CEO Phan Lê Mạnh

CEO Phan Lê Mạnh

CEO Rever Phan Lê Mạnh: Bỏ lại hào quang để tìm cơ hội mở khóa cuộc đời

0:00 / 0:00
0:00
Được nhiều người biết đến ở vai trò giám đốc hai dự án lớn của “kỳ lân” công nghệ VNG, nhưng Phan Lê Mạnh lại tìm chìa khóa của cuộc đời với dự án công nghệ bất động sản Rever.

Bỏ lại hào quang

Đã 5 năm trôi qua, nhưng với CEO Phan Lê Mạnh, những ngày đầu gây dựng thương hiệu Rever vẫn như mới. Đó là khoảng thời gian mà ông đặt rất nhiều câu hỏi cho bản thân: Mình đang muốn điều gì? Liệu mình có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn không?”...

Ra trường từ năm 2006 và may mắn được vào làm việc tại VNG, ông đã đạt được nhiều thành công ở công ty cũ. Năm 24 tuổi, ông đã là Giám đốc Dự án Zing MP3 và liên tiếp sau đó là sự thành công của rất nhiều sản phẩm, trong đó có Zalo.

“Lúc đó, rất nhiều thứ giằng xé. Tôi hoài nghi bản thân, tự hỏi mình có phải là người giỏi không, vì xung quanh tôi có rất nhiều người tài năng. Hay chẳng qua tôi may mắn được làm việc trong môi trường có nhiều người giỏi như vậy”, ông Mạnh nói.

Ngoài những điều tự vấn, ông cũng muốn mang đến nhiều giá trị hơn cho cộng đồng. Sau đó, ông khám phá ra, thứ mà mình khao khát là giúp mọi người thành công hơn: “Tôi muốn giúp mỗi người, hay ngay bản thân đội ngũ, những người làm cùng tôi có thể lên được ngọn núi cao hơn”.

CEO Phan Lê Mạnh kể, giai đoạn 2010 - 2011, sau khi tích lũy được một khoản tiền, ông bắt đầu dành tiền để đầu tư bất động sản. Từ những trải nghiệm rất tệ của người đi mua, ông nhận thấy thông tin mua bán bất động sản thời ấy toàn là tin giả, khi gọi điện hỏi, gần như các sản phẩm đều được trả lời là đã bán hết, hoặc không có thật.

Sau một thời gian tìm hiểu, ông dần phát hiện ra nguyên nhân là thị trường không có một hệ thống hàng hoá chung, tức là thiếu hệ thống thông tin mô tả chi tiết về hàng hoá để khách hàng có thể xem xét, thẩm định và ra quyết định đầu tư. Quan trọng là, hàng hoá đó phải được xác minh kỹ lưỡng để giúp người mua và ngay cả bản thân môi giới có thể biết chính xác tình trạng của bất động sản.

Theo ông Mạnh, với ngành môi giới bất động sản, nếu mình không làm, thì chắc chắn một ngày nào đó các công ty nước ngoài sẽ đến và thiết lập các tiêu chuẩn. Khi đó, Việt Nam sẽ mất đi một ngành rất tiềm năng.

“Tôi muốn giúp các bạn môi giới có thể sống được với nghề. Khi họ tồn tại được và coi môi giới là một cơ hội, họ có thể giúp cải thiện trải nghiệm và giải quyết được những bài toán của khách hàng”, ông nói và tin rằng, chỉ có công nghệ mới có thể tạo ra một nền tảng mà tất cả hàng hoá tập trung lại, mọi thứ đều được cập nhật một cách tức thời.

Từ suy nghĩ ấy, ông tìm thấy cơ hội của mình và bắt đầu hành trình tìm người cùng chí hướng. Ý tưởng là lập một sàn giao dịch bất động sản trực tuyến ứng dụng công nghệ 3D mà ở đó, khách hàng có thể tham quan ngôi nhà với mọi góc độ quan sát như ngoài đời thực, thay vì chỉ nhìn vài tấm ảnh đơn điệu.

