Các ngân hàng vẫn ráo riết chạy đua thu hút vốn phục vụ mùa kinh doanh cuối năm

Các ngân hàng vẫn ráo riết chạy đua thu hút vốn phục vụ mùa kinh doanh cuối năm

Câu vốn bằng lãi suất cộng dồn

(ĐTCK-online) Sau những hành động quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với việc vi phạm trần lãi suất 14%/năm vừa qua, hoạt động huy động vốn đã đi vào khuôn khổ. Tuy nhiên, theo khảo sát của ĐTCK, một số ngân hàng hiện nay “tinh vi” hơn trong việc lách trần bằng cách huy động tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất 14%/năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, cách thực hiện lãi suất không kỳ hạn với mức trần 14%/năm cũng tương tự với cách tính lãi suất kép tại Mỹ. Nghĩa là hôm nay khách hàng gửi 100 triệu đồng, qua đêm với lãi suất 14%/năm, được trả lãi khoảng 40.000 đồng. Ngày hôm sau, khách hàng sẽ được cộng dồn số tiền gửi tiếp qua đêm trên vốn và lãi của ngày hôm trước là 100.040.000 đồng với lãi suất 14%/năm. Như vậy, với hình thức gửi như trên, lãi suất thực không còn là 14%/năm mà có thể lên đến 16%/năm sau 365 ngày khách hàng gửi tiền trong ngân hàng.

Các chuyên gia kinh tế nhận xét, sau khủng hoảng kinh tế từ giữa năm 2008 đến nay, đường cong lãi suất ở Việt Nam vẫn thẳng tắp và đi xuống ở những kỳ hạn dài. Đó là một nghịch lý trong hoạt động ngân hàng. “Lãi suất ở Việt Nam ngược với Mỹ ở chỗ, tại Mỹ, lãi suất qua đêm nhiều khi không được tính lãi hoặc có tính lãi thì rất thấp. Chỉ có lãi suất có kỳ hạn mới cao và kỳ hạn càng dài càng cao”, một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nói.

Hay một hình thức khác được một số ngân hàng đang thực hiện để “câu” DN là gợi ý DN mở tài khoản thanh toán không kỳ hạn trên ngân hàng mình với lãi suất 3%/năm, nhưng ngân hàng sẽ tặng riêng cho người đi gửi tiền hay lãnh đạo DN đó khoản chênh lệch là 11%/năm, nghĩa là vẫn không quá quy định của NHNN về lãi suất huy động không quá 14%/năm. Gọi là không kỳ hạn nhưng DN thỏa thuận ngầm với ngân hàng gửi tiền với thời hạn 1 tháng và khoản chênh lệch này được ngân hàng trao tay bằng tiền mặt cho đối tác.

“Tôi phục nhiều ngân hàng Việt Nam ở chỗ họ rất ‘sáng tạo’, lách trần bằng mọi cách để đẩy lãi suất huy động lên, kéo khách hàng của nhau”, ông Hiếu nói. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng như các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các ngân hàng đều công nhận rằng, các tổ chức tín dụng đã không vi phạm quy định của NHNN, bởi NHNN không đưa ra quy định rõ rằng lãi suất huy động 14%/năm cho kỳ hạn nào. Đối với người gửi tiền thì điều này là tốt bởi lãi suất thực cao, nhưng đối với nền kinh tế, đặc biệt trong hệ thống ngân hàng, thì cách hành xử như trên rất nguy hiểm do rủi ro thanh khoản cao.

Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lại nêu quan điểm, không thể chắc chắn rằng với mức lãi suất huy động 14%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn sẽ gây rủi ro cao về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Bởi việc thực hiện lãi suất như trên chỉ đơn giản nhằm mục đích nâng lãi suất lên cho khách hàng, chứ kể cả trong trường hợp gửi tiền kỳ hạn dài, khách hàng không thích hay có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản thì họ vẫn rút tiền bình thường.

Những chiêu lách luật để thu hút vốn trong giai đoạn vừa qua chỉ là bề nổi những khó khăn thuộc về bản chất của các ngân hàng hiện nay. Có thể thấy rất rõ là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng vẫn tồn tại và gây nhiều hệ lụy. Theo công ty chuyên đánh giá nợ quốc gia Moody’s Investors Service thì chính những bất cân đối của nền kinh tế Việt Nam đang gây ra những rủi ro đối với chất lượng tài sản của ngân hàng, làm cho hoạt động tín dụng gặp khó khăn nhiều hơn. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện cũng đối mặt với nhiều yếu kém về cơ cấu như quy mô nhỏ, năng lực quản trị, điều hành còn hạn chế, trong khi hệ thống giám sát còn nhiều bất cập nên nợ xấu tăng nhanh.

Tại Hội nghị tham vấn đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam giữa các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á… với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa qua, quan điểm chung được các vị chuyên gia nhận định là Việt Nam phải quyết tâm cấu trúc lại khối ngân hàng. Những rủi ro hay yếu kém trong hệ thống NHTM đã được đề cập nhiều nhưng chưa bao giờ trở nên cấp bách như hiện nay, vì hệ thống tài chính Việt Nam vẫn lấy NHTM làm trung tâm, trong đó tín dụng ngân hàng đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp vốn cho sự vận hành của nền kinh tế.

Trao đổi với ĐTCK, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói: “Chính phủ cần nhận thức rõ những bất cập, yếu kém này để đưa ra các giải pháp hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng cũng như bảo vệ người gửi tiền. Theo đó, đối với các ngân hàng yếu, cần phải được cơ cấu lại hoạt động cho phù hợp với quy mô tài chính, năng lực quản trị; thậm chí trong một số trường hợp, cần sáp nhập với các định chế tài chính mạnh hơn. Chính phủ cũng cần trợ giúp các ngân hàng nâng cao năng lực quản trị thông qua cải thiện các luật, quy định và chính sách”.