Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sụt giảm mạnh cả điểm số và thanh khoản.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sụt giảm mạnh cả điểm số và thanh khoản.

Câu chuyện của dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái ngược với năm 2021, thị trường chứng khoán năm 2022 là “một năm buồn” với nhà đầu tư.

Nhà đầu tư mất niềm tin

Tăng trưởng GDP tốt nhất thế giới, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá biến động không tiêu cực như nhiều quốc gia khác…, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có diễn biến ngược lại, nhiều lần được xếp hạng trong bảng “giảm mạnh nhất” trên thế giới.

Thị trường chứng khoán vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, nhưng hàn thử biểu này trong giai đoạn vừa qua đang có những phản ánh được cho là lệch pha. Không chỉ của các nhà đầu tư non trẻ, mà cả những nhà đầu tư kỳ cựu cũng không hình dung được mức độ khốc liệt và chuyển biến quá nhanh của thị trường vừa qua.

Sự kiện FLC và Tân Hoàng Minh mở màn cho chuỗi giảm điểm trường kỳ của VN-Index trong năm 2022. Tiếp đó là cú bồi mạnh mẽ hơn từ vụ việc Vạn Thịnh Phát - SCB, tác động trực diện tới lòng tin của nhà đầu tư, khiến thanh khoản ngày càng cạn kiệt.

“Năm 2022 xem như bỏ, xoá đi làm lại” là suy nghĩ của rất nhiều nhà đầu tư. Hiện tượng giá cổ phiếu giảm sâu hàng loạt trong tháng 11, hiệu ứng tuyết lăn, giá càng giảm, áp lực call margin, force sell càng lớn, bán giải chấp treo lệnh hàng chục, cả trăm triệu đơn vị nhưng trắng bên mua…, càng nhấn sâu điểm số thị trường và cả lòng tin của nhà đầu tư.

Ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý Quỹ PYN Eltie Fund chia sẻ rằng, ông cùng đội ngũ của mình đã trải qua một năm đầy bất ngờ và vô cùng đặc biệt tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường của quốc gia được xem là có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất, cạnh tranh nhất và tỷ lệ nợ thấp nhất châu Á đã phải đối mặt với sự điều chỉnh mạnh.

Ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh, Công ty cổ Phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, tất cả các thị trường trên thế giới thời gian qua đều có sự sụt giảm, nguyên nhân từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Tại Việt Nam, GDP tăng trưởng tốt, song thị trường chứng khoán lại ghi nhận sự sụt giảm bậc nhất, nguyên nhân ngoài việc siết chặt tín dụng, còn bắt gặp vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp, hay nguồn vốn đang bị kẹt.

Khi tín dụng bị thắt chặt, dòng vốn chảy vào bất động sản hay kênh trái phiếu bị “đóng băng”, nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản tìm cách huy động từ các kênh khác như cầm cố cổ phiếu thuộc sở hữu của mình, của người thân và các tổ chức liên quan. Hành động này gây rủi ro khi cổ phiếu được cầm cố giảm mạnh, gây nên hiệu ứng hòn tuyết lăn nhiều ngày qua.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang chịu nhiều thử thách bởi những quy định chặt chẽ hơn trên thị trường trái phiếu. Điều này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sẽ khiến thị trường xáo động trong ngắn hạn, nhưng sẽ tốt trong dài hạn.

Với mức giảm mạnh từ đỉnh 1.500 điểm về vùng 950 điểm, thậm chí có lúc giảm sâu dưới ngưỡng 900 điểm, định giá của VN-Index đã đi về mức thấp trong nhiều năm, thấp hơn cả lúc mới xảy ra Covid, nhưng vẫn không thu hút được dòng tiền.

Cần giải bài toán trái phiếu

Thanh khoản vẫn là tâm điểm của thị trường khi tiếp tục bị thu hẹp, nguyên nhân chủ yếu được bắt nguồn từ lo ngại về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khi thị trường này đã tăng nóng trong vài năm gần đây.

Sau các vụ việc sai phạm ở một số tập đoàn lớn bị xử lý, áp lực nhà đầu tư đáo hạn trái phiếu trước hạn gia tăng, đã tác động tiêu cực đến các tổ chức tài chính, các tổ chức phát hành trái phiếu và cả thị trường chứng khoán.

Hệ quả, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE giảm về mức 9.253 tỷ đồng/phiên trong tháng 10. Các đợt sụt giảm sâu trong tháng 10, tháng 11 khiến hơn 90% cổ phiếu ghi nhận giảm giá, trong đó rất nhiều cổ phiếu giảm giá đến 60 - 70% liên tục xác lập mức đáy mới của năm.