Tuy nhiên, hầu như những người mà ông tìm đến đều ngao ngán bởi độ khó và một tương lai khá mơ hồ khi cạnh tranh trong thị trường vốn đã được định hình bởi những tay chơi lớn. Ông nhận được khá nhiều cái lắc đầu trước ý tưởng có phần liều lĩnh của mình.

Phải đến đầu năm 2016, đội ngũ sáng lập cho dự án sàn bất động sản 3D mới thành hình và bắt tay thực hiện “ước mơ”. “Rever tiếng Pháp có nghĩa là giấc mơ. Nếu chỉ là một người mơ thì là giấc mơ, còn nếu nhiều người mơ thì giấc mơ đó sẽ trở thành hiện thực”, ông Mạnh nói.

Tìm cơ hội mở khóa cuộc đời

Nhìn lại chặng đường 5 năm hoạt động, ông Phan Lê Mạnh cho biết, từ việc chỉ thực hiện khoảng 200 giao dịch trong năm 2017, đến năm 2021, số lượng giao dịch của Rever đã tăng hơn 10 lần, đạt 2.000 lượt giao dịch. Riêng trong năm qua, Rever tiếp tục huy động được hơn 10 triệu USD, nâng tổng số vốn gọi được lên hơn 16 triệu USD.

Nhà sáng lập, kiêm CEO Rever cho biết, Công ty định vị là đơn vị môi giới bất động sản nhưng ứng dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí tiếp cận khách hàng, đồng thời tăng năng suất bán hàng của nhân viên môi giới. Nhưng để có tin thật, sản phẩm thật, mọi tin đăng đều được một nhóm kiểm định của Rever rà soát, duyệt đăng.

“Mô hình chúng tôi theo đuổi thành hay bại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phân tích dữ liệu, mà muốn dữ liệu được phân tích đúng thì đầu vào phải chính xác. Đó là lý do Rever phải có mạng lưới điểm giao dịch và tiếp nhận thông tin riêng”, ông nói.

Ông Mạnh cho biết, trong năm 2022, Rever sẽ mở rộng ra Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ; mục tiêu đến năm 2025, Rever sẽ phục vụ 200.000 khách hàng với 20.000 môi giới, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm vượt qua cả sự mong đợi.

Thực ra, việc sử dụng công nghệ phục vụ hoạt động mua bán, tiếp thị bất động sản ở Việt Nam không còn mới mẻ, đã bùng nổ mạnh trong những năm qua. Không chỉ các start-up như Rever, mà nhiều “ông lớn” bất động sản khác cũng công bố gia nhập cuộc đua. Đây sẽ là một thách thức lớn, bởi những doanh nghiệp thâm niêm sở hữu ít nhất 3 lợi thế: đội ngũ sáng lập am hiểu thị trường, quan hệ vững chắc với các nhà phát triển trong hệ sinh thái và nắm rõ chính sách phát triển bất động sản.

Nhưng theo quan điểm của ông Mạnh, công nghệ số đã làm thay đổi rất nhiều thứ. Nếu theo cách truyền thống, khách hàng tìm thương hiệu rồi xem sản phẩm và quyết định đầu tư, thì trên không gian số, người ta gõ các từ khóa về nhu cầu mình, từ đó nhìn thấy sản phẩm, xác minh thông tin và ra quyết định đầu tư. Nói cách khác, cuộc chơi sẽ có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mới hiểu và đầu tư mạnh cho công nghệ để đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của khách hàng.

Mặt khác, để phát triển bền vững, CEO Phan Lê Mạnh cho rằng, xu thế hiện nay là sự hợp tác giữa các công ty môi giới truyền thống, chủ đầu tư và các công ty Proptech, chứ không loại trừ nhau vì đó là sự cộng hưởng cùng có lợi. “Rever đang phân phối bất động sản cho Vinhomes và rất nhiều chủ đầu tư khác. Để tạo sự ổn định và làm cho thị trường tốt lên, ngoài Rever, sẽ cần những công ty như One Housing hay nhiều start-up khác”, ông Mạnh nói.

