Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc CFC.

Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc CFC.

CFC nỗ lực khẳng định thương hiệu một định chế tài chính lớn

Ra đời từ ngành vật liệu xây dựng, nên CFC hiểu hơn bất cứ một định chế tài chính nào về nhu cầu tài chính của các DN thuộc Vicem và VNSteel.

Ra đời vào thời điểm "sóng gió" của thị trường tài chính năm 2008, với 61,5% vốn điều lệ từ ba tổ chức hàng đầu trong ngành vật liệu xây dựng và ngân hàng là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và Vietcombank - VCB, Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) đang thể hiện sức vươn lên để trở thành một định chế tài chính mạnh, khi lên kế hoạch tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng và niêm yết trên TTCK tập trung vào cuối năm nay.

Cuộc trao đổi giữa ĐTCK với ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc CFC sẽ làm rõ hơn chủ đề này.

 

Là định chế tài chính khá trẻ, CFC định vị mình như thế nào để khẳng định được vị thế trên thị trường tài chính vốn luôn có tính cạnh tranh gay gắt, thưa ông?

Ra đời từ ngành vật liệu xây dựng, nên CFC hiểu hơn bất cứ một định chế tài chính nào về nhu cầu tài chính của các DN thuộc Vicem và VNSteel.

Trong khi đó, số lượng DN thuộc hai đơn vị này khá lớn, nên CFC có nhiều cơ hội để cung cấp các sản phẩm tài chính cho các DN. CFC có điều kiện thuận lợi để đáp ứng tối đa nhu cầu tài chính của các DN với sự hỗ trợ đắc lực của VCB với tư cách là cổ đông sáng lập.

Công ty đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các DN ngành xi măng và thép quản lý dòng tiền, cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng cho họ thông qua nỗ lực tạo thành chuỗi khách hàng bền vững trong hầu hết các khâu của hoạt động sản xuất - kinh doanh các mặt hàng thép và xi măng.

Năm nay, Công ty được Vicem giao quản lý dòng tiền xuất khẩu xi măng của các công ty trực thuộc. Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu năm 2010 phải xuất khẩu được ít nhất 1 triệu tấn xi măng, với lợi thế được quản lý dòng vốn lớn này, đang tạo thêm sức mạnh cho CFC.

 

Với định vị như vậy, những kết quả mà CFC có được đến thời điểm này là gì?

Sau 2 năm hoạt động, CFC đã bước đầu tạo dựng được những giá trị quý giá: đội ngũ nhân sự có trình độ, chuyên nghiệp; tiềm lực tài chính được gia tăng. Hết năm 2009, tổng tài sản của CFC tăng hơn gấp đôi so với năm 2008, đạt 3.354 tỷ đồng và con số này dự kiến tăng lên khoảng 6.000 - 6.200 tỷ đồng trong 2010.

Năm nay, CFC sẽ tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và quý II tới, CFC sẽ phát hành trái phiếu DN với sự tham gia chính của Vicem, VNSteel và các DN thành viên… Đặc biệt, thương hiệu CFC đã dần trở nên gần gũi với nhiều DN.

Một hoạt động ủng hộ chủ trương xã hội hoá công tác đầu tư cơ sở khám chữa bệnh, cũng là lĩnh vực đầu tư tiềm năng đã được CFC xúc tiến trong năm 2009, đó là hợp tác với Công ty Med-Aid, Inc (Hoa Kỳ) triển khai chương trình "Chung tay đẩy lùi căn bệnh ung thư" bằng việc thành lập CTCP Med-Aid Công Minh (MCM).

MCM sẽ kết hợp sức mạnh tài chính của CFC với nền tảng công nghệ hiện đại của Med-Aid, Inc, để hỗ trợ các bệnh viện Việt Nam trang bị hệ thống máy móc tiên tiến, nâng cấp và xây mới các trung tâm điều trị ung thư.

 

Đâu là những mục tiêu chiến lược mà Công ty hướng đến, để sớm định hình thương hiệu CFC mạnh trên thị trường tài chính không chỉ trong nước mà cả quốc tế?

Tầm nhìn của CFC không chỉ nỗ lực để trở thành một tổ chức tài chính phát triển vững chắc và có khả năng sinh lợi tốt nhất trong ngành vật liệu xây dựng, mà còn vươn lên trở thành một định chế tài chính mạnh. CFC đang có quan hệ với 50 đối tác là các định chế tài chính lớn trong nước và quốc tế, trong đó phải kể tới: Duetsche Bank, Morgan Bank, ANZ Bank, HSBC…

Ngoài tập trung huy động và đầu tư vốn, CFC còn cung cấp cho các DN nhiều dịch vụ tài chính: tư vấn quản lý tài chính, tái cấu trúc tài chính… để hạn chế rủi ro trong khoản vay nợ của DN trong ngành.

CFC đang xây dựng chương trình quản lý quỹ trả nợ cho các dự án, nhà máy, DN trả nợ nước ngoài. Với chương trình này, chi phí khấu hao, những tích lũy hàng tháng, quý của các DN sẽ được dồn vào để trả các khoản nợ nước ngoài khi mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất… CFC cũng sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường liên ngân hàng để cân đối dòng tiền, khả năng thanh khoản.

Đặc biệt, năm nay, Công ty tập trung vào thiết lập hệ thống quản trị hiện đại thông qua tiến hành xây dựng các chỉ số, để quản lý, điều hành DN theo mô hình tiên tiến của thế giới. Với chương trình này, CFC sẽ lượng hóa các chỉ số để giúp Ban lãnh đạo nắm được hoạt động hàng ngày của Công ty, từ đó đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, mang lại hiệu quả cao.

CFC coi con người, nguồn vốn và danh tiếng là những tài sản quan trọng nhất. Danh tiếng trong việc cung cấp các dịch vụ và sản phẩm mang tính chuyên nghiệp cao, thoả mãn tối đa nhu cầu của khách hàng là điểm cốt lõi tạo nên sự thành công của CFC.

Một số chỉ tiêu tài chính của CFC (đơn vị: tỷ đồng)

STT

Chỉ tiêu

Năm 2009

Năm 2010

1

Tổng tài sản (tỷ đồng)

3.354

6.200

2

Lợi nhuận (tỷ đồng)

73,1

150

3

ROE (%)

17,8

18,8

4

ROA (%)

2,62

2,2

5

EPS (đồng)

1.989

2.000