Rupert Soames

Rupert Soames

CEO Aggreko đi làm kinh doanh… hơi phí?

(ĐTCK) Thảm hoạ động đất, sóng thần ở Nhật Bản (xảy ra ngày 11/3/2011) đã trôi qua được 1 năm. Nhân dịp này, có rất nhiều câu chuyện kể lại thảm hoạ kinh hoàng đó dưới các góc độ khác nhau.

 Ông Rupert Soames, 53 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) Aggreko - tập đoàn cung cấp thiết bị, máy móc phát điện dự phòng lớn nhất thế giới của Anh là một trong những người nước ngoài có mặt đầu tiên tại hiện trường, không hẳn chỉ để làm từ thiện, mà còn do… đặc thù công việc.

Chỉ sau khi thảm hoạ xảy ra vài ngày, ông cùng  đội ứng cứu của Aggreko với nhiều máy phát điện đã có mặt tại hiện trường. Một phần để giúp đỡ các nạn nhân, khắc phục các hậu quả và một phần thuộc về cơ hội kinh doanh.

“Đặc thù công việc của chúng tôi là vậy. Tôi luôn theo dõi sát các biến cố, thiên tai xảy ra trên thế giới. Nơi nào xảy ra thiên tai, chiến tranh cần đến điện là ngay lập tức tôi đặt vé máy bay đến đó trong thời gian sớm nhất có thể. Trong khi mọi người đều chạy đi, thì chúng tôi lại chạy đến. Công việc phải thế mà!”, ông Rupert Soames nói.

Hiện tại, Aggreko vẫn đang cung cấp điện cho các nhà máy, trường học ở một số vùng tại Nhật Bản (chưa được phục hồi hoàn toàn) theo một hợp đồng có trị giá 65 triệu bảng Anh (hơn 101,7 triệu USD).

Cái tên Aggreko có thể còn xa lạ với không ít người trên thế giới, song với giới đầu tư chứng khoán Anh và quốc tế, thì đây là một cổ phiếu blue-chip ở thị trường chứng khoán London, một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.

Aggreko là một trong những thành viên cấu thành nên chỉ số chứng khoán cơ bản FTSE 100 Index của Sở GDCK London. Với giá trị vốn hoá thị trường hiện là 6 tỷ bảng Anh, Aggreko còn lớn hơn cả những thương hiệu nổi tiếng hơn nhiều, như hệ thống siêu thị bán lẻ Marks & Spencer, Sainsbury’s….

Có trụ sở chính tại Glasgow (Scotland - Anh),  Aggreko hiện sở hữu khoảng 13.000 máy phát điện các loại (có công suất từ 10 KW đến 2 MW), sở hữu 144 trung tâm dịch vụ tại 34 quốc gia phục vụ cho các khách hàng tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nếu hoạt động, toàn bộ số máy phát điện này của Aggreko sẽ cung cấp tổng công suất 8.000 MW, tương đương 10% công suất của tất cả các nhà máy điện ở Anh.

Theo kết quả kinh doanh vừa được công bố đầu tuần này, trong năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Aggreko đạt 327 triệu bảng Anh, tăng 6% so với năm 2010, trong khi doanh thu là 1,4 tỷ bảng Anh, tăng 14%.

Dự báo, năm nay, kết quả kinh doanh của Aggreko sẽ tốt hơn nhiều. Thế vận hội mùa Hè 2012 - sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong năm - sẽ được tổ chức ngay tại London (Thủ đô Anh). Riêng Aggreko đã ký được hợp đồng trị giá 40 triệu bảng Anh với tư cách là công ty độc quyền cung cấp toàn bộ điện cho các thiết bị không sử dụng trực tiếp từ điện lưới quốc gia. Đó là cung cấp điện cho các hãng truyền hình trực tiếp tại các địa điểm không có điện, chẳng hạn như theo dõi bộ môn chạy Marathon… Cụ thể, Aggreko sẽ cung cấp 500 máy phát điện có tổng công suất 200 MW phục vụ cho các hoạt động của Olympic.

“Nếu bảng đồng hồ điện tử báo hiệu kết quả cuộc thi chung kết môn chạy cự ly 100 m (vốn là môn được nhiều người mong đợi nhất) mà không hiển thị thì tôi phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cao nhất. Vừa thiệt hại về tiền, vừa mất uy tín. Nhưng phải khẳng định ngay, điều này không bao giờ được phép xảy ra”, ông Rupert Soames nói.

Trước đó, Aggeko cũng đã từng được chọn là nhà cung cấp điện dự phòng duy nhất tại Thế vận hội mùa Hè năm 2008 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và Giải vô địch bóng đá thế giới 2010 ở Nam Phi…

Theo nhiều nhà phân tích Anh, ông Rupert Soames đi làm kinh doanh… hơi phí, bởi nếu ông đi vào con đường chính trị thì chắc có khi còn thành đạt hơn nhiều.

Trước hết, ông là con cháu nhà nòi về chính trị. Cả ông và vợ đều xuất thân từ các gia đình dòng dõi thượng lưu, thế phiệt trâm anh.

Ông là cháu ngoại của Winston Churchill, một trong những vị Thủ tướng lỗi lạc nhất trong lịch sử của xứ sở sương mù này. Bố ông là Lord Soames, đã từng là Thống sứ toàn quyền Anh tại Rhodesia (thuộc địa của Anh, nay là Zimbabwe). Anh và anh vợ hiện đều là nghị sĩ Quốc hội.

Bản thân ông có tài hùng biện, thu hút người nghe. Từ nhỏ đến lớn, ông đều được học ở các trường danh giá nhất Anh như Eton, Worcester và Đại học  Oxford. Cũng vì nói chuyện có duyên và có tư chất làm thủ lĩnh, nên năm 1980, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên tại Đại học Oxford. Trước ông, đảm nhiệm chức vụ này là bà Benazir Bhutto, sau này là Thủ tướng Pakistan. Sau ông, ông William Hague (hiện là Ngoại trưởng Anh) làm Chủ tịch. Nêu chi tiết này ra để thấy, nếu có nhảy vào làm chính trị, biết đâu ông cũng có thể trở thành “ông này, ông nọ” dạng “tai to, mặt lớn” trên chính trường Anh chứ chẳng chơi.