
Trong đó, một đợt tăng sản lượng 411.000 thùng/ngày trong tháng 7 - gấp ba lần so với số lượng ban đầu đã lên kế hoạch - nằm trong số các lựa chọn đang được thảo luận, mặc dù vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra tại cuộc họp của OPEC+ vào ngày 1/6.
Kể từ khi OPEC+ công bố mức tăng 411.000 thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6, giá dầu đã sụt giảm vì điều này gây áp lực lên nguồn cung trong bối cảnh lo ngại nhu cầu toàn cầu suy yếu do áp lực của thuế quan. Cuộc chiến thương mại cũng đã gây ra tổn thất do lo ngại sự gián đoạn trên toàn cầu sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế, gây tổn hại đến nhu cầu năng lượng.
“Chúng tôi kêu gọi tăng thêm 411.000 thùng/ngày hạn ngạch OPEC vào tháng 7, tương tự như tháng 5 và tháng 6… Việc tuân thủ của các quốc gia sản xuất quá mức không thay đổi nhiều và cho đến nay, các đợt tăng hạn ngạch trước đó đã được thị trường hấp thụ”, Martijn Rats, chiến lược gia dầu mỏ toàn cầu tại Morgan Stanley cho biết.
Trùng với thời điểm Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại vào tháng 4, đợt tăng nguồn cung bất ngờ từ OPEC+ ban đầu đã gây thiệt hại nặng nề cho giá dầu, khiến giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm gần 60 USD/thùng. Giá dầu đã phục hồi một phần kể từ đó khi Nhà Trắng bỏ một số mức thuế quan.
Mặc dù vậy, nhiều cơ quan dự báo vẫn đang đưa ra triển vọng bi quan về thị trường dầu mỏ trong năm nay. Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán rằng, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại trong thời gian còn lại của năm 2025 sau quý đầu tiên mạnh mẽ.
Goldman Sachs đã dự đoán, OPEC+ sẽ tạm dừng các đợt tăng sản lượng tiếp theo sau khi thống nhất tăng vào tháng 7.