Nói thêm về kế hoạch trong thời gian tới, ông Mạnh cho biết, trong 5 năm qua, công nghệ của Rever chủ yếu tập trung vào việc tiếp thị, hỗ trợ bán hàng, theo dõi tiến độ làm việc, cũng như tính toán thu nhập của môi giới. Nhưng giai đoạn đến năm 2025, Công ty sẽ mở rộng rổ hàng bằng cách cho phép các môi giới thêm hàng hóa của họ vào.

Cách làm này có thể ảnh hưởng đến nguồn hàng của môi giới, hay sẽ nhiễu loạn vì tin rác, nhưng ông cho rằng, thị trường từ trước đến nay vẫn hoạt động như vậy. “Rever không tạo ra luật mới, mà chỉ cung cấp công cụ giúp thị trường ngày càng minh bạch hơn”.

Về phía khách hàng, Rever sẽ chuyển sang tương tác livestream, video call. Có khoảng 20% dự án trên website của Rever được giới thiệu dưới định dạng 3D và Công ty sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ này trong thời gian tới. Song song đó là các chương trình khách hàng thân thiết như tặng bảo hiểm sức khỏe.

“Bản chất của giao dịch bất động sản là giao tiếp giữa người với người để tìm kiếm thông tin minh bạch và an toàn. Trước dịch, khách gặp mặt trực tiếp, còn bây giờ dùng video call, livestream… vẫn được, miễn là thông tin minh bạch”, ông Mạnh nhận định.

Nhìn lại 5 năm kể từ lúc “ra riêng”, ông Mạnh nói, Rever chưa mang lại nhiều giá trị cho ông như thời điểm làm việc tại VNG, nhưng đã cho ông cơ hội trải nghiệm, bởi điều ông luôn tâm niệm là sự tự do để thực hiện mục tiêu riêng. Đó cũng là năng lượng tốt để mọi người đạt được giấc mơ hay tầm nhìn trong tương lai.

“Khi bạn đứng dưới đồng bằng, bạn sẽ thấy phong cảnh khác. Khi bạn đứng trên đỉnh núi, bạn sẽ thấy toàn bộ phong cảnh đồng bằng rất khác so với khi bạn đứng bên dưới. Và bạn có được quyền quyết định sẽ làm gì cho những điều bạn thấy. Điều đó sẽ giúp cuộc đời của bạn được mở khoá. Tôi gọi đó là giải phóng”, CEO Rever bày tỏ quan điểm.

Chat với CEO Phan Lê Mạnh

Theo ông, Proptech đang thay đổi thị trường bất động sản thế nào?

Cách đây 10 năm, khi muốn tìm một thông tin bất động sản, chúng ta phải thông qua một môi giới nào đó. Nhưng ngày nay, tình hình đã hoàn toàn mới. Khách hàng không còn tìm thông tin qua môi giới nữa, mà tìm kiếm tin trên những nền tảng - một nơi đáng tin cậy hơn.

Tôi tin rằng, trong 3 - 5 năm nữa, gần như trọn quá trình giao dịch của khách hàng sẽ dựa hoàn toàn vào nền tảng Proptech. Trên thế giới, Proptech đã tham gia tất cả hành trình, từ giai đoạn tìm kiếm nhà, mua nhà, marketing, hỗ trợ chủ đầu tư, cho vay… Tất cả đều có những công ty tấn công vào từng phân khúc nhỏ như vậy.

Nhưng thói quen mua nhà của người Việt vẫn là “nhìn tận mắt, sờ tận tay”. Liệu công nghệ có thay đổi được thói quen đó không?

Đúng là không ai mua nhà mà chỉ xem qua mạng, dù là chi tiết như công nghệ 3D. Tuy nhiên, bằng cách này, người có nhu cầu sẽ tinh lọc được những sản phẩm mình ưng ý nhất để đi xem thực tế. Ngoài ra, làn sóng công nghệ thực tế ảo đang được ủng hộ nhiệt tình cũng là chỗ dựa tinh thần to lớn cho đội ngũ.

Ông có từng nghĩ đến thất bại khi rời VNG để đến với Rever?

Rever có thể thành hoặc bại trong vài năm tới, không ai biết trước được. Nhưng muốn tồn tại trong một thị trường đã được định hình từ trước, chúng tôi phải tạo sự khác biệt.

Tin bài liên quan