Nếu như vài năm trước, nhà đầu tư mong HPG về dưới 20.000 đồng/CP, IDC về dưới 40.000 đồng/CP, DGC về dưới 60.000 đồng/CP, hay như STB về dưới 25.000 đồng/CP, NVL dưới 70.000 đồng/CP….sẽ “mua ngay”, nhưng hiện giờ đây, HPG rơi sâu dưới 15.000 đồng/CP, có lúc dưới 12.000 đồng/CP; IDC từ vùng giá 6x về hẳn 23.000 - 24.000 đồng/CP; NVL giảm sàn liên tục mười mấy phiên và tính tới tuần cuối tháng 11, giá cổ phiếu đang ở vùng 23.000 đồng/CP; STB cũng chỉ còn 18.200 đồng/CP…, nhưng nhà đầu tư vẫn đang “rất rén”.

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, vùng giá này là rất hấp dẫn với những doanh nghiệp đầu ngành, có lịch sử phát triển tốt, nhưng họ vẫn đang hoang mang chưa rõ những vấn đề liên quan đến sai phạm còn tới đâu, ứng xử của doanh nghiệp trước những áp lực thanh khoản, cụ thể là trả nợ trái phiếu trước hạn/đến hạn có giải pháp nào khả thi không, khi việc phát hành mới để đảo nợ đã đứng im từ quý II đến nay.

Bên cạnh đó, nếu như trước đây, giá cổ phiếu giảm sâu có lực đỡ từ các “ông chủ” lớn, thì nay, dòng tiền đó cũng đang được ưu tiên quay về sản xuất, bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp.

Diễn biến rõ nhất là dòng tiền margin, tại thời điểm cuối quý III/2022, tổng dư nợ cho vay (dư nợ margin + tạm ứng) hơn 168.000 tỷ đồng, con số được cho là kỷ lục, nhưng giao dịch hàng ngày vẫn rất thấp. Lý giải điều này, các chuyên gia đồng thuận cho rằng, các tài sản dễ thanh khoản như cổ phiếu đang bị bán ra hoặc sử dụng làm tài sản đảm bảo nhằm lấy tiền mặt cho nhu cầu ngoài giao dịch...

Chưa kể, đứng trước bối cảnh rủi ro trên thị trường chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán cũng đang tăng tốc thu hồi vốn cho vay margin.

Điều này được thể hiện ở làn sóng bán giải chấp “bất chấp, không gia hạn thời gian xử lý” trong tháng 11, đặc biệt ở những khoản lớn, tài khoản của lãnh đạo doanh nghiệp…

Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo dự báo, dòng tiền margin đã giảm về vùng 90.000 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 70.000 tỷ đồng dư nợ margin so với cuối quý III/2022.

Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán, cũng nhanh chóng tăng tỷ lệ tiền mặt, nhằm hỗ trợ xử lý về vấn đề thanh toán trước kỳ hạn trái phiếu của chính mình, cũng như của tổ chức phát hành là khách hàng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 tháng của năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 330.000 tỷ đồng, giảm 25,2% so với năm 2021. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 150.000 tỷ đồng. Các đơn vị có khối lượng phát hành lớn nhất gồm tổ chức tín dụng, bất động sản, xây dựng…

Trong khi đó, theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 ước tính ở mức 350.000 tỷ đồng, tương đương gần bằng 1⁄4 dư nợ tăng thêm của hệ thống ngân hàng năm 2022 (giả định tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%).

Đây chính áp lực lớn đè nặng lên vấn đề thanh khoản của thị trường chứng khoán hiện nay và trong năm tiếp theo, nếu như không có giải pháp, chính sách mới.

Theo ông Petri Deryng, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong khu vực, nhưng định giá lại đang rơi xuống mức thấp chưa từng có. Về nội tại, các công ty niêm yết của Việt Nam vẫn rất vững chắc và tỷ lệ ròng của nợ trên vốn chủ sở hữu đạt 19,4%, ở mức rất vừa phải.

Xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh trong năm 2022, tăng 13% tính tới giữa tháng 11, nhưng khả năng cao đà tăng trưởng sẽ dần yếu đi trong thời gian tới.

Như vậy, có thể thấy, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đã rất hấp dẫn, nhưng thanh khoản bị tắc nghẽn do những vấn đề xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dù tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt đã giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa hỗ trợ thanh khoản trên thị trường mở, giải tỏa một phần áp lực vốn toàn thị trường, nhưng các chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc hỗ trợ này vẫn chưa đủ mạnh mẽ để khơi thông dòng vốn hiện đang tắc nghẽn trên thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan