vòng xoáy để kêu gọi mọi người, bao gồm cả bạn bè, người thân vào cùng tham gia.

Thực tế, nếu là những người chuyên nghiệp, không bao giờ họ tin có lợi nhuận 25 - 36%/năm khi cho thuê phòng trọ. Bởi trên thị trường Việt Nam hay trên thế giới, mức lợi nhuận cho thuê chỉ dao động từ 5 - 8% đối với các dự án, để đạt được mức trên 10%/năm là cá thể hoặc rất siêu sao mới làm được. Việc các đơn vị đưa ra lợi nhuận cho thuê mức 25 - 36%/năm là rất thiếu thực tế.

Một ví dụ rất cụ thể có thể thấy, một mảnh đất ở 100 m2 tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai giá 1 tỷ đồng, xây được 4 phòng trọ 25 m2. Tiền xây dựng hết 80 triệu đồng/phòng, mỗi tháng cho thuê 2 triệu đồng, mỗi năm thu được 24 triệu đồng. Tiền đầu tư 1 nhà trọ ( bao gồm xây nhà và tiền mua đất ) là 250 + 80 = 330 triệu đồng. Như vậy, lợi nhuận trung bình 1 năm xấp xỉ 7,3% (24/330), chưa kể chi phí bảo trì, thời gian phòng không lấp đầy lúc mới xây xong hoặc lúc thời điểm hè hay tháng tết trả phòng.

Nếu đúng là có mức lợi nhuận lên tới 25 - 36%/năm, thì chắc toàn bộ hệ thống ngân hàng rút hết tiền gửi cho công ty này đầu tư.

Hãy cảnh giác và cùng lên tiếng

Luật pháp không cấm kinh doanh đa cấp, nhưng lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là phạm pháp. Kinh doanh đa cấp không phải là điều xấu và mô hình Ponzi cũng có những điểm mạnh của nó. Thế nhưng, một số đối tượng lại lợi dụng các mô hình này với ý định lửa đảo, phần lớn kinh doanh những mặt hàng không có thật.

Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo có thành công hay không phụ thuộc vào sự tỉnh táo và am hiểu thị trường của nhà đầu tư. Lợi nhuận là điều mà nhà đầu tư nào cũng mong muốn, nhưng bất cứ cơ hội đầu tư nào hứa hẹn lợi nhuận ở mức cao và chóng gọn với khoản đầu tư ban đầu không lớn đều có dấu hiệu không trung thực.

Điều này đặc biệt đúng với những vấn đề ít phổ thông, khó nắm bắt hoặc những vấn đề mang hàm lượng kỹ thuật cao như đầu tư tài chính. Những cơ hội trên trời rơi xuống, hay những lời mời đột ngột - kể cả từ những người thân quen, gần gũi - đều cần phải được cân nhắc cẩn trọng bởi nhóm người này luôn là đối tượng được tiếp cận đầu tiên.

Đa phần hợp đồng này là hợp đồng góp vốn, cam kết chỉ mang yếu tố hai bên tự thỏa thuận, là dân sự, nên khi họ xác định lừa đảo, các nhà đầu tư sẽ khó có thể thu hồi lại khoản tiền mình đã bỏ ra. Đây thực sự là vấn nạn của xã hội, tạo nên tiền lệ xấu cho thị trường bất động sản. Đã quá nhiều vụ việc tương tự xảy ra, nhưng khi chính quyền vào cuộc thì đã quá muộn, vì số người bị hại, số tiền lừa đảo đã không thể nào tưởng tượng được.

Hậu quả để lại, không chỉ cá nhân nhà đầu tư, mà kéo theo đó là cả một hệ lụy bao gồm người thân, bạn bè…

Vì vậy, để không bị rơi vào bẫy của lừa đảo, mọi người cần tỉnh táo trước khi nộp tiền, nêu không nghe lời khuyên của người thân, thì chí ít cũng nên tìm hiểu, nghe lời khuyên từ các chuyên gia, người có kinh nghiệm.

Ngoài ra, để ngăn chặn các mô hình lợi dụng đa cấp để lừa đảo người dân, báo chí cần có nhiều bài phân tích, tuyên truyền để cảnh báo người dân; các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm bắt, thanh kiểm tra để ngăn chặn kịp thời, bảo vệ người dân.

Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam/Founder King Broker/Co - Founder batdongsan.vn

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan