Cấp thiết đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

0:00 / 0:00
0:00
Cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với quy mô giai đoạn 1 đã không còn đáp ứng nhu cầu khai thác do được tính toán dựa trên lưu lượng xe cách đây hơn 10 năm.
Điểm đầu tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Điểm đầu tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tuyến TP. HCM - Trung Lương được đầu tư đưa vào khai thác giai đoạn 1 cách đây đã hơn 10 năm là tuyến cao tốc có lưu lượng xe lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tuyến thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt là các dịp cuối tuần, lễ, Tết và khi phương tiện gặp sự cố hư hỏng, va chạm…

Đối với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch được phê duyệt, có quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang 32,25m. Tuy nhiên, hiện tại tuyến mới đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h, trên tuyến chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp có chiều rộng khoảng 2m bao gồm vạch sơn.

Cụ thể, toàn tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10km/1 dải/1 chiều. Việc bố trí này không khả thi trong quá trình khai thác sử dụng vì khi xe gặp sự cố không thể tự chạy tới điểm dừng, đồng thời phương tiện cứu nạn cứu hộ sẽ không kịp thời xử lý các sự cố.

Thường xuyên di chuyển chặng Tiền Giang - TP.HCM và ngược lại, anh Trần Thanh Sang cho biết: “Trung bình một tuần tôi đi từ huyện Cái Bè, Tiền Giang lên TP.HCM khoảng 2 lần, chạy cao tốc đi nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian. Lo lắng canh cánh của tôi khi đi trên tuyến là nếu xe có sự cố chết máy, hư hỏng thì khá nguy hiểm do không có chỗ tấp vào để sửa mà phải đậu luôn ở làn xe chạy”.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Long gửi tới sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về nội dung cử tri kiến nghị xây dựng làn đường dừng khẩn cấp trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhằm tránh gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông, và xem xét cần xây dựng đường cao tốc trước khi định hướng phát triển kinh tế…

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, để khắc phục những bất cập và sớm hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch được phê duyệt, nhằm phát huy hiệu quả khai thác các tuyến vành đai của TP.HCM, các tuyến cao tốc đang và sẽ được đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ GTVT đã làm việc và thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang để nghiên cứu đầu tư mở rộng, hoàn thiện tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND Tiền Giang báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư hoàn thiện tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đảm bảo đúng quy mô 6 làn xe và có làn đường dừng khẩn cấp theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Được biết, cuối tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp (là các nhà đầu tư đã đề xuất các phương án khả thi và phù hợp với quy định của Luật PPP) về nội dung đề xuất đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng cũng đã khẳng định việc sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc từ TP.HCM đi Trung Lương và Mỹ Thuận là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết là sẽ tiến hành nghiên cứu phương án triển khai thực hiện tuyến cao tốc tách thành 2 Dự án độc lập trên cơ sở 2 đoạn tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1. Đồng thời thống nhất giao UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm Cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 dự án Trung lương - Mỹ Thuận, UBND tỉnh Long An hoặc UBND TP.HCM làm Cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 dự án TP.HCM - Trung Lương.

Trước đó, các địa phương gồm UBND TP.HCM, UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh Tiền Giang đều có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đề xuất đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Căn cứ vào đề nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý đề xuất của các địa phương TP. HCM, Long An, Tiền Giang về việc đầu tư giai đoạn 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương và người dân đều thấy sự cấp thiết và cần thiết phải đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, sẽ làm như thế nào, và khi nào làm vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ cần sớm có đáp án từ phía các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương.

Tin bài liên quan