Chậm được hoàn thuế, nhiều doanh nghiệp rơi vào đường cùng

0:00 / 0:00
0:00
Số tiền chậm hoàn thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng, khiến nhiều doanh nghiệp đang rơi vào thế đường cùng khi không còn vốn để kinh doanh. Trong khi với quy trình xác minh hiện nay của cơ quan thuế, xem ra chặng đường hoàn thuế của doanh nghiệp vẫn còn rất dài.
Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng hiện rất phức tạp, khiến nhiều doanh nghiệp chậm được hoàn thuế, dẫn đến thiếu vốn kinh doanh

Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng hiện rất phức tạp, khiến nhiều doanh nghiệp chậm được hoàn thuế, dẫn đến thiếu vốn kinh doanh

Cạn vốn kinh doanh vì bị “giam” tiền hoàn thuế

Những ngày cuối năm này, nhiều doanh nghiệp đang loay hoay chưa biết xoay xở ra sao để có dòng tiền kinh doanh và tiền để trả lương, thưởng cho nhân viên khi Tết đang cận kề. Trong khi đó, số tiền hàng trăm tỷ đồng hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đang bị cơ quan thuế chậm hoàn trả.

Chỉ trong vòng 3 tháng qua, các hiệp hội cao su, gỗ, nhựa, xi măng, sắn… đã gửi thư kêu cứu đến các cơ quan chức năng và Chính phủ về tình trạng chậm hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp. Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chỉ riêng số tiền VAT mà hàng trăm doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn thuế đã lên đến khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận (quận 1, TP.HCM) cho biết, doanh nghiệp của bà chưa được hoàn thuế hơn 50 tỷ đồng, nên không biết lấy đâu ra vốn để xoay xở kinh doanh vào thời điểm cuối năm. Dù có đơn hàng, nhưng doanh nghiệp cũng không dám nhận vì không còn vốn, thậm chí còn phải cắt giảm hoạt động kinh doanh.

Đại diện một doanh nghiệp xi măng (đề nghị không nêu tên) cho biết, từ tháng 10/2021 đến nay, doanh nghiệp chưa được hoàn thuế VAT, với tổng số tiền lên đến 140 tỷ đồng. Việc chậm hoàn thuế đã khiến doanh nghiệp phát sinh nợ xấu với ngân hàng và đối mặt nguy cơ dừng hoạt động. Đó là chưa kể, doanh nghiệp có thể bị kiện quốc tế do vi phạm hợp đồng đã ký với đối tác xuất khẩu.

Vấn đề hoàn thuế VAT tiếp tục là chủ đề “nóng”, không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng liên tục phản ánh trong các hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp thời gian gần đây.

Tại buổi đối thoại với cơ quan thuế vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Tomoki Kawasaki, Giám đốc tài chính Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Khánh Hòa) phản ánh, việc chậm hoàn thuế VAT kéo dài đến nay đã 2 năm, khiến doanh nghiệp lao đao vì thiếu vốn. Để có tiền hoạt động, doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn khác để bù đắp lại khoản tiền chưa được hoàn thuế, dẫn đến phát sinh chi phí lãi vay cũng như thua lỗ vì chênh lệch tỷ giá.

Theo ông Tomoki Kawasaki, Nghị định số 49/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/9/2022 đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, cơ quan thuế địa phương vẫn chưa giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp với lý do chờ thông tư hướng dẫn. “Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính phải có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thuế địa phương triển khai nhanh”, ông Tomoki Kawasak bức xúc.

Các doanh nghiệp Nhật Bản khi gặp lãnh đạo TP.HCM vào đầu tháng 12 cũng kêu cứu rất nhiều về vấn đề hoàn thuế VAT. Hầu hết doanh nghiệp có chung kiến nghị, cần đơn giản thủ tục hoàn thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Nguyên nhân xuất phát từ một văn bản ngành

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm hoàn thuế VAT xuất phát từ Công văn số 633/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế về thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế VAT. Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng. Nếu các doanh nghiệp F1, F2, F3... không thuộc địa bàn quản lý thì cục thuế làm công văn gửi cục thuế các địa phương có liên quan để rà soát, đối chiếu, xác minh đến khâu cuối cùng.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc xác minh doanh nghiệp F1, F2, F3 là không khả thi và như đánh đố doanh nghiệp. Đại diện Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận cho biết, có những hóa đơn từ vài năm trước, đến giờ cơ quan thuế mới đi xác minh. Do tình hình dịch bệnh, nhiều đơn vị đã ngừng hoạt động thì doanh nghiệp làm sao có thông tin cung cấp cho cơ quan thuế?

“Tiền hoàn thuế VAT là tiền của doanh nghiệp đã ứng trước nộp vào ngân sách khi mua nguyên liệu, khi đã xuất khẩu xong thì phải trả lại cho doanh nghiệp để lấy vốn quay vòng mới. Đằng này doanh nghiệp đã ứng trước nộp vào ngân sách, nhưng khi làm hồ sơ hoàn thuế thì như đi xin”, đại diện Công ty Hòa Thuận bức xúc.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Công văn số 633/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế chỉ là văn bản chỉ đạo nội bộ trong ngành. Lẽ ra, sau khi kiểm tra, nếu cơ quan thuế không tìm thấy bằng chứng gian lận thì phải hoàn thuế cho doanh nghiệp. Không chỉ vì một nhóm nhỏ doanh nghiệp gian lận thuế mà “giam” tiền hoàn thuế của hàng loạt doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây thiệt hại lớn cho cả cộng đồng.

Liên quan đến vấn đề chậm hoàn thuế mà doanh nghiệp bức xúc phản ánh, ông Trần Minh Quốc, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TP.HCM) cho biết, việc xác minh hóa đơn là công đoạn bắt buộc trong hồ sơ hoàn thuế VAT. Tỷ lệ và mức độ xác minh được dựa trên đánh giá mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Theo quy định, thời gian trả lời xác minh hóa đơn thông thường là 10 ngày, một số trường hợp phức tạp thì không quá 30 ngày.

“Các doanh nghiệp đang có vướng mắc về hoàn thuế VAT tại Cục Thuế TP.HCM có thể cung cấp thông tin cụ thể để cơ quan thuế rà soát và có phản hồi chính xác nhất”, ông Quốc nói.

Tin bài liên quan