“Chất vấn” sớm Bộ trưởng Lê Minh Hoan

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, một trong 5 thành viên Chính phủ sẽ lên "ghế nóng" của Quốc hội, đã trả lời “chất vấn” sớm của phóng viên Báo Đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Thưa Bộ trưởng, đôi khi ngay trong các văn bản được phát hành chính thức cũng dùng từ “người bị chất vấn”, nhưng một số vị đại biểu cho rằng, nên thay chữ “bị” bằng chữ “được”. Là một trong các thành viên Chính phủ chính thức lên “ghế nóng” tại Kỳ họp thứ ba này của Quốc hội, ông chọn chữ nào?

Tôi đồng ý với chữ “được”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chắc các bộ khác cũng vậy, đều đang trong quá trình chuyển đổi tư duy, mô hình, chiến lược quản lý, thì cần có sự truyền thông và chia sẻ để Quốc hội và cử tri thấu hiểu được quá trình này.

Khi được chọn để trả lời chất vấn, các bộ, ngành có cơ hội cung cấp thêm thông tin để đại biểu Quốc hội chia sẻ, có thể góp phần cùng với các bộ, ngành vận động người dân trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý, tư duy quản lý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp lấy sản lượng làm mục tiêu sang tư duy là kinh tế nông nghiệp lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu phấn đấu. Câu chuyện này không chỉ nằm ở chiến lược, mà còn ở địa phương, ở người nông dân, nên làm sao để người nông dân hiểu được câu chuyện đó là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, qua phần trả lời chất vấn, các vị đại diện cho dân cũng có thể nắm bắt thêm các bộ, ngành đang trăn trở điều gì để chia sẻ.

Giả sử có đại biểu chất vấn rằng, trong 2 năm cả nước gồng mình chống chọi với dịch Covid-19, nông nghiệp có thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế hay không, ông sẽ trả lời thế nào?

Hiện tại, nông nghiệp vẫn đang là trụ đỡ, nhưng làm sao để trụ đỡ vững chãi hơn mới là câu chuyện, bởi diễn biến thị trường thế giới, đại dịch Covid-19... đều tác động hàng ngày đến nền kinh tế đất nước, trong đó, chịu nhiều tổn thương nhất là khu vực nông nghiệp và nông dân. Việt Nam xuất khẩu hàng ngày, nhập nguyên liệu hàng ngày, nên không thể tự bằng lòng với hiện thực là trụ đỡ, vì phải lường trước tất cả các rủi ro còn đang ở phía trước và ngành nông nghiệp phải chủ động thích ứng trong điều kiện mới.

Do đó, về mặt cá nhân, tôi mong muốn rằng, đại biểu thực thi quyền chất vấn của mình làm sao để cả cơ quan quản lý nhà nước và xã hội đồng thuận với nhau ở những vấn đề cốt lõi nhất.

Vừa rồi, trong diễn biến thị trường ở cửa khẩu biên giới phía Bắc, giá vật tư phân bón tăng lên... Những câu chuyện cảm xúc đó có thể làm cho người nông dân chao đảo niềm tin, mà hiện nay, cần hội tụ niềm tin vì lúc này, cả thế giới đang khó, khó người - khó ta, khó ta - khó người. Có niềm tin, chúng ta bình tĩnh để gặp nhau, lan tỏa tinh thần từ Quốc hội, Chính phủ đến cử tri.

Là bộ trưởng, nhưng cũng đồng thời là đại biểu, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có trách nhiệm tham gia công tác lập pháp, chứ không chỉ là thực thi, ông cảm nhận thế nào về sự quan tâm của Quốc hội đến nông nghiệp và phát triển nông thôn?

Hiện nay, hệ thống chính sách tương đối nhiều, nếu tổng cộng cả thông tư, nghị định, hướng dẫn thì rất nhiều, nhưng vẫn tản mạn, chưa kết dính. Nếu chính sách chỉ thiên về hỗ trợ người nông dân thì khó thành công.

Khi ban hành chính sách, cần hiểu nguời nông dân cần cái gì, thiếu cái gì, chứ nhiều khi ban hành một chính sách mà chúng ta nghĩ là người nông dân đang thiếu cái này, nhưng có khi họ lại thiếu cái khác. Vậy nên, việc ban hành chính sách cần phải làm tốt hơn nữa để người nông dân có thể cảm nhận được.

Vừa qua, có rất nhiều chính sách không đi vào thực tế. Có bài báo nói rằng, chính sách trong phòng lạnh, còn người nông dân thì ở ngoài đồng. Như thế là vẫn còn khoảng cách giữa cơ quan soạn thảo chính sách với đời sống xã hội.

Tôi nghĩ, cơ quan soạn thảo phải coi chính sách như sản phẩm của mình, phải đi tiếp thị, khi tiếp thị thì lắng nghe sự phản hồi của xã hội, của người nông dân xem cái gì cần thì nhân lên, cái gì không hợp lý nữa thì thôi, như thế thì người nông dân mới hấp thụ được.

Đưa chính sách thực sự xuống được với người nông dân là vấn đề quan trọng trong quá trình lập pháp cũng như tổ chức thực hiện.

Với quan điểm là “được trả lời chất vấn”, chắc là Bộ trưởng không ngại ngần gì, dù lên “ghế nóng” lần đầu tiên, chưa có kinh nghiệm?

Câu này thì bạn... tự trả lời nhé!

Tin bài liên quan